Ngẫu hứng Thanh Quan, bàn về 'ngày sinh' của Đà Lạt

Bà Huyện Thanh Quan, một trong ba bậc nữ lưu tài danh của chúng ta (bên cạnh Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương), chỉ để lại cho hậu thế có 6 bài thơ Nôm. Không ai trong chúng ta được biết dung nhan bà. Tư liệu về đời riêng của bà cũng ít và khá mù mờ. Vì vậy, nói đến 'Bà Huyện Thanh Quan', ở đây chỉ có nghĩa là nói đến thơ Bà.

Đà Lạt (nguồn: gtour.com.vn).

Nếu phải kể ra 10 nhà thơ cổ điển lớn nhất của chúng ta, có thể không có bà. Nhưng nếu phải kể 20 bài thơ cổ điển hay nhất của chúng ta, chắc bà, chí ít cũng góp được một vài. Nói thế để thấy, về quy mô sự nghiệp, Bà Huyện chưa phải đã to. Nhưng về chất lượng, đặc biệt là cái vẻ riêng tao nhã, thì Bà là độc nhất vô nhị.

Ai không biết đến thơ Bà, thì bị thiệt như là không được đến Đà Lạt bao giờ vậy. Đà Lạt chính là “Bà Huyện Thanh Quan của thiên nhiên Việt Nam”. Ấy là chưa nói rằng, ngoại trừ mùa thu Thăng Long cổ, thì câu nào trong thơ Thanh Quan cũng như là viết riêng cho Đà Lạt vậy. Thiên nhiên Đà Lạt bẩm sinh đã trọng Thu. Bà Huyện cũng bẩm sinh đã thơ Thu.

Này nhé! Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo - Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Tôi đã thấy xe ngựa, thấy hồn thu thảo, thấy nền cũ lâu đài và bóng tịch dương ở Đà Lạt. Thậm chí, chúng còn trong đến mơ màng hơn cả thơ, bởi tiếng thông reo, thác chảy và sương bay mặt hồ thu thủy xứ này.

Ngay cả Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt - Nước còn chau mặt mấy (với) tang thương thì cũng là tình cảnh, là phong vị Đà Lạt. Rồi đây nữa: Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa - Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ, thì cũng cứ “vận vào” Đà Lạt như không ấy.

Rồi lại vì thế mà Bầu dốc giang sơn say chấp rượu - Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ, thì tôi đã thử và thấy rồi, vào cái hôm tôi uống rượu đêm với anh Nguyễn Sơn Hà - một “tiều phu” hiện đại - kẻ phá rừng bất đắc dĩ - bạn tôi - có râu quai nón và bằng đại học hẳn hoi - tôi đã chẳng đọc: Ồ hay cảnh cũng ưa người nhỉ - Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ, là gì?

Lại nữa, nếu bỏ cái chi tiết cụ thể Trấn Bắc đi, thì Trấn Bắc hành cung cảnh dãi dầu - Chạnh niềm kim cổ nghĩ càng đau - Mấy tòa sen rớt hơi hương ngự - Năm thức mây phong nếp áo chầu - Sóng lớp phế hưng coi đã rộn - Chuông chùa kim cổ lắng càng mau... thì ai hay hoài cổ chẳng có cái tâm trạng ấy ở Đà Lạt? Còn nếu bảo, Bảo Đại không đáng được ngửi hương thơ ấy thì đó lại là chuyện khác.

Ngay cái đèo Ngang của Bà Huyện cũng còn “làm khổ” tôi ở Đà Lạt: ... Bóng xế tà - Cỏ cây chen đá lá chen hoa. Bỏ cái địa danh đèo Ngang đi thì đó chẳng Đà Lạt là gì? Đọc tiếp: Lom khom dưới núi tiều vài chú, thì đích là anh bạn Nguyễn Sơn Hà - kẻ tiều phu bất đắc dĩ - của tôi ở nơi này rồi.

Mà ở Đà Lạt, cứ đi một mình, đi bộ, thấy trời xanh, thông xanh, nước xanh, lá xanh, áo váy sáng xanh thiếu nữ Đà Lạt, áo váy lá cây em gái giô-kề Đà Lạt, mi-mô-da vàng Đà Lạt, cẩm tú cầu Đà Lạt, hồng các màu Đà Lạt, đỗ quyên Đà Lạt, xác pháo Đà Lạt, Fo-get Mi Not Đà Lạt..., vân vân Đà Lạt, thì cứ mỗi một bước lại Thanh Quan: Dừng chân đứng lại trời non nước - Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bây giờ xa Đà Lạt, lại cũng Thanh Quan: Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi - Dặm liễu sương sa khách bước dồn - Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ - Biết ai mà kể nỗi hàn ôn. Có thể nói, mỗi mẩu Đà Lạt một hơi thơ Thanh Quan. Và, mỗi hơi thơ Thanh Quan, đều Đà Lạt. Chính Hà Nội bây giờ lại không được thế!

Có ý kiến cho rằng, năm 1886, thi sĩ - sĩ phu Nguyễn Thông thám hiểm Sơn quốc (có vùng Đà Lạt - Lâm Đồng ngày nay). Vì ông là nhà yêu nước, lại là người Việt, vậy thì lấy đó làm ngày khai sinh Đà Lạt (!). Nhưng đấy là ý kiến suy luận từ một bài thơ của Nguyễn Thông chứ ngày ấy, ông đâu nghĩ đến chuyện xây thành phố nghỉ dưỡng?

