Ngày Beckham bị cả nước Anh quay lưng

Hình nộm Beckham mặc áo số 7 của tuyển Anh bị đày lên giá treo cổ. Cuộc thư hùng giữa hai nền bóng đá có thâm thù nhanh chóng trở thành tấn thảm kịch với chàng tiền vệ 23 tuổi.

Ngày 30/6/1998, tuyển Anh gặp Argentina ở vòng 16 đội World Cup. Dư luận xứ sương mù khi đó vô cùng tự tin trước trận đấu. Hai năm trước, "Tam sư" vào đến bán kết EURO 1996 và sở hữu dàn sao được tung hô như Michael Owen, David Seaman, Paul Scholes hay vua phá lưới EURO 96 Alan Shearer.

 Beckham bị đuổi khỏi sân sau khi mất bình tĩnh với Simone. Ảnh: Getty.

Beckham bị đuổi khỏi sân sau khi mất bình tĩnh với Simone. Ảnh: Getty.

Tấm thẻ đỏ oan nghiệt

Bóng đá Anh và Argentina chẳng ưa gì nhau, như hệ quả từ cuộc xung đột giành đảo Falkland từ trước. Sau này còn là trận đấu kinh điển ở tứ kết World Cup 1986, nơi Diego Maradona thực hiện pha ghi bàn mà vẫn được gọi là "Bàn tay của Chúa" để loại người Anh.

Tại Saint-Etienne, Batistuta ghi bàn mở tỷ số cho Argentina ngay ở phút thứ 5. Nhưng cũng chỉ 4 phút sau, Shearer gỡ hòa. Đến phút 16, thần đồng Owen ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 sau một pha solo để đời. Zanetti gỡ hòa cho Argentina ở cuối hiệp 1 và sang đầu hiệp 2, một niềm hy vọng khác của "Tam sư" đẩy người Anh chìm trong nỗi thất vọng tột đỉnh xen lẫn cơn giận dữ và uất ức.

"Tôi ngáng chân Beckham và cả hai ngã nhào ra sân. Khi tôi cố gắng đứng dậy, anh ta dùng gót giày đá từ phía sau", Simeone kể lại. Sau khi Beckham trả đũa, tiền vệ người Argentina lăn lộn trên sân để đánh lừa trọng tài. "Simeone gục xuống như thể anh ta bị ai bắn vậy. Như thể anh ta đã chết", nhà báo người Anh Darren Tulett nhớ lại.

Người rút thẻ đỏ cho Beckham hôm đó là trọng tài Đan Mạch Kim Milton Nielsen. Hơn một năm trước, Nielsen bắt chính trong trận lượt về giữa MU và Porto tại tứ kết Champions League. Beckham vướng vào một vụ tranh cãi ở hiệp 2 và lẽ ra nên nhận thẻ vàng.

Nếu Beckham ăn thẻ, anh sẽ không thể tham dự trận bán kết với Dortmund. Nielsen dường như biết điều ấy, trong bối cảnh MU đã dẫn Porto tới 4-0, ông quyết định không trừng phạt tiền vệ này.

Khi gặp lại Beckham ở World Cup 1998, trọng tài người Đan Mạch có thể đã nghĩ: "Ồ, tôi đã từng tha cho bạn một lần, và bạn chẳng rút ra được bài học gì". Các trọng tài luôn nhớ về những lần chạm trán với các cầu thủ nổi tiếng.

Beckham đạp vào đối thủ trước mắt trọng tài Nielsen. Ảnh: Getty.

Cáo già và sư tử non

Nhiều năm sau, Simeone nhắc lại chuyện cũ: "Beckham khi ấy là một hiện tượng. Cậu trẻ, đẹp trai, tóc vàng... Beckham rất giỏi và điều duy nhất bạn muốn làm là khiêu khích anh ta. Bất cứ ai trong trường hợp của tôi cũng sẽ làm thế mà thôi".

Cựu đội trưởng Argentina Roberto Perfumo, người sau này trở thành một nhà báo xát muối: "Các cầu thủ Anh quá ngây thơ. Bóng đá là môn thể thao khắc nghiệt, và anh phải làm mọi cách để chiến thắng".

Người Argentina được được truyền cảm hứng từ những người Italy, tổ tiên của họ ở châu Âu. Các cầu thủ xứ tango có cách tiếp cận trận đấu hết sức đặc biệt, họ sẽ tập trung vào điểm yếu tâm lý của đối phương. Và khi đối thủ của họ trở nên giận dữ, ấy là lúc người Argentina đã thành công.

Sau cùng, kẻ bị khiêu khích là người thua cuộc. Bóng đá Nam Mỹ có một câu nói nổi tiếng về sự tiểu xảo: "Hãy ra sân và chơi bóng với lưỡi dao rít trong kẽ răng".

"Mong muốn của cả đất nước Argentina là phải đánh bại người Anh", Simeone nhớ lại. "Và chúng tôi đã làm cả đất nước hạnh phúc".

Beckham khiến cả nước Anh phẫn nộ với tấm thẻ đỏ trước Argentina năm 1998. Ảnh: Dreamteamfc.

