Ngày 30/4 nhắc nhớ một thời gian khổ, anh dũng, ngoan cường

Ngày 30/4, tôi xin cúi đầu trước nạng gỗ, mộ bia và ngẩng đầu nhìn Quốc kỳ thiêng liêng để hát 'Đoàn quân Việt Nam đi...'

Là giáo viên Sử, cứ đến ngày 30/4, lòng tôi lại đau đáu nhiều nỗi niềm trăn trở. Dù cho công việc nhà giáo trong thời đổi mới luôn bận rộn, nhưng tôi vẫn luôn có ý thức dành nhiều thời gian để kiếm tìm, để đọc, để xem, để giải mã những gì mà tôi chưa từng trải, chưa biết, chưa hiểu.

Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại

Xem gì ư? Xem lại những bộ phim kinh điển ngày xưa như “Ván bài lật ngửa”, “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Tình khúc 68”, “Biệt động Sài Gòn”... Những bộ phim mà tôi đã từng xem thời ấu thơ, nay tuổi đã toan về già nhưng xem đi, xem lại vẫn chưa chán.

Nghe gì ư? Nghe đi, nghe lại các ca khúc, tình khúc nhạc đỏ như “Lá đỏ”, “Tiếng đàn Ta lư”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Cô gái vót chông”, “Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long”, “Cô gái mở đường”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca không quên”... Những bài hát của một thời hoa lửa.

Đọc gì ư? Đọc lại một vài cuốn sách đã mua nhưng chưa có thời gian đọc, những tài liệu lưu trữ trong và ngoài nước, cả những tư liệu từ bên kia chiến tuyến...Những ký ức của một thời đạn bom.

Sao lại vậy? Bởi trong lịch sử và cuộc sống, những gì ta biết là có giới hạn và những gì ta chưa biết là vô hạn. Đọc, nghe, xem để bổ sung kiến thức, để hiểu được bản chất của những sự kiện, nhân vật, bài học lịch sử. Và để dạy sử cho học trò thuyết phục hơn, dạy các em biết văn hóa tri ân.

Cái giá của nền hòa bình

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Để có một hình hài, non sông gấm vóc đất Việt ngày nay, nhiều thế hệ người Việt phải đối mặt với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược và đô hộ của ngoại bang, phải hy sinh bao xương máu và của cải để giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam luôn thấu hiểu cái giá của nền hòa bình và luôn trân quý nền hòa bình. Nhưng khi, đất nước bị xâm lược, non sông bị dày xéo, Tổ quốc bị chia cắt thì dân tộc Việt Nam không cam chịu nô lệ, phải đứng lên để chiến đấu, đánh đuổi quân thù.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ tại Quảng Nam. Ảnh: VGP

Vào lúc 11h30 phút trưa ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 21 năm kết thúc thắng lợi, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, để có được sự kiện của ngày 30/4 lịch sử đó, nhân dân Việt Nam phải trải qua một hành trình hơn 20 năm gian khổ, anh dũng, ngoan cường.

Những người mẹ lần lượt tiễn con lên đường nhập ngũ để “sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để rồi “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Như Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Văn Thị Thừa ở Quảng Nam, mẹ Lê Thị Hẹ, mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị, mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, mẹ Lê Thị Tự ở Bình Dương, mẹ Phạm Thị Ngự ở Bình Thuận, mẹ Lê Thị Soi ở Thanh Hóa...

Các mẹ không chỉ hy sinh tuổi xuân của mình cho đất nước mà còn mất đi người chồng, người con, người cháu thân yêu vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Những người phụ nữ ấy cao cả biết bao, vĩ đại nhường nào nhưng cũng đau đớn biết bao, đáng thương biết chừng nào. Chiến tranh đã đặt lên vai những người phụ nữ thuần hậu danh hiệu lớn lao nhưng cũng vô cùng đau đớn ấy. Sự hy sinh của họ rất đáng để toàn bộ người Việt Nam gọi họ bằng một từ thiêng liêng nhất: Mẹ.

Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ấy xứng đáng được nhân dân dựng tượng đài và họ luôn là tượng đài bất khuất trong lòng dân tộc Việt Nam.

Hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã băng mình vào lửa đạn để mở đường, san lấp hố bom để làm nên đường Trường Sơn huyền thoại, để làm nên những tráng ca bất tử của cầu Hàm Rồng, cầu Cấm, hang Hỏa Tiễn, Truông Bồn, Ngã 3 Đồng Lộc, Hang Tám Cô, phà Bến Thủy, phà Gianh, phà Xuân Sơn, phà Trọng Đại, Đường 20 quyết thắng, Đường 9 anh hùng...

Các cô, các chị thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của tinh thần “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” đã luôn sẵn sàng tình nguyện và xung phong lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cống hiến tuổi xuân, đến những nơi gian khó nhất, trọng điểm đánh phá ác liệt nhất như cầu Hàm Rồng- Thanh Hóa, Truông Bồn, Ngã Ba Đồng Lộc....

Họ đã kiên cường bạt núi, mở đường, san lấp hố bom và đã dũng cảm hy sinh bởi bom đạn của kẻ thù vùi lấp, làm nên những tráng ca bất tử. Các cô, các chị đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc để viết lên đường Trường Sơn huyền thoại. Hàng ngàn nữ chiến sĩ đã nằm lại đại ngàn đã góp phần tỏa sáng truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tây Nguyên là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Để phục vụ chiến đấu và chiến đấu, đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Ba Na, Jrai, Ê Đê...dọc phía Tây dãy núi Trường Sơn, Tây Nguyên, Đông Nam bộ đã cưu mang đùm bọc, chở che cán bộ, chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai, bắp ngô, băng đồi, lội suối gùi lương tải đạn cho bộ đội.

Hình ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Thắng lợi của ngày 30/4 của 48 năm trước là chiến thắng chung của toàn thể dân tộc, của đoàn kết toàn dân, của tình quân dân, của hậu phương với tiền tuyến, trong đó có cống hiến vô cùng lớn lao của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đại ngàn hùng vỹ.

Biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông

Nhớ ngày 30/4, thế hệ hậu sinh chúng ta đang thụ hưởng thành quả của một nền độc lập dân tộc, đất nước thống nhất thì xin đừng bao giờ quên tất cả những gì mà dân tộc ta đã trải qua. Trên hành trình vào Nam trên tuyến Quốc lộ 1A, chúng ta phải đi qua cầu Hiền Lương bắc qua dòng Bến Hải đổ ra biển Cửa Việt. Hãy dừng lại và quan sát những gì có ở nơi đây, để hiểu tại sao đó là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Lặng im và suy ngẫm rằng, tại sao cầu Hiền Lương, sông Bến Hải là chứng nhân lịch sử mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước suốt 20 năm ròng rã, lại trở thành một biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông.

Để có được giây phút lá cờ cách mạng cắm trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975, là biết bao giọt mồ hôi, công sức, của cải và xương máu, tính mạng của quân và dân Việt Nam trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã đổ xuống.

Hệ quả sau cuộc chiến để thống nhất non sông ấy là hàng ngàn nghĩa trang liệt sỹ, hàng triệu người bị nhiễm chất độc màu da cam, hàng chục vạn phụ nữ mất chồng, mất con. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết hại trong các nhà tù, từ Nhà ngục Chín Hầm (Huế) đến Nhà tù Lao Bảo, nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà tù Kon Tum, Khám Chí Hòa, từ nhà tù Phú Quốc đến nhà tù Côn Đảo...

Chiến tranh đã dần lùi xa, nhưng hàng vạn người lính vẫn nằm ẩn khuất đâu đó trên những ngọn đồi, dưới đáy sông, con suối, trong những khu rừng già và nơi biển cả. Rất xót xa khi trên nhiều nghĩa trang liệt sỹ khắp mọi miền của Tổ quốc vẫn còn nhiều phần mộ chỉ được khắc trên bia “Liệt sĩ chưa biết tên”.

30/4 là ngày lễ của quốc gia để tưởng nhớ, ghi ơn các thế hệ cha ông đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, để hiểu cái giá của nền hòa bình mà chúng ta đang thụ hưởng, để trân trọng quá khứ, và không bao giờ lãng quên lịch sử…

Trần Trung Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngay-30-4-nhac-nho-mot-thoi-gian-kho-anh-dung-ngoan-cuong-2138421.html