Ngày 24/3, Việt Nam ghi nhận thêm 11 ca mắc mới, quyết tâm không để dịch lây lan nhanh

Theo Bộ Y tế, tính đến 22 giờ ngày 24/3, Việt Nam ghi nhận có 134 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1), một bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Rà soát tất cả trường hợp đã nhập cảnh Việt Nam từ 8/3/2020

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện và hoàn thành trước 12 giờ ngày 25/3/2020 việc rà soát tất cả các trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh Việt Nam từ ngày 8/3/2020, yêu cầu cách ly tại nhà, nơi lưu trú, thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện ở các nước tiếp tục thực hiện tốt công tác cộng đồng và bảo hộ công dân; vận động người Việt Nam ở nước ngoài không dồn về nước như thời gian qua, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình, tuân thủ các quy định không di chuyển, phòng chống dịch của nước sở tại; hướng dẫn, hỗ trợ, tổng hợp danh sách các trường hợp cụ thể cần về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, nhất là đối với học sinh, sinh viên; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm việc với các hãng hàng không thu xếp chuyến bay khi các cơ sở cách ly trong nước có thể tiếp nhận thêm, bảo đảm chặt chẽ, an toàn.

Đó là nội dung Thông báo 122/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/3/2020.

Thông báo kết luận nêu rõ: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3 có ý nghĩa quyết định. Các ngành các cấp, cả hệ thống chính trị tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch; kiên trì các nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị khỏi.

UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, các lực lượng chức năng nhất là quân đội, công an, y tế và các lực lượng khác cần quyết liệt, chặt chẽ hơn trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan không kiểm soát.

Ba bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng vẫn đang được kiểm soát

Hiện 3 bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn đang được kiểm soát, các dấu hiệu sinh tồn ổn, đã kết thúc liệu trình lọc máu, giảm dần chế độ thở máy. Tại buổi làm việc với Bộ Y tế chiều 24/3, PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết:

Hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị 46 trường hợp bệnh nhân, trong đó có 34 người Việt và 12 người nước ngoài. Trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện hiện có 3 ca nặng đang được kiểm soát. Cụ thể, bệnh nhân nữ 64 tuổi, hiện vẫn đang thở máy và duy trì can thiệp ECMO, hiện chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn. Bệnh nhân được điều chỉnh giảm thở máy hơn nhưng vẫn đang trong tình trạng nặng. Bệnh nhân thứ 2 là nam bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, đã trải qua 9 ngày điều trị trong phòng hồi sức, bệnh nhân đang được giảm dần chế độ thở máy, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tiếp tục duy trì điều trị. Và một trường hợp khác là nam bệnh nhân người Việt 50 tuổi, chuyển vào phòng hồi sức từ ngày 22/3, vẫn đang được theo dõi sát; hiện dấu hiệu sinh tồn, huyết áp của bệnh nhân ổn định.

Cả 3 bệnh nhân này đều đã kết thúc liệu trình lọc máu. Còn lại đa số các bệnh nhân trong tình trạng ổn định. Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, khác với những bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện trong giai đoạn 1 chủ yếu là người trẻ tuổi, thì ở đợt này, bệnh nhân mắc COVID-19 đông hơn, nhiều lứa tuổi, có cả bệnh nhân cao tuổi mang các bệnh nền như: Tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường...

Vì vậy để đảm bảo an toàn điều trị, bệnh viện đã tiến hành phân luồng, sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm riêng, hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn công tác khám chữa bệnh.

Quân khu 7 triển khai tiếp nhận, cách ly trong phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 24/3, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ huy lâm thời Phòng thủ dân sự Quân khu 7 và triển khai kế hoạch tiếp nhận, cách ly của Quân khu 7 trong phòng, chống dịch COVID-19 (giai đoạn 2). Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy: Làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, sử dụng cơ quan, đơn vị thuộc quyền tham mưu giúp Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự lâm thời Quân khu theo phạm vi nhiệm vụ được giao. Cục Hậu cần Quân khu là cơ quan thường trực.

Trong giai đoạn 1, với tinh thần tích cực, chủ động, các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc Quân khu 7 đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều đơn vị đã chủ động, chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các mặt, bảo đảm tiếp nhận, tổ chức cách ly công dân kịp thời, đúng qui trình, an toàn; tiến hành tốt các mặt phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.

Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kinh phí thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động chuẩn bị các điểm cách ly dân sự phối hợp cùng Quân khu 7 điều tiết, giảm tải số lượng lớn người cách ly tại các khu vực; đồng thời bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và khu vực cách ly.

Quân khu 7 đã tổ chức tiếp nhận, cách ly được 3.841 người, chuẩn bị 135 xe ca các loại sẵn sàng vận chuyển. Đến nay, địa phương, đơn vị đã huy động được 1.284 chuyến xe phục vụ phòng chống dịch và vận chuyển công dân từ các cảng hàng không, cửa khẩu biên giới tới các điểm cách ly của Quân khu. Chỉ đạo các đơn vị chủ động dồn dịch, sửa chữa, củng cố doanh trại nhà ở, hệ thống cung cấp điện nước, mua sắm dụng cụ sinh hoạt.

