'Ngáo đá' không phải là tình tiết giảm nhẹ

Mấy ngày nay, câu chuyện người giúp việc, chị Y Nhiêu, quê huyện Đăk Glei, Kon Tum, bị bà chủ Nguyễn Thị Hà, tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP Pleiku, bạo hành mỗi lần lên cơn 'ngáo đá' khiến dư luận quan tâm.

Chị Y Nhiêu bị gia chủ thường xuyên hành hạ. Đỉnh điểm, đầu tháng 6-2018, khi Hà kêu mất hơn 1 tỷ đồng và vu cho chị Nhiêu lấy cắp. Dù chị này quả quyết, không phải kẻ cắp nhưng Hà vẫn bỏ ngoài tai, dùng nhiều chiêu cực hình: lấy cây sắt, kiếm đập lên đầu, lên người; dùng bàn ủi ủi lên người; lấy dao lam rạch mặt; búa đập vào ngón tay; đóng đinh vào cây đập lên người; bẻ răng… - những cực hình tưởng chừng chỉ có ở thời trung cổ. Các bác sĩ chẩn đoán, chị Y Nhiêu bị đa vết thương, nhiễm trùng vùng ngực, bụng, tai, gãy hở 3 đốt ngón tay, gãy 3 chiếc răng, rạn mõm cùm vai trái, có di chứng thương tích toàn thân với nhiều vết sẹo và bỏng… Trước sự việc này, bà Hà cho rằng, mình không đánh ai và chỉ bay nhảy, múa hát.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, đã lên tiếng, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi bạo hành thân thể chị Y Nhiêu.

Trước đó, chúng ta nghe nhiều những vụ án liên quan đến “ngáo đá”. Như vụ ca sĩ Châu Việt Cường lên cơn “ngáo đá”, nhét tỏi vào miệng khiến bạn gái tử vong. Anh ta nghĩ rằng, nạn nhân là quỷ. Hay một nam thanh niên trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội, dùng dao đâm bố mẹ và em trai rồi tự tử vì “ngáo đá”.

Luận ra, “ngáo đá” có thể khiến người sử dụng ma túy gây các tội ác trong tình trạng loạn thần nặng nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và “ngáo đá” cũng không ngoại lệ. Người bị “ngáo đá” là hậu quả của hành vi chủ động, không vô thức khi bắt đầu sử dụng chất ma túy (là một loại chất kích thích mạnh).

Vì vậy, pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và không có cơ sở đề nghị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ngao-da-khong-phai-la-tinh-tiet-giam-nhe-119450.html