Ngày 31/5: Tròn 45 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn 7.870 trường hợp đang cách ly

Đến chiều tối ngày 31/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19; đã tròn 45 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam, chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 7.870 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 69; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.870; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 931 trường hợp.

Cách ly tập trung người nhập cảnh phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Cách ly tập trung người nhập cảnh phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 7 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 22 ca.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đón các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước, dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn. Vì thế, phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phòng, chống dịch (bao chặt bên ngoài, nới lỏng bên trong), tổ chức thực hiện cách ly thành viên tổ bay quốc tế, chuyên gia, lưu học sinh vào Việt Nam theo đúng quy định.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt chẽ các phi công, thành viên tổ bay quốc tế; đặc biệt phải quản lý chặt chẽ các khách sạn cũng như những người làm việc tại khách sạn được sử dụng để tổ chức cách ly phi hành đoàn quốc tế theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh đến kiểm tra ngay các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có)…

Cũng trong tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam; Chưa bàn về thời gian mở cửa du lịch trở lại. Chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và trước tiên chỉ xem xét đón khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh. Bước đầu chỉ nên tổ chức thí điểm đón khách du lịch đến một số đảo, song song với đó phải có các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ cho người dân địa phương và du khách trong nước.

Đưa trên 340 công dân Việt Nam từ Singapore về nước

Ngày 31/5, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng Singapore đã phối hợp thực hiện chuyến bay chở trên 340 công dân Việt Nam từ Singapore về nước, hạ cánh an toàn tại Sân bay Quốc tế Cần Thơ.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người có bệnh nền, lao động hết hạn hợp đồng, người đi công tác, du lịch hết hạn thị thực bị mắc kẹt do đại dịch COVID-19…

Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã cử cán bộ trực tiếp ra sân bay hỗ trợ công dân hoàn thành các thủ tục cần thiết trước khi máy bay cất cánh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những ngày qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Sau khi hạ cánh, những người tham gia chuyến bay đều đã được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương.

Công đoàn hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, bảo vệ người lao động trước tiên là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của họ. Đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động là công tác vô cùng quan trọng của tổ chức công đoàn và cần được tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới; tiếp tục phát huy vai trò, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, sáng kiến trong công tác đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động vì tính mạng, sức khỏe của người lao động.

Việc ngưng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất của các doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn của người lao động. Ảnh: Mạnh Linh

Trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu xuất phát từ sự vi phạm pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và cả người lao động. Qua các cuộc giám sát, kiểm tra liên ngành, cơ quan chức năng phát hiện và kiến nghị, yêu cầu khắc phục gần 260.000 vi phạm và nguy cơ mất an toàn - vệ sinh lao động, trên 15.000 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung..

Mới đây nhất, Công đoàn Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền 500.000 đồng/người. Nguồn hỗ trợ từ nguồn tài chính tích lũy tại Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Đối tượng được nhận hỗ trợ là đoàn viên, người lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành (1.490.000 đồng/tháng), có hoàn cảnh khó khăn tại thời điểm xét hỗ trợ và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Nghị quyết số 42/NQ - CP).

Bên cạnh đó, đoàn viên, người lao động đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng sẽ được nhận hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn gồm: Lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; người lao động bị mắc bệnh hiểm nghèo đang được điều trị (nằm viện hoặc điều trị ngoại trú); đoàn viên có vợ hoặc chồng hoặc con hoặc bố, mẹ già (đang ở cùng và phải nuôi dưỡng) bị bệnh hiểm nghèo; đoàn viên là người khuyết tật, người bị tai nạn lao động chưa được hưởng trợ cấp..

Gỡ khó cho doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc xét giãn đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 để có thời gian khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch, sắp tới, ngành BHXH TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm định cho những DN thực sự gặp khó khăn để giải quyết việc tạm dừng đóng BHXH.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết tính đến nay đã có 180 DN gặp khó khăn được giãn đóng BHXH vào quỹ tử tuất và hưu trí do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là những DN bị cắt giảm từ 50% lao động trở lên. Theo đó, đã có 13.735 người lao động tại 180 doanh DN này phải tạm ngưng việc được ngưng đóng bảo hiểm xã hội với tổng số tiền gần 60 tỷ đồng. Những DN này được tạm ngưng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) cho người lao động từ 3-6 tháng.

Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2019, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2,5 triệu lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lao động trên địa bàn giảm hơn 200.000 người, trong đó có gần 90.000 trường hợp phải nghỉ việc không hưởng lương.

XC/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/ngay-315-tron-45-ngay-viet-nam-khong-co-ca-lay-nhiem-trong-cong-dong-con-7870-truong-hop-dang-cach-ly-20200531184101924.htm