Khu cách ly tập trung được bố trí theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực cách ly. Tổng kinh phí bảo đảm cho phòng, chống dịch của Quân khu đến nay là trên 20 tỷ đồng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang chuyển sang giai đoạn mới với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh trên thế giới và Việt Nam.

Chính vì vậy, lực lượng vũ trang Quân khu 7 xác định giai đoạn 2 sẽ là giai đoạn đầy cam go và khó khăn, nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cấp bách. Thành công của giai đoạn này đóng vai trò quyết định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Quyết liệt, khẩn trương thực hiện 8 mệnh lệnh phòng chống COVID-19

Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Công an các đơn vị, địa phương và vô cùng quan trọng, hết sức cấp bách cần thực hiện ngay và rất quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”.

Do vậy, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh công tác. Ngày 24/3, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện số 01 chỉ đạo Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nội dung Công điện nêu rõ: Tiếp theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23/3/2020 của Bộ về phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát không để người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 từ nước ngoài về nước lan rộng ra cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương mệnh lệnh công tác sau:

Thứ nhất, Thủ trưởng, Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo Công an phường, thị trấn, Công an xã tổ chức rà soát từng nhà, từng hộ dân, quản lý từng tổ dân, khu phố, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước hiện đang cư trú tại địa phương kể từ ngày 7/3/2020 đến ngày 24/3/2020 (thay bằng số liệu thống kê từ ngày 10/3/2020 đến ngày 23/3/2020 theo Điện số 328/ĐK-HT, ngày 23/3/2020 của Bộ) và báo cáo về Bộ trước 18 giờ ngày 25/3/2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thống kê, Thủ trưởng Công an các cấp báo cáo ngay đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp ở địa phương để chỉ đạo xử lý.

Thứ hai, Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp để rà soát những nơi tập trung đông người, qua đó tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao ý thức, tự giải tán, không tụ tập đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Thứ ba, Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh, trật tự tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung. Có kế hoạch phân công cán bộ, chiến sĩ thay ca kíp thường trực tại các địa điểm tổ chức cách ly tập trung; trang bị đầy đủ các phương tiện, vật tư y tế cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong khi thi hành nhiệm vụ.

Thứ tư, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại trụ sở cơ quan, đơn vị mình; lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp gương mẫu và quán triệt cán bộ, chiến sĩ hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp đông người để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng. Các đơn vị có phương án bố trí 3 kíp làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để triển khai công tác, không để cả đơn vị phải cách ly. Tổ chức thành lập bộ phận thường trực (gồm cán bộ y tế, hậu cần, điều lệnh…) để tổ chức y tế ban đầu (đo thân nhiệt, mở sổ theo dõi hoạt động ra vào trên cơ sở yếu tố dịch tễ; yêu cầu đeo khẩu trang và hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh) đối với tất cả người dân và cán bộ, chiến sĩ đến đơn vị làm việc, liên hệ công tác nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm, nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 để có phương án ứng phó.

Thứ năm, các đơn vị y tế trong Công an nhân dân phải chủ động bám sát nhiệm vụ chính trị của các đơn vị để tổ chức phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Giao Cục Y tế chủ trì khẩn trương tổ chức các khu cách ly, bệnh viện dã chiến để thường trực sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong lực lượng Công an nhân dân và dự phòng phục vụ nhân dân.

Thứ sáu, các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Công an các tỉnh biên giới chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý biên giới, kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lạn dịch bệnh COVID-19.

Thứ bẩy, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và trong nước, diễn biến tội phạm có thể sẽ có những tác động, diễn biến phức tạp, lực lượng Công an cần tập trung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng chống đối đăng tin tuyên truyền xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, đối tượng chống đối không thực thi các quy định của pháp luật, quy định phòng, chống dịch bệnh, tội phạm hình sự khác như trộm cắp, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả… nhất là hàng hóa liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Công điện nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Công an các đơn vị, địa phương và vô cùng quan trọng, hết sức cấp bách cần thực hiện ngay và rất quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Do vậy, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động để chỉ đạo thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh công tác.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc vận động hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 đến nay đã nhận được 305 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ cả về tiền và hiện vật, riêng nhắn tin ủng hộ qua số 1407 là 60 tỷ đồng. “Đây là sự nghiệp của toàn dân, nhân dân ủng hộ chúng ta rất nhiều, kể cả doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn cũng chung tay, chung sức để bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Thủ tướng nói.

V.Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-243-viet-nam-ghi-nhan-them-11-ca-mac-moi-quyet-tam-khong-de-dich-lay-lan-nhanh-20200324230041172.htm