Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh dạ dày

Theo chuyên gia, các bệnh lý liên quan dạ dày, đặc biệt là ung thư đang có xu hướng trẻ hóa.

 Bệnh nhân ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: NYTimes.

Bệnh nhân ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa. Ảnh: NYTimes.

Trong buổi sáng thứ 7 cuối cùng của tháng 9, bất chấp thời tiết mưa nắng thất thường tại Hà Nội, hàng chục người xếp hàng dài tại buổi khám và tư vấn miễn phí bệnh ung thư dạ dày của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Đáng nói, rất nhiều trường hợp trong số này là những người còn rất trẻ, thậm chí chưa tới 30.

Đau bụng không rõ lý do

Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Hữu Thường (32 tuổi, trú tại Long Biên) cho biết đến khám do thường xuyên có biểu hiện đau bụng, đầy hơi vào các buổi sáng.

“Cách đây vài năm, tôi có từng đi khám tại một bệnh viện khác và được kết luận bị viêm hang vị dạ dày. Khi đó, bác sĩ có kê đơn thuốc để tôi uống. Tình trạng thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, gần đây, cảm giác đau lại quay trở lại”, nam bệnh nhân nói.

Anh Thường tới khám do thường xuyên đau bụng, đầy hơi vào buổi sáng. Ảnh: Quốc Toàn.

Anh Thường cũng cho hay bản thân tuyệt đối không uống rượu, bia hay các loại đồ uống có cồn. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, anh cũng không tiêu thụ các món cay nóng.

Anh kể: “Gia đình tôi cũng có nhiều người bị bệnh về dạ dày như bác, bố của tôi. Mọi người cũng thường xuyên bị đau bụng không rõ nguyên nhân. Gần đây, tôi có một người bạn mới qua đời vì ung thư nên cũng khá lo lắng”.

Vào phòng khám ngay sau anh Thường, chị P.T.T. (28 tuổi) cũng trao đổi với bác sĩ về tình trạng đau vùng thượng vị của bản thân. Nữ bệnh nhân này vừa kết thúc liệu trình thuốc nam trong vòng 5 tháng qua nhưng cảm giác đau vẫn xuất hiện.

Một trường hợp khác là bà V.N.Q. (45 tuổi) cũng tới khám do đau bụng. Tình trạng đau bụng nghiêm trọng đến mức bà không thể ngủ được, phải nằm nghiêng để giảm cảm giác khó chịu.

“Bố tôi mất vì ung thư dạ dày nên tôi khá sợ. Sau khi mổ 2 năm, ông qua đời”, bà Q. kể lại.

Chia sẻ với bác sĩ, bà Q. cho hay không có dấu hiệu ợ hơi, đi ngoài bình thường. Tuy nhiên, mỗi lần ăn đồ có chất béo, bà lại có cảm giác đầy bụng khó chịu.

Đáng chú ý hơn, ông N.V.C. (59 tuổi, trú tại Phan Đình Phùng) tới khám do đau bụng, ợ hơi, ợ chua trào ngược dạ dày kéo dài một năm nay. Hình nội soi của ông cho thấy túi mật của ông chứa đầy sỏi.

Ông C. chờ tới lượt khám sau khi gặp vấn đề dạ dày gần một năm nay. Ảnh: Quốc Toàn.

Bác sĩ đánh giá tình trạng dạ dày của ông C. có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ cần sớm phẫu thuật để tránh nguy cơ từ sỏi túi mật.

Nhiều người trẻ đến khám vì dạ dày

Theo PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các ngày thường, lượng bệnh nhân trung bình đến khám tại khoa khoảng 40 ca/ngày. Tuy nhiên, tại chương trình lần này, con số bệnh nhân đăng ký tới khám đã gấp 4 lần với 160 bệnh nhân. Con số thực tế thậm chí lớn hơn.

“Trong sáng nay, chúng tôi cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi đến khám do gặp vấn đề liên quan dạ dày. Thậm chí có trường hợp mới hơn 20 tuổi”, vị chuyên gia chia sẻ.

PGS Hà cho hay giống như các nhóm ung thư khác, ung thư dạ dày cũng đang có xu hướng trẻ hóa.

Hàng dài người chờ tới lượt khám dạ dày sáng cuối tuần. Ảnh: Quốc Toàn.

Ông nói: “Trước đây, chúng tôi chủ yếu ghi nhận các bệnh nhân ung thư dạ dày ở độ tuổi từ 55 đến 65. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân trẻ cũng đã phải tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để phẫu thuật ung thư dạ dày. Các bệnh nhân 30, 40 tuổi, thậm chí trẻ nhất là 25 tuổi”.

Tuy nhiên, điều khá may mắn là các bệnh nhân ung thư dạ dày trẻ tuổi hiện nay thường phát hiện bệnh giai đoạn khá sớm.

Theo PGS Hà, thực tế này đến từ 2 nguyên nhân:

Đầu tiên, những bệnh nhân trẻ đang trong độ tuổi lao động. Khi xuất hiện bất cứ cảm giác khó chịu nào, ảnh hưởng tới công việc, họ sẽ có xu hướng đi kiểm tra ngay. Đây là điểm trái ngược với người cao tuổi, hết thời kỳ lao động, ngại phiền con, khi phát hiện, đã ở giai đoạn muộn.

Nguyên nhân thứ 2 là người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội và khả năng tiếp cận với các thông tin trên Internet, mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng…

“Từ đây, đa phần nhóm người trẻ hiện nay có nhiều hiểu biết hơn về mặt y tế. Bản thân tôi sáng nay, trong quá trình thăm khám, cũng được nghe rất nhiều người tâm sự họ đến kiểm tra sau khi đọc được thông tin về buổi tư vấn miễn phí này trên mạng”, PGS Hà nói.

Bệnh nhân được hướng dẫn theo dõi sau khi thăm khám dạ dày. Ảnh: Quốc Toàn.

Liên quan ung thư dạ dày, vị chuyên gia cho biết căn bệnh này được biết tới thuộc “tứ chứng nan y”. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là bệnh có thể điều trị khỏi.

Qua các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ sống từ 5 năm trở lên sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày lên tới 90% ở những trường hợp phát hiện sớm.

“Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, qua theo dõi, tỷ lệ khỏi bệnh ung thư dạ dày của các bệnh nhân cũng tương đối cao. Theo quy định y học, các bệnh nhân sau mổ 5 năm không tái phát, không có di căn được xét là khỏi bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đã sống thêm tới 10-15 năm, đến nay vẫn sống khỏe. Điều đó chứng minh ung thư dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi”, PGS Hà nhận định.

Dẫu vậy, vị chuyên gia khẳng định ung thư dạ dày, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, vẫn là bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Do đó, việc phát hiện sớm và thăm khám tại cơ sở y tế uy tín là rất quan trọng.

“Phát hiện bệnh càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao”, ông khẳng định.

Để làm được điều này, mọi người dân cần khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các yếu tố nguy cơ của bản thân cũng như gia đình.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-mac-benh-da-day-post1358784.html