Ngập lụt do triều cường ở miền Tây: 'Đến hẹn lại ngập'

Trong đợt triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch (tức tháng 9 và tháng 10/2020) vừa qua, nhiều khu vực thuộc trung tâm của thành phố Cần Thơ đã bị ngập nặng.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, đỉnh triều tại Cần Thơ vượt trên 2,15 m, kể từ năm 2013. Việc đi lại, kinh doanh, sinh hoạt của người dân ở đô thị trung tâm của miền Tây trong những ngày triều cường hết sức vất vả.

Triều cường dâng cao ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân

Nước ngập trên đường Võ Văn Kiệt, quận Ninh Kiều (Cần Thơ), ngày 19/10/2020.

Nước ngập trên đường Võ Văn Kiệt, quận Ninh Kiều (Cần Thơ), ngày 19/10/2020.

Từ rạng sáng 17/10, mực nước sông Hậu tại Cần Thơ bắt đầu dâng cao, một số tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám, ngã tư đường Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ, quanh khu vực hồ Búng Xáng và hồ Xáng Thổi, khu vực bến Ninh Kiều thuộc quận Ninh Kiều, một số tuyến đường ở các quận Bình Thủy, Ô Môn… nước tràn lên mặt đường, ngập gần 1/2 bánh xe máy. Những ngày sau đó, triều cường cứ gây ngập mỗi ngày hai lần: buổi sáng đúng vào giờ nhiều người dân, học sinh đi làm, đi học, buổi chiều vào giờ tan tầm. Mỗi lần ngập kéo dài vài giờ đồng hồ trước khi nước rút.

Đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn dưới dốc cầu Rạch Ngỗng 2 và khu vực ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Mậu Thân được ví như “rốn ngập” ở Cần Thơ. Để vượt qua được hai điểm ngập sâu khoảng 0,5 m này hết sức khó khăn. Trong thời điểm triều cường, dòng người và phương tiện ùn ứ kéo dài do đường ngập gần hết, chỉ còn một khoảng nhỏ sát dải phân cách là có thể di chuyển mà không lo xe bị chết máy. Thế nhưng, số phương tiện bị ngưng hoạt động vì nước tràn vào động cơ cũng không ít.

Nhà ở khu dân cư 91B trên đường Nguyễn Văn Linh, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, bình thường chị Hoàng Thị Khánh Ngọc chỉ mất tầm 10 phút để chở con gái đến trường. Thế nhưng trong mấy ngày triều cường, mất hơn nửa tiếng, hai mẹ con chị mới có thể vượt qua được đoạn ngập nước dưới chân cầu Rạch Ngỗng 2 trên đường Nguyễn Văn Cừ, cách nhà khoảng 1 km.

“Thường ngày tôi đưa con đi học lúc 6 giờ 30. Mấy ngày trước đó có nghe dự báo nhưng không nghĩ nước ngập sâu vậy. Trong ngày triều cường đạt đỉnh 2,17 m, khi hai mẹ con di chuyển tới gần ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ - Mậu Thân thì nước ngập quá nửa xe, chết máy. Lúc đó, phải nhờ lực lượng hỗ trợ tại chỗ, chiếc xe mới có thể nổ máy trở lại”, chị Ngọc kể.

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, mực nước sông Hậu trong đợt triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch ở Cần Thơ vừa qua, ngày cao nhất ghi nhận được là 2,17m, đây là mực nước rất cao, vượt báo động III 0,17m.

Nguyên nhân dẫn đến mực nước dâng cao, ông Ninh cho biết là do lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường và mưa nội vùng. Mỗi khi triều cường dâng cao sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bà con, đặc biệt là đối với vấn đề giao thông đi lại, buôn bán của người dân. Một số điểm ngập sâu trong thành phố, ngành chức năng đo được mực nước sâu 0,5m.

Từ thời điểm này đến cuối năm 2020, dự báo sẽ còn vài đợt triều cường như vậy, gần nhất là đợt triều cường giữa tháng 9 và đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch tới đây. Mỗi đợt triều cường như vậy sẽ kéo dài khoảng 5 - 6 ngày.

Quy luật . . . “đến hẹn lại ngập"

Tuyến đường ven hồ Búng Xáng, quận Ninh Kiều ngập lênh láng sáng 19/10/2020.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, tình trạng ngập ở các đô thị thuộc vùng giữa của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ hiện giờ đã mang tính quy luật là “đến hẹn lại ngập”.

