Ngành Y tế Thủ đô: Hơn 6 thập kỷ chuyển mình

Những năm qua, ngành Y tế Thủ đô đã có những bước đột phá, đem lại sự hài lòng cho người bệnh. Nếu như các bệnh viện tuyến dưới 'thay da đổi thịt', thu hút ngày càng đông bệnh nhân, thì tuyến trên lại đi sâu vào việc triển khai nhiều kỹ thuật cao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm quá tải, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi.

Nhiều điểm sáng được ghi nhận

65 năm sau giải phóng ngành Y tế Thủ đô ngày càng phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây. Điều đáng mừng là ngành Y tế Thủ đô có xây được một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K Tân Triều, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đạt tiêu chuẩn Châu Âu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn…. Phần lớn các bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Cùng với việc ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị, việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, áp dụng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho người bệnh được ngành Y tế Thủ đô triển khai quyết liệt và hiệu quả.

Các bệnh viện của Hà Nội đang ứng dụng những công nghệ tốt nhất trong việc khám và điều trị bệnh

Các bệnh viện của Hà Nội đang ứng dụng những công nghệ tốt nhất trong việc khám và điều trị bệnh

Đơn cử như việc nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, giúp nhiều người bệnh được hưởng lợi. Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sau hơn 1 năm triển khai bệnh án điện tử bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực. Từ khi áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch, không còn tình trạng trục lợi thẻ bảo hiểm y tế; khi ứng dụng thẻ từ thông minh để tiếp đón bệnh nhân rút ngắn thời gian tiếp đón từ khoảng 3 phút/1 bệnh nhân xuống còn từ 5-10 giây/1 bệnh nhân…

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Lê Anh Tuấn, hiện đối với số lượng bệnh nhân mãn tính, Bệnh viện đã có tất cả sổ y bạ điện tử. Khi bệnh nhân đến viện tái khám, chỉ cần quẹt thẻ hoặc ấn vân tay thì toàn bộ thông tin tiếp đón sẽ được thực hiện chỉ trong vòng 2 phút. Nhiều người bệnh không cần mang bất kỳ một loại giấy tờ gì vẫn có thể được tiếp đón đúng đối tượng.

Hiệu quả của mô hình hồ sơ bệnh án điện tử được đa phần bệnh nhân đánh giá tiện lợi, nhất là đối với những bệnh nhân cao tuổi phải thường xuyên tới khám và điều trị tại Bệnh viện. Chia sẻ về vấn đề này, bệnh nhân Trần Văn Vẻ (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: Tôi đến đây khám bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Tôi đăng ký khám qua tổng đài, vì vậy cứ đến ngày, đến giờ là tôi đi khám. Từ khi Bệnh viện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, người bệnh như tôi không còn phải “tay xách nách mang” giấy tờ, nên rất nhanh và tiện lợi. Thời gian tiết kiệm được bác sĩ dùng để thăm khám, tư vấn và giải thích cho bệnh nhân kỹ càng hơn”.

Không chỉ có lợi với bệnh nhân, mà việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử còn giúp các bác sĩ, nhân viên y tế giải tỏa được nhiều sức lao động không cần thiết trong việc khám chữa bệnh. Việc triển khai hồ sơ điện tử còn giúp truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa, phòng một cách nhanh chóng, nâng cao khả năng tương tác và truyền thông giữa các bên.

Đối với công tác chuyên môn, Sở Y tế Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Hầu hết các loại dịch bệnh có số ca mắc giảm dần theo các năm và đặc biệt là hạn chế được ca bệnh tử vong; tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh trên địa bàn thành phố thường cao hơn so với chỉ tiêu của Quốc gia. Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng cao, tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân, phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương.

