Ngày Dân số thế giới 11/7: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái

Với chủ đề: 'Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta', Ngày Dân số thế giới là dịp để Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những công việc, nỗ lực không ngừng đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn.

Hiện nay, phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn chưa được quan tâm đúng mức khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Dẫn đến tất cả, chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái, không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững. Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới.

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là bất bình đẳng giới đã ngăn cản thế giới đặt ra các câu hỏi, hay quan tâm đến những gì mà phụ nữ và trẻ em gái mong muốn. Những mong muốn của phụ nữ và trẻ em gái là quan trọng và UNFPA quan tâm đến những mong muốn đó. Báo cáo tình trạng dân số năm 2023 đã khẳng định, khi phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình sẽ thành đạt. Và kết quả là chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp, như Giám đốc Điều hành UNFPA, TS Natalia Kanem nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa quyền tự chủ về sức khỏe sinh sản và cuộc sống lành mạnh hơn là sự thực không thể tranh cãi được. Khi phụ nữ được quyền đưa ra những lựa chọn liên quan đến cơ thể và cuộc sống của họ, bản thân họ và gia đình sẽ thành đạt và xã hội nơi họ sống cũng sẽ thịnh vượng”.

Phụ nữ được tuyên truyền về các vấn đề liên quan

Nhằm chuyển tải thông điệp nhân văn của chủ đề Ngày Dân số thế giới, các tỉnh, thành phố nói chung, An Giang và các trung tâm y tế huyện, thị xã đã và đang tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với các nội dung về dân số và phát triển, nhân bản hoặc sản xuất mới các sản phẩm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Các nội dung hướng đến tiếp tục tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân số trong tình hình mới, như: Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 137/NQ-CP, Chiến lược dân số Việt Nam, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghị quyết của cấp ủy Đảng, kế hoạch hành động của chính quyền các cấp. Tăng cường tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ, trẻ em gái, tuyên truyền về tác hại của phá thai, tập trung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thành niên.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi và ủng hộ người phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn, phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển.

Đồng thời tuyên truyền, vận động nam, nữ thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, trước hết là các đối tượng có nguy cơ cao. Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, khu vực biên giới...

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, đơn vị thực hiện nhiều chương trình chăm sóc, nâng cao sức khỏe phụ nữ. Có 6.276/8.358 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; cung cấp thông tin, tuyên truyền về bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên, phụ nữ mang thai; tổ chức 156 buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, khám sức khỏe trước khi kết hôn 7.819/15.180 nam, nữ chuẩn bị kết hôn...

NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-tieng-noi-cua-phu-nu-va-tre-em-gai-a368128.html