Ngày 1/3: Sau khi tăng gần 2% giá xăng dầu biến động trái chiều, gas duy trì đà giảm

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi phục hồi gần 2% vào phiên trước nhờ hy vọng về sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc. Giá khí đốt tự nhiên giảm tháng thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2020.

Ảnh TL.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,47% xuống 76,69 USD/thùng vào lúc 7h27 (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,06% lên 83,12 USD/thùng.

Giá dầu tăng gần 2% trong phiên giao dịch ngày thứ ba (1/3), phục hồi hoàn toàn từ phiên trước đó, nhờ hy vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại Trung Quốc làm lu mờ lo ngại về việc lãi suất tăng cao hơn tại Mỹ.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,7% lên 83,45 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,8% lên 77,05 USD.

Nhà phân tích Phil Flynn của Price Group cho biết thị trường đang đi đến điểm có thể ghi nhận một số hoạt động mua bù thiếu vì đã đến cuối tháng.

Tháng 2, giá dầu Brent giảm khoảng 0,7%, trong khi dầu WTI giảm khoảng 2,5%.

Kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc đã củng cố mức tăng, với việc thị trường đang chờ dữ liệu quan trọng trong hai ngày tới.

Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters dự đoán rằng hoạt động của nhà máy tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trong tháng 2.

“Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa của nước này, trong đó dầu mỏ được hưởng lợi nhiều nhất” - các nhà phân tích của JPMorgan nhận định.

Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết, xuất khẩu dầu thô Ural sang Trung Quốc từ các cảng phía Tây của Nga đã tăng trong tháng 2 so với tháng trước dó, nhờ chi phí vận chuyển thấp hơn và nhu cầu tăng.

Giá dầu dự kiến sẽ tăng trên 90 USD/thùng vào nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu của Trung Quốc phục hồi và sản lượng của Nga giảm.

Tương tự, các nhà phân tích dầu mỏ của JPMorgan duy trì dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2023 ở mức 90 USD/thùng.

Mức tăng bị hạn chế bởi mối đe dọa tăng lãi suất của Mỹ sau khi dữ liệu các đơn đặt hàng mới mạnh hơn dự kiến đối với hàng hóa lâu bên của Mỹ vào tháng 1, với Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Philip Jefferson cho biết lạm phát đối với các dịch vụ vẫn ở mức cao khó kiểm soát.

Nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil cho biết đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất 0,5% vào tháng 3 đang ngày càng lớn hơn.

Giá gas thế giới hôm nay

Giá gas hôm nay giảm 0,25% xuống 2,76 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4/2023 vào lúc 9h25 (giờ Việt Nam).

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu giảm tháng thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2020, do nhu cầu giảm và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn khu vực lắng xuống.

Hợp đồng tương lai chuẩn đã giảm 19% trong tháng 2 và đã mất gần 40% kể từ đầu năm 2023.

Bên cạnh việc giúp châu Âu kiềm chế lạm phát và hóa đơn năng lượng tăng vọt, sự giảm giá này xảy ra sau những nỗ lực sâu rộng của các hộ gia đình và công ty nhằm cắt giảm sử dụng nhiên liệu trong mùa Đông hầu như ôn hòa.

Trong một báo cáo hàng quý công bố hôm thứ ba (28/2), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu khí đốt của khu vực đã giảm 13% vào năm 2022, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận.

Theo ông Keisuke Sadamori, Giám đốc thị trường năng lượng và an ninh của IEA, giá khí đốt đang trở lại mức có thể kiểm soát được, đặc biệt là ở châu Âu, nơi mùa Đông ôn hòa và nhu cầu giảm đã giúp hạ nhiệt thị trường.

Nhu cầu sưởi ấm có thể vẫn còn hạn chế khi châu Âu sắp kết thúc mùa Đông, với nhiệt độ ở phía Tây Bắc của lục địa sẽ tăng lên mức bình thường vào giữa tháng 3. Dự báo thời tiết cho thấy, một đợt đóng băng dự kiến sẽ kéo dài ở phía Bắc trong những ngày tới.

IEA cảnh báo rằng, bức tranh thuận lợi cho châu Âu có thể thay đổi trong năm nay khi nhu cầu về khí tự nhiên hóa lỏng tăng ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, làm gia tăng sự cạnh tranh về hàng hóa. Các hạn chế nghiêm ngặt do COVID-19 của Trung Quốc đã hạn chế việc sử dụng năng lượng của nước này vào năm ngoái, tạo cơ hội cho châu Âu nhập khẩu lượng LNG kỷ lục và lấp đầy các địa điểm lưu trữ.

Giờ đây, các hạn chế đã được dỡ bỏ, nhu cầu của Trung Quốc là “ẩn số lớn” và một kịch bản tăng giá có thể chứng kiến lượng nhập khẩu LNG của nước này tăng tới 35% vào năm 2023 nếu chi phí giảm hơn nữa và nền kinh tế của nước này mở rộng nhanh chóng.

IEA nhận xét: “Điều này sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế và có thể khiến giá trở lại mức không bền vững như mùa hè năm 2022, gây lo ngại cho người mua châu Âu nói riêng", theo Bloomberg./.

H.A (t/h)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngay-13-sau-khi-tang-gan-2-gia-xang-dau-bien-dong-trai-chieu-gas-duy-tri-da-giam-122560.html