Ngẫu hứng Trần Tiến

Tôi quen Trần Tiến đã lâu, từ ngày anh nhờ tôi cùng làm những chương trình mà anh là người dàn dựng, có thêm vài ba khách mời: Lâm Xuân, Quang Lý, Ngọc Lễ - Phương Thảo và ban nhạc rock Đen Trắng…

 Hình ảnh quen thuộc của nhạc sĩ Trần Tiến Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Hình ảnh quen thuộc của nhạc sĩ Trần Tiến Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

AI QUÊN AI NHỚ

Ngày đó ở miền Bắc chưa ca sĩ nào làm show riêng, đất nước còn trăm thứ chưa có, mới lạ ngỡ ngàng. Ca sĩ, nhạc sĩ có công ăn việc làm trong biên chế nhà nước là may lắm rồi, việc bứt phá để có cái riêng là cố gắng phi thường và đầy táo bạo. Bây giờ thì mọi sự là bình thường, cả Trần Tiến có thể cũng nghĩ chuyện chả có gì phải nhớ, nhưng tôi tự cho rằng, ngày đó để có thêm quyết tâm, một phần anh đã tin vào những người bạn…

Bạn của anh lúc đó thật nhiều, có thể kể Tiến sĩ toán Hồ Đức Việt, hồi đó là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Nguyễn Xuân Hiển, Lương Thế Phúc (hai tướng quân đội phụ trách Cụm cảng Hàng không sân bay miền Bắc)… Các ông ấy hồi đó cũng còn nghèo lắm, chỉ bạn tinh thần với nhau cả thôi. Đều tuổi Hợi như Trần Tiến. Họ thích Trần Tiến ở tài, vừa sáng tác vừa hát hay, sống phóng túng, “nghệ sĩ” và có “gu” từ cách ăn mặc đến giao tiếp. Những bài hát của Trần Tiến từ khi còn chưa ai gọi là nhạc sĩ đã hay rồi: Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp đoạt giải A cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Sau tốt nghiệp mang chủ đề quê hương đất nước và tình yêu lứa đôi: Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Vết chân tròn trên cát, Ngẫu hứng Sông Hồng, Ngẫu hứng Lý qua cầu

Biết bao người thầm yêu trộm nhớ Trần Tiến trên sân khấu - duyên dáng, thủ thỉ tự tình. Tôi còn nhớ rất rõ những chương trình ca nhạc trong đó có Trần Tiến, cho dù ngày ấy, chưa có hò reo cổ vũ tiết mục (con người đóng kín mọi biểu lộ công khai ở chỗ đông), vậy mà cũng có những tiếng vỗ tay, kêu rất to tên Trần Tiến. Tôi cũng trong số thích nghe Trần Tiến hát, rồi tình cờ khiến tôi và anh quyết định là bạn của nhau và cùng lo cái show âm nhạc đầu tiên của anh với sự giúp đỡ về địa điểm của Giám đốc Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội. (Ngày đó tôi làm báo ở Thành Đoàn). Show diễn đầu tiên cũng như mấy show sau đó đều hết sức tốt đẹp. Nhưng dường như Trần Tiến đã quên những ngày đó từ lâu, có lẽ vì lớp lớp những thành công đã lôi anh ra xa những kỷ niệm nho nhỏ như vậy?

Những người bạn của Trần Tiến, trong đó có tôi cũng luôn nhớ hình ảnh Trần Tiến cái thời anh chuyển đổi xu hướng sáng tác, vẫn là rock và pop nhưng chuyên chở một hình thái tư tưởng khác, đổi mới và chân thật hơn, dũng cảm hơn khi nhận diện mặt trái kỹ lưỡng hơn… Nhưng rồi anh đã gặp phải sự bảo thủ ở đâu đó nên đã dính đòn. Có lẽ vì sự dính đòn, vì những thử thách quá lớn đối với Trần Tiến lúc đó mà những người bạn càng yêu thương anh hơn. Đối thoại 87, Trần trụi 87, Ýnghĩtrong phòng hải quan, Đồng hồ… là những ca khúc mạnh bạo nhất và gây tranh cãi nhất nói về sự hy sinh của những người lính và những bà mẹ già từng nuôi giấu chiến sĩ, phê phán chủ nghĩa yêu nước trống rỗng, và kêu gọi mọi người quan tâm lẫn nhau, cùng góp sức xây dựng đất nước, đã khiến Trần Tiến suýt bị giam.

Sau giai đoạn đó, từ 1990 phong cách sáng tác của Trần Tiến thay đổi từ pop đơn thuần sang dân gian đương đại và cũng được khán giả đón nhận. Những sáng tác tiêu biểu cho phong cách này bao gồm: Tùy hứng lý ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng, Quê nhà

Năm 2000, Trần Tiến tổ chức liveshow lớn tại Nhà hát Hòa Bình, Hãng phim Phương Nam sản xuất mang tên Ngẫu hứng Trần Tiến. Trong phim, Trần Tiến là người dẫn chuyện kiêm nhạc sĩ và anh hát xuyên suốt chương trình với các ca sĩ Trần Thu Hà, Ngọc Anh (Tam ca 3A), Phương Thanh, Hồng Nhung...

Đã 30 năm kể từ show diễn ở Cung Thanh niên Hà Nội, Trần Tiến có thể đã quên những người bạn đồng hành với anh ngày ấy. Cũng có những người đã rời cõi tạm như Hồ Đức Việt, Nguyễn Xuân Hiển… Nhưng, có người mới đây nói với tôi: May quá, Trần Tiến đã qua cơn say bản thân, anh giờ rất hay nhắc đến bạn bè.