Kẻ thù số 1 của công chúng

Beckham nhận thẻ đỏ và bị truất quyền thi đấu. Argentina giành chiến thắng sau loạt đá penalty, còn Beckham trở về quê hương giữa những lời nguyền rủa.

Báo chí Anh ngày đó viết: "10 trái tim sư tử ngoan cường và một thằng nhóc xuẩn ngốc". Trong top 100 điều người Anh ghét nhất trên Channel 4 năm 1998, cựu sao MU đứng thứ 9 trong danh sách. Beckham trở thành con dê tế thần trong thất bại của người Anh.

Beckham trốn sang New York ngay sau trận đấu. Ở quê nhà Manchester, mẹ anh là bà Sandra cùng gia đình hứng chịu cơn thịnh nộ. Những người an ủi gia đình Beckham cũng cảm thấy bầu không khí ảm đạm ngay cả qua điện thoại.

Beckham nhận hàng tá lời dọa giết. Anh bị la ó mỗi khi xuất hiện trên sân sau đó. Mọi nơi Beckham đến ngoài đời, anh ta cũng trở thành mục tiêu công kích. Hình nộm Beckham mặc áo số 7 của tuyển Anh bị đày lên giá treo cổ.

Vì sao Beckham bị ghét đến thế? Hơn một tuần sau sự cố đó, Sir Alex Ferguson tin rằng những gì Beckham làm thật sự dại dột và ngu ngốc. Beckham cướp đi cơ hội vào tứ kết của người Anh, khiến đất nước bị hạ nhục ở World Cup.

Tuy nhiên, người dân Anh có vẻ đã phát cuồng quá mức cần thiết vì một trận bóng. Suy cho cùng, Beckham đâu có giết người hay mang tội phản quốc?

Có nhiều ý kiến cho rằng Beckham phải trả giá vì đã trót trở thành một dạng cầu thủ-showbiz. Nếu một cầu thủ khác ở tuyển Anh phạm sai lầm đó, công chúng có lẽ sẽ không nổi điên như vậy.

6 tháng trước, Beckham cầu hôn với nữ ca sĩ Victoria Adams của Spice Girls, và khi một tạp chí ước tính chàng cầu thủ điển trai này có thu nhập tới 8 triệu bảng một năm, những sự công kích là có thể hiểu được.

Với nhiều người Anh, thật dễ dàng để phẫn nộ khi một kẻ đẹp trai, đá bóng giỏi, cưới vợ đẹp, có thu nhập mơ ước mắc sai lầm khiến cả dân tộc tiếc nuối.

Mọi chuyện chỉ càng tồi tệ hơn với Beckham khi 10 người còn lại của "Tam sư" đã chiến đấu tới cùng và chỉ chịu thua trên chấm 11 m. Bóng đá không có chữ nếu, nhưng rõ ràng người Anh luôn tin rằng (cho tới tận bây giờ) họ sẽ thắng nếu "tóc vàng hoe" Beckham không biến mình thành gã ngốc.

Trở về Manchester United, HLV Ferguson khẳng định Beckham cần tự mình giải quyết vấn đề này. Chiến lược gia người Scotland nhắn nhủ Beckham rằng bóng đá là như thế, nơi những cầu thủ kiểu như cậu sẽ luôn có quãng thời gian khó khăn. Cách tốt nhất để trở lại đó là những màn trình diễn tốt trên sân cỏ.

Và đúng là Beckham đã trở lại. Một năm sau, tiền vệ mang áo số 7 cùng MU đoạt cú ăn ba thần thánh. Anh kết hôn với Victoria cùng năm đó và bắt đầu hành trình chinh phục trở lại trái tim người hâm mộ.

Ngày 6/10/2001 đánh dấu khoảnh khắc Beckham trở lại thành người hùng của nước Anh, khi thực hiện cú đá phạt thành bàn ở phút 90+3 trong trận hòa 2-2 trước Hy Lạp, giúp tuyển Anh dự World Cup 2002.

"Tôi đã trở lại", Beckham nhớ về ký ức những năm đó. "Sau mỗi trận đấu trên sân nhà, những tiếng la ó là trải nghiệm kinh khủng mà tôi chưa bao giờ chứng kiến. Nhưng sự cố năm đó giúp tôi trưởng thành hơn.

Năm 2019, Beckham thậm chí gọi tấm thẻ đỏ gặp Argentina là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đời mình. Thi thoảng Beckham tỉnh giấc giữa đêm với cơn ác mộng năm 98 ấy. Nó gần như đã ám ảnh Beckham trong suốt cuộc đời.

Tấm thẻ đỏ ở Saint-Etienne vĩnh viễn thay đổi cuộc đời Beckham. Trước và sau cú đạp với Simeone, tiền vệ điển trai người Anh đã là hai con người hoàn toàn khác.

Beckham và cú đá phạt đưa tuyển Anh dự World Cup 2002 Ngày 6/10 đánh dấu tròn 18 năm khoảnh khắc David Beckham đá phạt thành bàn ở phút 90+3 trong trận hòa 2-2 trước Hy Lạp, qua đó giúp tuyển Anh có vé dự World Cup 2002.

Hồng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-beckham-bi-ca-nuoc-anh-quay-lung-post1074364.html