Sử cũ chép, ngày 21.6.1893, đúng dịp Hạ chí, một ngày trước khi kỹ sư Đi-ê-den công bố phát minh động cơ đốt trong mang tên ông chạy bằng nhiên liệu ma-dút, trong chuyến thám hiểm vùng rừng núi Nam Trung Bộ, bác sĩ Y-éc-sanh đã đặt chân lên cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên) và cũng chính ông, năm 1897, trình toàn quyền Đuy-me dự án xây dựng thành phố nghỉ dưỡng Đăng-ki-a. Sau này, năm 1990, toàn quyền Đuy-me chấp nhận đề án của bác sĩ Tác-đíp, chọn Đà Lạt làm thành phố nghỉ dưỡng thay cho Đăng-ki-a trong dự án Y-éc-sanh.

Vậy là chính vì có Y-éc-sanh, người Pháp đầu tiên đến Lâm Viên và đề nghị lập trạm nghỉ dưỡng, mà mới có kết quả của Tác-đíp và Đuy-me sau này. Vậy Y-éc-sanh là “nhà vật lý” đã “phát minh” ra “lý thuyết” nghỉ dưỡng Đà Lạt, còn Tác-đíp và Đuy-me chỉ là những người ứng dụng “lý thuyết” ấy trên thực tế, để chế ra “cái máy” ở - thở - nhìn Đà Lạt.

Có lẽ chỉ nên bàn việc vừa nói, còn những cái mốc khác ví như: 1916 (triều đình Huế ra lệnh lập tỉnh Lâm Viên, lấy Đà Lạt làm tỉnh lỵ); 1944 (toàn quyền Đờ Cu chọn Đà Lạt làm “thủ đô” của Việt-Miên-Lào); 1950 (Bảo Đại ra sắc dụ 6/QT/TD thành lập Hoàng triều cương thổ, lấy Đà Lạt làm thủ phủ); thì đều có sau khi Đà Lạt đã hình thành và phát triển rồi, cho nên không bao giờ nên coi là thời điểm đẻ ra Đà Lạt.

Dịp lên Đà Lạt vừa rồi, quanh chuyện này, tôi thấy có nhiều ý kiến. Có người cho rằng “Mấy anh trí thức ta thích tôn vinh trí thức Tây nên cứ “đòi” chọn mốc 1893 (Y-éc-sanh)”. Cực đoan hơn, lại còn bảo: “Nước của mình mà lại nhờ một anh Tây thám hiểm ư” (!) và như thế, “Cần chọn mốc hành chính sớm nhất (1916)”! Nhưng hỡi ôi! Nếu như không “tôn vinh” Y-éc-sanh, thì lại “tôn vinh” chính quyền thực dân - vì nếu chính quyền này không cho phép, sao Bảo Đại lại dám dụ lập Hoàng triều cương thổ?

Mà Bảo Đại thì đã là “vua tây” từ đầu rồi còn gì? Còn nếu chọn mốc 1990 (Tác-đíp) thì cũng là “tôn vinh” Tây. Mà Y-éc-sanh lại còn là người tìm ra đa tố vi khuẩn bạch cầu, người thám hiểm Cao nguyên Trung phần với ý đồ thành lập trạm nghỉ dưỡng đầu tiên, là người có công lập viện Pa-xtơ Nha Trang chế huyết thanh chống bệnh dịch hạch (chức năng ban đầu) ở ta, là người chỉ đạo viện Pa-xtơ Nha Trang nghiên cứu vi trùng động vật và căn bệnh nhiễm trùng gia súc đầu tiên ở ta, lại là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên ở trường đại học Đông Dương (tại Hà Nội).

Ông có công to với khoa học - y học nước ta và rất gần gũi với nhân dân ta... Lấy mốc 1893, theo tôi, vừa có tính khoa học, vừa giàu chất nhân văn, lại lãng mạn biết bao! Còn nếu cứ suy luận như phần trên đã nói, thì ngoài Tây Ban Nha, không ai nên kỷ niệm Crít-xtô-phơ Cô-lôm-bô cả!

Tôi không phải là người nghiên cứu văn học sử, cũng không chuyên nghiên cứu lịch sử. Tình yêu Đà Lạt cho tôi khúc Ngẫu hứng Thanh Quan này, bất kể thời gian và địa lý. Tình yêu ấy cũng làm cho tôi lạm bàn đôi chút về lịch sử thành phố. Không dám nói là thú vị nhất! Nhân đây, cho tôi được tặng xứ này một bài thơ nhỏ:

CÓ MỘT XỨ THẦN TIÊN

Có một xứ thần tiên, cho loài người

đến ở

Hoa cỏ thơm muôn vườn, thông reo từng lối nhỏ.

Nắng tìm lên đồi chơi, khi mây về

trên phố

Nào ai biết quanh mình, chiêu dương hay nhật mộ?

Có một xứ thần tiên, bên rừng là

thác đổ

Đây bảy sắc cầu vồng, kia mặt người rạng rỡ.

Đất sạch làu trần ai, người không còn vương nợ

Áo mình mimôsa, lòng ta dường

liễu đỏ.

Có một xứ thần tiên, ngựa chùng cương buông vó

Môi heo may bao lần, dã quỳ hoa

mấy độ?

Không cửa đóng then cài, thiên đường luôn để ngỏ,

Mơ hồ một hồi sinh, mơ hồ về

muôn thuở.

đỗ trung lai

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ngau-hung-thanh-quan-ban-ve-ngay-sinh-cua-da-lat-568478.ldo