Ngập lụt ở Chương Mỹ: Cần phòng tránh các bệnh dưới đây

Tình trạng ngập lụt ở Chương Mỹ (Hà Nội) có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát các bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp và các bệnh da liễu.

Ngập lụt, thiếu nước sạch là nguyên nhân khiến nhiều dịch bệnh có thể bùng phát

Trong những ngày qua, nhiều hộ dân ở huyện Chương Mỹ phải sống trong cảnh ngập lụt. Tính đến chiều tối 2/8 ở huyện Chương Mỹ vẫn còn 3.635 hộ bị ngập, trong đó 796/835 hộ bị ngập lối đi, 2.839 /2.848 hộ bị ngập từ 0,5-2m và 6.097 khẩu phải sơ tán.

Ngập lụt kéo dài có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thậm chí là sức khỏe của người dân nơi đây. Mưa lũ gây ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân gây nên một số bệnh như các bệnh về da, bệnh đường tiêu hóa, đau mắt đỏ và sốt xuất huyết.

Nước ăn chân

Ngập lụt kéo dài làm nguồn nước bị ô nhiễm, người dân tiếp xúc với nước sẽ dễ mắc các bệnh về da điển hình là nước ăn chân.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà người dân sẽ có cách điều trị khác nhau, nhưng hầu hết với những người bị nước ăn chân do tiếp xúc với nguồn nước bẩn mùa mưa lũ chỉ cần dùng những loại thuốc bôi ngoài da.

Người bị nước ăn chân cần rửa chân sạch bằng nước nước muối ấm, lau khô bằng khăn bông sạch, sau đó bôi thuốc chống nấm như dung dịch ASA, cồn BSI, thuốc mỡ whitfield, dung dịch canesten, nitrofungin...

Tiêu chảy cấp

Bên cạnh những bệnh da liễu, sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn còn dễ gây nên các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy cấp. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp có thể là do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng như E.coli, trực khuẩn tả, rotavirus, Norwalk virus.

Để để phòng bệnh tiêu chảy cấp, người dân cần thực hiện rửa tay với xà phòng trước khi ăn; sử dụng nguồn nước sạch, chế biến và bảo quan thức ăn hợp vệ sinh; hạn chế cho trẻ ăn những đồ ăn không có nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh; thường xuyên vệ sinh môi trường bếp, nhà vệ sinh trong gia đình để đề phòng vi khuẩn sinh sôi.

Đau mắt đỏ

Mùa mưa lũ thời tiết ẩm ướt lại có kèm với tình trạng ngập lụt càng tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển khiến nhiều người mắc bệnh đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ là bệnh nhiễm trùng ở mắt thường gặp cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Để đề phòng đau mắt đỏ người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu bị đau mắt đỏ thì nên đi khám và uống tuốc theo đơn của bác sĩ

Sốt xuất huyết

Nước ngập lụt cùng môi trường ẩm ướt lâu ngày có thể tạo điều kiện tốt cho muỗi sinh sôi phát triển và có nguy cơ làm bùng phát dịch sốt xuất huyết. Mùa mưa bão hàng năm cũng thường là lúc dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Để đề phòng dịch sốt xuất huyết người dân cần tích cực tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải, vệ sinh dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống.

Vũ Vũ tổng hợp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/ngap-lut-o-chuong-my-can-phong-tranh-cac-benh-duoi-day-514117.htm