Về bài hát Ngẫu hứng lý qua cầu nổi tiếng, họ kể: “Lý qua cầu” là một bài trong chùm thơ của nhà thơ Bế Kiến Quốc viết hồi đi dạy ở đồng bằng sông Cửu Long. Tác giả viết cho nhà thơ trẻ Thu Nguyệt trong khi đã có vợ là Đỗ Bạch Mai (đang sống ở Hà Nội), nên Bế Kiến Quốc gửi cho Trần Tiến giữ các bản sao. Trần Tiến đã lấy một số câu trong một số bài và ghép vào bài thơ Tùy hứng lý qua cầu của Bế Kiến Quốc để thành bài hát Ngẫu hứng lý qua cầu. Bài hát có lượng người yêu thích cực lớn, có tần suất xuất hiện cực nhiều trong các show diễn, trên sóng phát thanh, truyền hình một thời nhưng tuyệt nhiên Bế Kiến Quốc không được nhắc đến. Ngày còn sống Bế Kiến Quốc đã cười như người say mà nói rằng: “Thơ của mình thật đấy, nhưng mình chẳng dám in, vì ông Trần Tiến nổi tiếng quá, giờ mà in người ta chẳng tin đó là thơ mình, cho rằng mình ăn theo ông ấy”…

Chuyện cứ trong vòng rỉ tai nhau như thế cho đến khi nhà thơ Thu Nguyệt gửi tất cả bản chính cho vợ Bế Kiến Quốc là Đỗ Bạch Mai, cả hai người đàn bà cùng yêu thương Bế Kiến Quốc và cùng hiểu được tình thơ là thế nào, nên họ đều vui với nhau. Họ có nhắc đến chuyện đó nhưng vì cùng tôn trọng Trần Tiến, họ đã im lặng.

TRẢ LẠI TÊN CHO CHÍNH CHỦ

Tôi biết những người trong tứ quái sông Hồng như: Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến đều tài năng, và hầu hết đều tự viết lời cho bài hát của mình. Ca từ của họ sâu sắc, họ ít sử dụng thơ của người khác. Tôi nghĩ, trường hợp Trần Tiến sử dụng thơ của Phạm Tiến Duật, Lưu Quang hay Bế Kiến Quốc là hy hữu, có thể xuất phát từ tình bạn, làm tốt cho bạn, hoặc có thể vì lời thơ gây xúc động lớn cho nhạc sĩ, nhưng rồi anh nghĩ đơn giản, anh cần giữ cho bạn mình cái điều bí mật kia…

Tôi vẫn tin ở Trần Tiến nhất là khi đọc 24 bài ngẫu hứng văn xuôi của anh. Rất hay. Anh không chỉ xuất sắc trong âm nhạc mà còn viết văn, viết báo, cũng rất thuyết phục. Văn chương giản dị mà súc tích, chân thành, xúc động. Gần đây nhất, anh có bài dài: Nơi tuổi xuân mãi mãi của tôi, tâm tình về chuyến thăm mùa thu Hà Nội 2019, trong đó anh nhắc lại quá khứ, ôn tình xưa, nhắc tên nhiều bạn cũ khiến bao nhiêu trách hờn tan biến. Trong đó có câu: “Nghệ sĩ mà đánh mất đi sự hồn nhiên thì già thật, chết thật, chết ngay từ khi còn trẻ”. Thì ra, anh tôn trọng sự hồn nhiên, và anh đã hồn nhiên sống trong khi nhiều người không hồn nhiên như vậy…

Và gần đây nhà thơ Đỗ Bạch Mai kể với tôi, hai năm trước Trần Tiến viết email cho Đỗ Bạch Mai, nói nhiều đến việc sử dụng bài thơ của Bế Kiến Quốc và xác nhận có lấy một số câu, ý trong thơ Bế Kiến Quốc, anh còn gửi 10 triệu cho Đỗ Bạch Mai để thắp hương cho tác giả thơ. Trần Tiến cũng gửi Đỗ Bạch Mai tờ Tuổi Trẻ, trong đó bài viết Tống cựu nghinh tân anh nhắc đến quyền tác giả thơ bài Ngẫu hứng lý qua cầu từ nay (1/2019) thuộc về Bế Kiến Quốc…

Tôi đem chuyện này nói lại với người từng không ưa Trần Tiến, để thanh minh cho anh. Ông này nghe xong, ban đầu bảo tôi “Không trả thì áy náy chết?”, sau đó gật gù: “Ừ, già thì rồi ai cũng phải thế thôi. Người có tốt có hay thật đi nữa thì cũng có khi sa sút, nhưng cũng chỉ là ngăn ngắn. Trần Tiến tốt thật, hay thật đấy. Người ta cũng hát của Trần Tiến nhiều, có mấy người tự giác trả tiền bản quyền cho Trần Tiến đâu. Mà âm nhạc của Trần Tiến thì chưa từng in ấn xuất bản nên cũng chưa có dịp công khai những điều mà Trần Tiến có thể vẫn canh cánh trong lòng… ”.

Vâng, Trần Tiến là thế đó, tài năng, duyên dáng và tử tế. Nguyễn Cường vẫn bảo, Trần Tiến là ông hoàng số 1 của Pop Việt.

Một bức ảnh tư liệu quý Nguyễn Đình Toán chụp Trần Tiến - Nguyễn Trọng Tạo

Nhạc sĩ Trần Tiến và nhà văn Ngô ThaỏẢnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

TRƯỜNG THI

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ngau-hung-tran-tien-1519737.tpo