Ngập úng nặng do hạ tầng chưa đáp ứng

Với tinh thần chủ động chuẩn bị, nghiêm túc triển khai phương án, ứng phó kịp thời các tình huống, TP Hồ Chí Minh đã giảm thiệt hại đáng kể do ảnh hưởng của bão số 9 gây ra. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng sau mưa ở thành phố đang đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp giải quyết tình trạng này một cách căn cơ, bền vững.

Chủ động nhiều phương án, cơ động sớm lực lượng

Ngay từ khi tiếp nhận các bản tin về cơn bão số 9 (bão Usagi) có khả năng đổ bộ vào các địa phương phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị LLVT thành phố đã triển khai các phương án ứng phó, sẵn sàng cơ động lực lượng để xử lý các tình huống. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã lập sở chỉ huy tiền phương tại địa bàn trọng yếu huyện Cần Giờ.

Thực hiện các công điện của UBND thành phố, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Ban CHQS huyện Cần Giờ huy động lực lượng kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh bão an toàn. Các lực lượng chức năng huyện Cần Giờ phối hợp LLVT khẩn trương sơ tán 4.600 người đến những khu tránh trú an toàn. Bộ tư lệnh thành phố đã cơ động lực lượng, phương tiện cùng nhiều cơ sở vật chất cứu hộ, cứu nạn về địa bàn trọng điểm cùng người dân chống bão. Căn cứ vào diễn biến của bão, thành phố ban hành các lệnh cấm phương tiện ra khơi, cấm đò, phà hoạt động và thường xuyên thông tin tình hình bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động ứng phó. Nhờ vậy, khi bão số 9 đổ bộ vào địa bàn thành phố, các ngành, các cấp, mọi lực lượng đã chủ động xử trí tốt tình huống. Đặc biệt, sự có mặt từ rất sớm của LLVT thành phố với lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu, tạo sự an tâm cho người dân.

Nước ngập sâu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) sáng 26-11.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố nhận định: Thành phố đã tổ chức diễn tập ứng phó bão mạnh tại huyện Cần Giờ nên công tác ứng phó bão số 9 đã có sự chủ động hơn với tinh thần khẩn trương, kiên quyết, bám sát diễn biến, chỉ đạo và xử lý kịp thời. Qua công tác ứng phó với bão số 9 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho lãnh đạo và các ngành chức năng của thành phố, trong đó, cần có sự chuẩn bị toàn diện và phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mọi lực lượng và người dân.

Cần kịch bản ứng phó mưa lớn, ngập sâu

Sau cơn bão số 9, vấn đề đặt ra lớn đối với TP Hồ Chí Minh là giải quyết tình trạng ngập nước. Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 9 khiến nhiều tuyến đường, khu vực dân cư của thành phố ngập sâu trong nước, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, tài sản của người dân và công việc của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều ý kiến được đưa ra, nếu bão số 9 không suy yếu thành ấp thấp nhiệt đới mà đổ bộ vào với cường độ mạnh, lượng mưa lớn hơn thì thành phố sẽ ngập sâu đến đâu và sẽ ngập bao lâu?

Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn thì lượng mưa cao nhất từ 200 đến 220mm, nhưng thực tế lượng mưa ngày 25-11 có chỗ lên tới hơn 400mm (quận Tân Bình). Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 100 tuyến đường bị ngập 10-70cm. Ông Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết: "Đơn vị đã huy động lực lượng nhân công gồm 700 người và 27 trạm bơm thực hiện công tác giảm ngập, bơm thoát nước từ trưa và thực hiện xuyên suốt đêm 25 đến sáng 26-11. Tuy nhiên, hệ thống cống chỉ thoát được tối đa 86mm/3 giờ, kênh rạch thoát được 96mm/3 giờ, trong khi lượng mưa là rất lớn".

Nước ngập sâu trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) sáng 26-11. Ảnh: TRUNG THẮNG.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tuy bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào thành phố nhưng cường độ mưa vượt quá dự đoán ban đầu của đài khí tượng thủy văn. Lượng mưa cao đột xuất, trên bình diện rộng và thời gian dài gây ngập úng một số nơi. Các địa phương, đơn vị đã cố gắng hết sức để ứng phó khắc phục, xử lý sự cố nhưng cơ sở hạ tầng của thành phố chưa đáp ứng công tác thoát nước nên một số nơi bị ngập úng thời gian dài. Thành phố chưa xây dựng được kịch bản cũng như cơ sở vật chất để ứng phó với lượng mưa hơn 400mm".

Theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 27-11, một số trường học trên địa bàn thành phố vẫn chưa thể cho học sinh trở lại lớp, như: Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận 8), Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh)… Nguyên nhân chính là cây xanh gẫy đổ vào đường điện gây mất điện hay nước vẫn còn ngập. Đến chiều tối 27-11, công tác khắc phục sự cố mới cơ bản hoàn thành. Trong đợt ứng phó bão lần này, TP đã tổ chức nhắn tin qua điện thoại để người dân không bị bất ngờ và có kế hoạch đối phó với bão. Tuy nhiên, một số người dân vẫn chủ quan, lơ là trong bảo vệ tính mạng, tài sản, chưa thật sự chủ động để ứng phó với tình trạng ngập nước, nhất là ở các khu vực thường xuyên bị ngập, dẫn đến số lượng lớn ô tô, xe máy bị hỏng hóc.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh: Đơn vị vừa có công văn gửi trung tâm y tế các quận, huyện về việc tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước và phòng chống dịch bệnh sau bão. Trong đó, tập trung giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các bệnh có thể xảy ra sau mưa bão, triều cường, như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn...

HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngap-ung-nang-do-ha-tang-chua-dap-ung-555607