Ngày chứng khoán 'điên cuồng': Ông Trịnh Văn Quyết mất 2.450 tỷ đồng, bà Phương Thảo ẵm 2.200 tỷ

Trong sáng 25/1, sàn TP.HCM có phiên tăng điên cuồng giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo đút túi 2.191 tỷ đồng; nhưng ông Trịnh Văn Quyết lại kém may mắn khi bốc hơi 2.450 tỷ đồng.

2 ngày qua, mặc dù thông tin U23 Việt Nam vào trận chung kết khiến cả dân tộc nức lòng nhưng nhà đầu tư chứng khoán vẫn "sôi máu" khi chứng kiến sàn chứng khoán TP.HCM "sập". Thị trường phải đóng cửa 2 ngày vì sự cố kỹ thuật.

25/1 là ngày sàn TP.HCM giao dịch trở lại. Dù bức xúc với sự cố "sập sàn" nhưng nhà đầu tư vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng cho sự "trở lại" này. Và đúng như dự báo của nhà đầu tư và giới chuyên gia, ngay từ giờ mở cửa, sàn TP.HCM đã có nhiều bứt phá. Càng gần về cuối đợt giao dịch sáng, VN-Index càng tăng mạnh.

 Ngày chứng khoán "điên cuồng": Ông Trinh Văn Quyết mất 2.000 tỷ đồng, bà Phương Thảo ẵm 3.000 tỷ đồng

Ngày chứng khoán "điên cuồng": Ông Trinh Văn Quyết mất 2.000 tỷ đồng, bà Phương Thảo ẵm 3.000 tỷ đồng

Vào lúc 11h, khi phiên giao dịch chỉ còn 30 phút, VN-Index bỗng dưng đột phá, tăng 23,87 điểm, tương đương 2,2% lên 1.111,29 điểm.

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, sàn TP.HCM còn đón nhận dòng tiền khổng lồ đổ vào. Khi phiên sáng chưa kết thúc, đã có tới 254 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.077 tỷ đồng được giao dịch thành công.

Sàn Hà Nội thì im lặng hơn vì đã tăng mạnh trong 2 phiên gần đây. Thậm chí, có thời điểm chỉ số HNX-Index còn chìm trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, HNX-Index nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng 0,35 điểm, tương ứng 0,27% lên 126,6 điểm. Hiện tại, sàn Hà Nội dang hoàn toàn "nhường" hết sức nóng cho sàn TP.HCM.

Trên sàn TP.HCM, số lượng mã tăng giá (127 mã) vẫn yếu thế hơn số lượng mã giảm giá (136 mã). Điều đó cho thấy, dòng tiền đang có xu hướng đổ vào blue-chip và các cổ phiếu cơ bản thay vì đổ vào các cổ phiếu đầu cơ như trước đây. Trong đó, cổ phiếu dầu khí và ngân hàng là lựa chọn ưu tiên của nhà đầu tư trong sáng 25/1.

Trong họ dầu khí, GAS của Tổng công ty khí Việt Nam tiếp tục giữ vai trò "anh cả" khi tăng trần, tăng 7.400 đồng/CP lên 113.300 đồng/CP. PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí cũng tăng trần, tăng 1.900 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP.

Cổ phiếu ngành ngân hàng cũng tăng mạnh. Không sớm tăng trần như cổ phiếu dầu khí nhưng tới gần hết phiên, BID cũng tìm được sắc tím. BID tăng 1.950 đồng/CP lên 30.400 đồng/CP.

Lực cầu BID không quá mạnh nhưng lực cung không có nên khả năng BID duy trì được mức giá cao là rất lớn.Các cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh.

CTG tăng 1.150 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP, MBB tăng 1.600 đồng/CP lên 29.600 đồng/CP, VCB tăng 3.500 đồng/CP lên 66.800 đồng/CP, VPB tăng 3.170 đồng/CP lên 52.400 đồng/CP.

HNX-Index nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng 0,35 điểm, tương ứng 0,27% lên 126,6 điểm. Hiện tại, sàn Hà Nội dang hoàn toàn "nhường" hết sức nóng cho sàn TP.HCM.

Ngoài cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu hàng không cũng để lại nhiều ấn tượng. Trong đó, VJC của công ty cổ phần Vietjet là tâm điểm khi tăng trần, tăng 13.000 đồng/CP lên 199.500 đồng/CP. VJC đã mang về cho Vietjet 5.867 tỷ đồng.

Là người nắm giữ nhiều cổ phiếu VJC nhất (cả trực tiếp và gián tiếp) nên hôm nay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet được VJC "tặng" 2.191 tỷ đồng. Với khối tài sản gần đạt 35.000 tỷ đồng, bà Thảo hiện đang là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong phiên chứng khoán tăng điên cuồng như hôm nay, không phải tất cả đều được hưởng lợi. Trong suốt phiên giao dịch, số lượng mã giảm giá luôn nhiều luôn số lượng mã tăng giá. Và trong gần 150 mã giảm giá, ROS của công ty cổ phần xây dựng FLC Faros được chú ý nhất.

Ngay từ đầu phiên, khi các cổ phiếu mệnh giá lớn đua nhau tăng mạnh, ROS bất ngờ giảm sâu. Có thời điểm ROS giảm tới 8.900 đồng/CP. Tới cuối phiên sáng, đà giảm này được hạn chế hơn. ROS "chỉ" còn giảm 7.700 đồng/CP xuống 161.300 đồng/CP.

Mức lùi sâu này của ROS khiến vốn hóa thị trường FLC Faros hao hụt 3.642 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC và FLC Faros là người chịu mất mát lớn nhất khi tài sản giảm 2.453 tỷ đồng.

Video: 3 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán là ai?

Việt Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/ngay-chung-khoan-dien-cuong-ong-trinh-van-quyet-mat-2450-ty-dong-ba-phuong-thao-am-2200-ty-d377574.html