Tương tự, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã khẳng định vị thế quan trọng của mình trong công tác điều trị, khám chữa bệnh sản, phụ khoa. Trong nhiều năm qua, Bệnh viện đã tiến hành nhiều kỹ thuật mới nhằm đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, năm 2018, Bệnh viện đã tiến hành các kỹ thuật mới như: Phẫu thuật đặt mảnh ghép sinh học trong bệnh lý sàn chậu (điều trị són tiểu và sa sinh dục, phẫu thuật nam học); kỹ thuật xét nghiệm PLGF trong sàng lọc tiền sản giật sớm quý I thai kỳ; kỹ thuật đo chỉ số sung của động mạch tử cung sàng lọc tiền sản giật sớm thai kỳ; áp dụng kỹ thuật Lisa (kỹ thuật bơm surfactant ít xâm nhập) trong điều trị hội trứng suy hô hấp cho trẻ sơ sinh; phẫu thuật ung thư vú, ung thư phụ khoa; triển khai điều trị nội cho bệnh nhân ung thư sau phẫu thuật...

Ngoài ra, Bệnh viện còn phát triển áp dụng một số kỹ thuật mới theo phát sinh của mô hình bệnh tật mới như: Xử trí thai tại sẹo mổ cũ, phẫu thuật sửa sẹo hở khuyết vết mổ…

Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện khẳng định: Ba mũi nhọn chuyên môn của Bệnh viện trong năm 2018 là sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, hỗ trợ sinh sản và sơ sinh. Trong đó, Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2018 đã triển khai hoạt động trả kết quả sàng lọc trước sinh sau 2 giờ lấy máu và trả kết quả kết quả sàng lọc sơ sinh qua website của Bệnh viện. Tại Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và quốc tế.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh y tế tuyến cơ sở

Không chỉ tuyến thành phố, ngay cả với bệnh viện tuyến huyện cũng đã có nhiều sự đổi thay đáng kể. Ông Nguyễn Danh Sơ (xã Minh Châu, huyện Ba Vì) là một trong những bệnh nhân thường xuyên của Trạm Y tế xã Minh Châu chia sẻ: “Tôi bị huyết áp cao nên tháng nào cũng lên Trạm y tế lấy thuốc, kiểm tra định kỳ. Còn vợ tôi bị tê tay chân do vôi hóa cột sống, nên ngày nào cũng ra Trạm y tế xã châm cứu, sức khỏe thấy tốt lên từng ngày. Tới đây khi Trạm y tế xã bổ sung thêm nhiều máy móc thì chẳng khác nào một “bệnh viện mini”, người dân chẳng phải chuyển tuyến đi xa, bớt khó khăn, tốn kém” - ông Sơ vui vẻ nói.

Nếu như 20 năm trước, những bệnh nhân như vợ chồng ông Sơ sẽ phải chuyển lên tuyến trên điều trị, thì nay câu chuyện đã khác. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô không chỉ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn thực hiện hiệu quả việc cử người hành nghề đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay, 100% bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, u nang buồng trứng... Ngoài ra, còn phát triển kỹ thuật cao trong các lĩnh vực: Sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu... Chính vì nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được các kỹ thuật cao, giúp người dân tin tưởng, lựa chọn chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương.

Đây được xem là một trong những kết quả nổi bật sau khi ngành Y tế Thủ đô triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải cách hành chính, cải tiến quy trình từ khâu đón tiếp, khám bệnh, xét nghiệm, thanh toán... nhằm rút ngắn thời gian chờ làm các thủ tục khám, chữa bệnh, nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân.

Tiến sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Với nỗ lực của toàn ngành Y tế, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân năm 2018 đạt 23,3 và dự kiến đến 2020 đạt được 23,7, không đạt được mục tiêu đặt ra (26,5), bởi mặc dù có tăng số giường bệnh nhưng dân số Hà Nội tăng thêm 1 triệu người so với năm 2018. Về chỉ tiêu bác sĩ/vạn dân, dự kiến năm nay đạt 13,4 và năm 2020 sẽ đạt 13,5, hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhờ các giải pháp mà ngành đang và sẽ triển khai liên quan đến tổ chức tuyển dụng viên chức, tiếp tục tăng giường bệnh cho các cơ sở y tế làm cơ sở để tuyển dụng bác sĩ, có chính sách thu hút nhân lực về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, đối với tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến cuối năm 2018 có 581/584 (99,48%) xã, phường đạt tiêu chí này; hiện 3 xã thuộc huyện Mỹ Đức đã triển khai đầu tư xây dựng trạm y tế và dự kiến đến hết tháng 9/2019 đưa vào sử dụng.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nganh-y-te-thu-do-hon-6-thap-ky-chuyen-minh-97675.html