Ngập do mưa lớn?

Việc một thành phố lớn có 2 mặt giáp biển như Đà Nẵng 'chìm trong nước' do mưa lớn những ngày qua, bộc lộ rõ bất cập về quy hoạch, xây dựng hạ tầng đô thị. Đà Nẵng ngập không phải do nước từ thượng nguồn đổ về mà có nguyên nhân sâu xa từ hệ thống tiêu thoát và sự suy giảm vai trò điều tiết của các hồ, đầm trên địa bàn thành phố này.

Nhiều tuyến phố trung tâm TP Đà Nẵng chìm trong nước qua trận mưa ngày 9/12.

Nếu như ở nông thôn, ngập úng gây thiệt hại về canh tác, mùa màng thì ở đô thị, ngập đi kèm với hình ảnh rối loạn, ách tắc giao thông và những thiệt hại rất lớn về tài sản của tổ chức, cá nhân.

Đợt mưa lớn gây ngập ngày 9/12 ở Đà Nẵng gây nên những cảm xúc trái chiều qua hình ảnh bơi thuyền thể thao trên đường phố, dịch vụ thuyền thúng grab đưa người từ dãy phố bên này sang dãy phố bên kia và cảnh người, phương tiện (ô tô, xe máy) khó nhọc di chuyển trên các tuyến đường bị ngập sâu. Nhìn ở mọi góc độ, các hình ảnh nói trên, đều phản ánh một thực tế: Ngập là tình trạng khó hiểu, khó chấp nhận đối với mọi đô thị ven biển miền Trung - đặc biệt là TP Đà Nẵng.

Hơn 20 năm qua, kể từ khi chia tách khỏi Quảng Nam, trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là địa phương có tốc độ phát triển hạ tầng đô thị nhanh chóng. Quá trình xây dựng hạ tầng đô thị của Đà Nẵng giúp TP này sớm khẳng định vị thế của TP cửa ngõ khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như được ghi nhận là “Thành phố đáng sống”.

Tuy nhiên, cùng với thời gian - các vấn đề được coi là mặt trái của quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị Đà Nẵng cũng dần bộc lộ. Dân số tăng từ 400.000 người năm 1997, lên hơn 1 triệu người vào năm 2017 (chưa kể hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, lưu trú/ngày/đêm) nhưng hệ thống tiêu thoát nước của TP này không được chú trọng đầu tư đúng mức để đáp ứng nhu cầu. Mọi cửa cống xả của Đà Nẵng có từ trước năm 1975 đều đổ ra sông Hàn và dọc bờ biển của quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Tình trạng cống quá tải gây ô nhiễm hay bị vỡ do mưa lớn thường xuyên xảy ra ở các cống xả ven biển thuộc các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa. Hàng chục cửa cống tiêu thoát của TP 1 triệu dân nằm sát mép nước sông Hàn nên mỗi khi xảy ra mưa lớn, nước sông tràn vào cống ngăn không cho nước mưa tiêu thoát, là một trong các nguyên nhân gây ngập ở Đà Nẵng.

Có thể nói, quy hoạch phát triển mở mang hạ tầng Đà Nẵng qua các thời kỳ, đã lướt qua yếu tố cốt tử của một đô thị văn minh là tiêu thoát nước, trong đó có vai trò điều tiết của các hồ, đầm (nhân tạo và tự nhiên). Đà Nẵng có khoảng 40 hồ, đầm với tổng diện tích mặt nước trên dưới 1,8 triệu m2, với tổng dung tích xấp xỉ 3 triệu m3.

Hồ, đầm đóng vai trò điều tiết tiêu thoát nước, chống ngập nhưng quá trình phát triển hạ tầng đô thị của Đà Nẵng hàng chục năm qua đã làm cho diện tích và dung tích chứa các hồ, đầm suy giảm nghiêm trọng. Không chỉ có hồ, đầm ở khu vực trung tâm bị suy giảm, một số hồ, đầm rộng lớn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong điều tiết chống ngập, ổn định môi trường sinh thái ở các khu vực như Hòa Quý, Hòa Xuân cũng bị san lấp, xóa sổ một cách không thương tiếc phục vụ mục đích “phân lô bán nền” của chủ đầu tư...

Dù chưa có con số thống kê đầy đủ về thiệt hại do trận mưa lớn những ngày qua, nhưng có thể khẳng định các tỉnh, thành miền Trung phải chịu thiệt hại rất nặng nề. Nhân đây, cũng cần nói thêm về việc úng ngập ở các đô thị khác trong cả nước, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, công tác chống ngập cho các đô thị tại thời điểm này là hết sức quan trọng (hiểu theo cách nào đó thì đây là việc “sửa sai” công tác quy hoạch, phát triển nóng trước đó).

TP HCM công bố thông tin, kể từ tháng 1/2019, TP này sẽ triển khai xây dựng 7 hồ điều tiết (gồm 6 hồ ngầm và 1 hồ hở) theo công nghệ Nhật Bản với tổng mức đầu tư được dự kiến là trên 475 tỷ đồng. 7 hồ điều tiết được xây dựng tại công viên và khu dân cư của TP theo Chương trình chống ngập của UBND TP HCM.

Hồ điều tiết có dung tích lớn nhất là 20.000 m3 được xây dựng ở Công viên làng hoa quận Gò Vấp. Hồ nhỏ nhất, dung tích 2.000 m3, được xây ở dải phân cách trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.

Theo đại diện lãnh đạo UBND TP HCM: 7 hồ điều tiết nói trên, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ tích trữ được lượng nước mưa lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm 30% tình trạng úng ngập ở TP này mỗi khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Việc TP HCM xây hồ điều tiết, chống ngập có thể xem là bài học, kinh nghiệm quý đối với các thành phố ven biển miền Trung trong quá trình quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị. Trong đó có TP Đà Nẵng.

Dương Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/ngap-do-mua-lon-tintuc424944