Theo ông Thiện, chế độ thủy văn của vùng giữa đồng bằng chịu ảnh hưởng của thủy triều phía Đông, cụ thể là chế độ bán nhật triều không đều, mỗi ngày xuất hiện hai lần, gọi là con nước lớn - nước ròng. Trong một tháng, có hai lần nước lên cao, gọi là con nước ròng, vào thời điểm ngày rằm và ngày 30 âm lịch. Trong một năm thì có hai con nước ròng lớn nhất là con nước ngày 30 tháng 8 và con nước Rằm tháng 9 âm lịch, trong đó con nước 30 tháng 8 có khả năng gây ngập lớn nhất bởi vì thời điểm này lũ sông Mekong vẫn còn cao. Khi thủy triều từ biển Đông vào và nước lũ thượng nguồn đổ về gặp nhau ở khu vực giữa đồng bằng (địa phận thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận) thì sẽ gây ngập.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng chỉ ra các nguyên nhân gây ngập khác bao gồm: sụt lún đất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nước biển dâng và đê bao bảo vệ các vùng sản xuất.

“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tốc độ thủy triều từ biển Đông vào tới cầu Mỹ Thuận đã nhanh hơn 40 phút so với cách đây 20 năm. Nước triều từ biển chảy vào chỉ di chuyển trên các sông chính, trong khi hai bên sông đã có đê bao bảo vệ, nước không có chỗ để lan tỏa cho nên tốc độ truyền triều vào nội địa rất nhanh. Dòng sông không còn đủ không gian nữa nên gây ra ngập”, ông Thiện phân tích và cho rằng có thể phán đoán rằng cứ đến 30 tháng 8 âm lịch hàng năm là sẽ ngập.

Trong khi đó, ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho biết: đợt triều cường giữa tháng 10 và mưa bão vừa qua, không chỉ gây ngập cho các quận Ninh Kiều, Bình Thủy ở Cần Thơ mà còn gây ngập cho các địa phương khác như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang… Trong đó, nguồn nước gây ngập chủ yếu là triều cường còn nước mưa chỉ góp phần làm tăng mực nước gây ngập sâu hơn.

Về ý kiến cho rằng nên mở cống xả vào các khu vực có đê bao ở vùng nông thôn để chia sẻ áp lực nước với khu vực đô thị, giúp giảm tình trạng ngập như hiện nay, ông Vinh cho rằng, ngập do triều cường có nguồn nước vô tận từ biển đổ vào và thời gian khoảng 6 giờ để chảy vào và 6 giờ để chảy ra liên tiếp nhau, liên tục khoảng 4-7 ngày thì biện pháp xả cống sẽ không có tác dụng nhiều và có khả năng sẽ ngập thêm ở vùng đáng lẽ không ngập.

Theo ông Vinh, việc vùng này bị ngập trong khi các vùng khác không ngập có nhiều nguyên nhân và rất cần nghiên cứu thêm để xác định cái nào chính, cái nào phụ.

“Khi nói đến việc trữ nguồn nước gây ngập để giảm ngập cho một khu vực khác, theo tôi biện pháp này chỉ hiệu quả khi lượng nước gây ngập nhỏ có thể chứa được, như nước mưa, nước thải đô thị... Trong khi đó, với lượng nước lũ trên dòng Mekong và nhất là lượng nước thủy triều từ biển vào thì khối lượng cực lớn, có thể nói là vô tận. Lượng nước này có thể gây ngập cả đồng bằng thì không có không gian nào chứa hết mà chỉ có thể làm đê bao ngăn chặn thôi.”, ông Vinh nhận định.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, nguyên nhân xảy ra ngập lụt tại thành phố Cần Thơ có nhiều yếu tố như: vị trí địa lý, điều kiện địa hình, do tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, do mưa với cường suất lớn, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, quá trình đô thị hóa... Trong những năm gần đây, tình trạng ngập lụt tại thành phố Cần Thơ diễn biến khá phức tạp đã gây trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đặc biệt là kinh doanh buôn bán, hoạt động giao thông, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị ở thành phố.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ Nguyễn Quí Ninh cho biết, hai đợt triều cường sắp tới vào Rằm tháng 9 và đầu tháng 10 âm lịch sẽ có khả năng tiếp tục gây ngập cho thành phố. Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan khí tượng thủy văn, nắm chắc tình hình để sớm thông tin tới chính quyền và người dân để chủ động phòng chống.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ngap-lut-do-trieu-cuong-o-mien-tay-den-hen-lai-ngap-20201028081303369.htm