Ngày đầu hết cách ly: Mở quầy không quên phòng dịch

Ngày đầu hết 'cách ly toàn xã hội', nhiều dịch vụ, quầy hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… đã mở cửa kinh doanh trở lại và vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Mở cửa kinh doanh sau thời gian cách ly, hàng quán vẫn đảm bảo giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: U.P

Mở cửa kinh doanh sau thời gian cách ly, hàng quán vẫn đảm bảo giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: U.P

Sôi nổi, phấn khởi

Tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM như Bàn Cờ, Vườn Chuối (Q.3), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bến Thành, Tân Định (Q.1)…, nhịp mua sắm sôi nổi hơn trước. Bên cạnh các cửa hàng thực phẩm vẫn mở cửa bình thường, nhiều quầy kinh doanh quần áo bắt đầu bày biện hàng hóa đón khách.

Nhiều quán café, trà sữa cũng đón khách trở lại. Chị Trần Thị Kim Thoa, chủ quán trà sữa 1st Tea (Q.3, TPHCM), ngày 23/4 nói: “Tối qua, tôi đã lau dọn quán, chuẩn bị trà sữa thật ngon, mua thêm hoa tươi trang trí quán để hôm nay mở cửa cho tươm tất. Chúng tôi chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Ngày trở lại buôn bán cũng kha khá, có khách đặt mang đi, có khách đến thưởng thức trà sữa tại quán, cùng hỏi thăm nhau sau những ngày COVID-19… Cả chủ và khách đều vui”.

Đại diện truyền thông Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, sau khi TPHCM quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, PNJ mở cửa kinh doanh trở lại. “Chúng tôi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo hộ, khử khuẩn, sát trùng về người và cơ sở vật chất, tiền, vàng... nhằm bảo vệ tối đa an toàn cho khách hàng. Đồng thời, PNJ vẫn tiếp tục duy trì phương thức phục vụ giao dịch mua bán, tư vấn qua fanpage”, vị này nói.

Không lơ là

Hầu hết các chủ quầy đều ý thức trong vấn đề phòng chống dịch. Quán 1st Tea chuẩn bị sẵn nước rửa tay nhanh, đo nhiệt độ khách, bàn ghế bố trí cách xa 2m theo quy định. “Dù thành phố đã khống chế được dịch nhưng chúng tôi không lơ là chuyện phòng bệnh. Sức khỏe và sự an toàn của khách hàng là điều quán đặt lên hàng đầu”, chị Thoa nói.

Ông Trần Thanh Nguyên, Phó ban quản lý chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TPHCM), cho biết: “Ban quản lý chợ có tổ bảo vệ đi khảo sát, nhắc nhở tiểu thương và khách về việc phải đeo khẩu trang. Nhiều tiểu thương trang bị sẵn khẩu trang để phòng trường hợp khách quên đeo hoặc không có khẩu trang, thậm chí để sẵn nước rửa tay trước quầy cho khách rửa. Ban quản lý chợ cũng trang bị ít nhất 10 điểm đặt nước rửa tay sát khuẩn trong chợ”.

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong trong ngày đầu tiên sau 3 tuần giãn cách xã hội, nhiều điểm kinh doanh tại TPHCM vẫn chưa mở hàng trở lại. Chị Vũ Thị Thủy, quản lý quầy hàng lưu niệm tranh thêu tay trên đường Đồng Khởi, nói: “Hàng hóa chủ yếu phục vụ các đoàn khách nước ngoài, nhưng mấy tháng nay do dịch nên nhu cầu du lịch bị hạn chế, khách hàng không có. Đóng cửa thế này doanh thu thiệt hại rất lớn, nhưng sức khỏe con người là trên hết nên cửa hàng tuyệt đối tuân thủ. Phải đợi khi hết dịch, khách hàng nhiều, lúc đó mới có thể làm lại”.

Ở Hà Nội, tình hình diễn ra tương tự. Hàng quán nhiều nơi vẫn tiếp tục đóng cửa, số ít hoạt động trở lại với quy mô nhỏ. Chị Phương Trinh, chủ một nhà hàng Nhật Bản (quận Cầu Giấy), cho biết, quán chị chưa thể hoạt động ngay vì nhân viên phần lớn đang ở quê, không kịp lên trong ngày 23/4. Chị dự kiến dành vài ngày để tập huấn, điều động nhân sự kiểm soát lượt khách đầu vào, đảm bảo phòng dịch COVID-19. Sáng 23/4, trên phố Xã Đàn, rất ít quán ăn mở cửa trở lại.

Một số quán ăn đã mở cửa thì hoạt động với quy mô nhỏ, cất bớt bàn ghế để đảm bảo giãn cách. Chuẩn bị hàng từ 5 giờ sáng và bán hết 20 con gà trong buổi sáng 23/4, chị Nguyễn Ngân, chủ quán phở trên phố Nam Đồng, cho biết, ngày đầu mở bán, quán chị đắt khách hơn cả dịp Tết. “Có lúc đông quá mình buộc phải nói khéo, nhờ khách thông cảm quay lại sau hoặc mua mang về”, chị nói.

Mở cửa trở lại sau 3 tuần tạm nghỉ, hai quán ăn sáng của anh Nhật Bình (quận Hoàn Kiếm) tất bật chuẩn bị hàng. Anh Bình cho biết, toàn bộ nhân viên đã vệ sinh quán từ sáng sớm, tất cả đều đeo mũ chống giọt bắn, khẩu trang và găng tay khi làm việc. Khách hàng được yêu cầu sát khuẩn tay trước khi vào, ngồi theo vị trí quán hướng dẫn. Tại Hà Nội, nhiều nhà hàng, quán café nổi tiếng như cũng đã đón khách. Trong khi đó, nhiều quán bia, quán nhậu chưa mở cửa trở lại.

Một số cửa hàng ở Hà Nội cũng đã bắt đầu hoạt động từ chiều 23/4. Ảnh: Như Ý

Công trình xây dựng “thở phào”

Ở Hà Nội, giống như nhiều tiệm làm tóc, cửa hàng quần áo, giày dép, trang sức, mỹ phẩm… đón khách trở lại, các công trình xây dựng dân dụng cũng tiếp tục thi công sau thời gian giãn cách. Đầu tháng 4, ngôi nhà xây dở của anh Nguyễn Văn Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đành “phủ bạt” để phòng dịch. “Nghe tin hết lệnh giãn cách xã hội, tôi thở phào nhẹ nhõm, gọi điện thông báo cho thợ xây quay trở lại làm việc, chỉ mong nhanh chóng xây xong nhà để ổn định cuộc sống”, anh nói. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ một căn hộ chung cư đang sửa chữa tại quận Long Biên (Hà Nội), cũng thở phào vì tiếp tục được sửa nhà sau hơn một tháng phải “bó gối trong căn nhà dở dang chờ được thi công cải tạo trở lại”.

Q.Nga-V.Linh- N.Mai

U.Phương-Q.Nga-V.Linh- N.Mai-T.Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/ngay-dau-het-cach-ly-mo-quay-khong-quen-phong-dich-1647508.tpo