Ngày đầu kháng chiến ở Hải Dương

Khoảng 20 giờ ngày 19.12.1946, một tiếng mìn nổ lớn trong thị xã Hải Dương. Hệ thống đèn bảo vệ cầu Phú Lương vụt tắt. Tiếng súng vang lên, quân ta tấn công bốt đầu cầu Phú Lương (phía đông) thuộc đất xã Nam Đồng.

Cầu Phú Lương - nơi quân ta từng dùng rơm đốt vào năm 1946 nhằm cản giặc từ Hải Phòng tấn công lên tiếp viện. Trong ảnh: Cầu Phú Lương bị máy bay Mỹ thả bom phá sập vào tháng 12.1965 (ảnh tư liệu)

Đêm 19.12.1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Dùng rơm đốt cầu cản giặc

Đáp lời hiệu triệu ấy, khoảng 20 giờ ngày 19.12.1946, một tiếng mìn nổ lớn trong thị xã Hải Dương. Hệ thống đèn bảo vệ cầu Phú Lương vụt tắt. Tiếng súng vang lên, quân ta tấn công bốt đầu cầu Phú Lương (phía đông) thuộc đất xã Nam Đồng. Trước đó vài ngày, các lực lượng của ta đã khẩn trương sửa sang công sự, trận địa và lên kế hoạch tác chiến khá tỉ mỉ, từ bộ phận cứu thương, tiếp tế, vận tải… Trực tiếp tham gia trận này có trung đội bộ đội phối hợp với đội cảm tử quân, tự vệ thị xã và các tự vệ xã. Quân địch trong bốt và các cứ điểm xung quanh chống trả dữ dội. Trận đánh rất ác liệt, hai bên giành giật từng thước cầu. Đến 14 giờ cùng ngày, quân ta tiêu diệt được trung đội địch, làm chủ được cầu. Ngay sau đó, quân địch ở ga Tiền Trung phản kích quyết liệt, chiếm lại bốt. Ta tạm thời rút lui để củng cố lực lượng, giải quyết thương vong. Sáng 21.12.1946, lại tiếp tục tiến công, đến 15 giờ cùng ngày quân ta đã chiếm được bốt.

Giữa lúc căng thẳng ác liệt nhất, Ban Chỉ huy đã ra lệnh dùng rơm và dầu chuẩn bị sẵn sàng để... đốt cầu, nhằm cản giặc từ Hải Phòng tấn công lên tiếp viện. Chuyện thật mà như đùa! Bởi vì, những năm 1942-1943 quân Nhật hất cẳng Pháp, tạm chiếm thị xã Hải Dương làm căn cứ quân sự. Khi quân đồng minh tấn công phe trục Đức - Ý - Nhật, thì máy bay Mỹ đã ném bom đánh quân Nhật, làm gẫy một nhịp cầu Phú Lương, bọn Nhật phải dùng một số phiến gỗ lớn xếp từ chân cầu lên tới sát đầu cầu để đỡ nhịp cầu gẫy, cho các loại xe cơ giới của chúng đi qua.

Đến khi đánh bốt Phú Lương, đốt cầu thì các phiến gỗ cháy lớn, trôi trên mặt sông sáng rực, át cả tiếng súng cối 81 của địch ở bốt Máy Chai trong thị xã bắn ra. Suốt dọc hai bên triền sông Thái Bình, tiếng lựu đạn, tiếng hô xung phong vang trời. Liên tục 3 ngày đêm, trung đội tự vệ Nhị Châu đã phối hợp với bộ đội chiến đấu, bao vây địch trong thị xã. Chiều 23.12, địch huy động hàng nghìn quân có xe tăng và pháo lớn, thêm máy bay yểm trợ từ Hải Phòng kéo về đánh phá đường 5, giải vây cho quân Pháp.

Đêm 23.12.1946, các đơn vị bộ đội, cảnh vệ rút ra ngoại ô, chấm dứt thời kỳ đánh địch trong nội thị, từ đó Hải Dương cùng cả nước bước vào kháng chiến trường kỳ...

Cầu Phú Lương ngày nay. Ảnh: Thành Chung

Chuyện làng tề

Làng Thiên trước năm 1945 từng được triều đình nhà Nguyễn chọn làm lỵ sở huyện Chí Linh. Ở đây có huyện đường tọa lạc trên quả đồi bên bờ sông.

Tháng 8.1945, Việt Minh khởi nghĩa cướp chính quyền, viên tri huyện Nguyễn Ngọc Hà phải bỏ cả ấn tín lẩn trốn. Đến những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đây vẫn là vùng tự do của chính thể mới.

Tháng 11.1949, Pháp nhảy dù chiếm đóng khu vực làng Thiên. Chúng bắt phu phen, phá nhà dân, mang gạch ngói, gỗ lạt xây dựng thành cứ điểm quân sự, với nhiều lô cốt, hệ thống kẽm gai, bãi mìn dầy đặc xung quanh, làm án ngữ tại ngã ba: lối ra Hải Dương, về Phả Lại và đường sang huyện Đông Triều, để phục vụ âm mưu bình định lâu dài.

Ngày đầu, dân chúng sợ hãi phải tản cư, sơ tán của cải, lương thực sang các vùng lân cận như An Lạc, Văn Đức, Hoàng Hoa Thám… Cả ngoài phố, trong làng Thiên chỉ có một gia đình ở lại.

Chi bộ Đảng và chính quyền đã họp, ra nghị quyết, động viên nhân dân, bí mật cử một số đảng viên cùng gia đình vợ con “về tề” sống hợp pháp, để lãnh đạo quần chúng, giữ vững cơ sở cách mạng.

Khi có dân, giặc cho lập làng tề, tập trung dân chúng để dễ kiểm soát. Chúng lập ra tổ chức hương dũng, cử ra Hội đồng hương chủ, lập vọng gác, rào làng và tổ chức càn quét, tìm diệt phong trào kháng chiến. Chúng ra lệnh sau 21 giờ cấm người đi lại trong làng và lập “vành đai trắng" quy định người dân chỉ được phép đi làm ăn trong vòng 500 m. Quá hạn đó sẽ bị bắn chết.

Giặc không biết rằng, làng tề có hương chủ, hương dũng đang có những người là Việt Minh hoặc có thiện cảm với kháng chiến. Ban ngày các hương chủ “hai mang” làm việc cho Tây trên đồn, tối đến báo cáo tình hình với Việt Minh. Bọn Pháp phân bổ số tre, số phu để xây đồn bốt, thì hương chủ cắt cử toàn ông già, trẻ em, gần trưa mới mang vài ba cây tre non cốt cho lấy lệ. Có lần hương chủ tìm cách đưa được một đảng viên trong vai là thợ xây lên đồn sửa khu gia binh cho Pháp, được phép đi lại quan sát cách bố phòng. Sau này, tháng 4.1952, khi quân ta tổ chức đánh bốt Thiên đã tìm diệt được tên sếp bốt, đánh sập lô cốt chỉ huy và giết được tên lính thông tin, làm cắt đứt liên lạc của chúng với bọn Pháp ở trung tâm quân sự Phả Lại, tránh nhiều tổn thất...

Cũng nhờ có “tay trong” nên mỗi lần địch đi càn quét ra ngoài, ta đều nắm được. Giặc đi tới đâu, đều có tiếng kêu to "Trâu ăn lúa" để ám hiệu. Con đường chúng đi qua thường vấp “chông thùng” hoặc “chông bàn” được rút chốt sẵn, để cản bước chân của chúng. Với những vũ khí thô sơ thế đã làm cho hàng chục tên giặc bị tiêu diệt, có tên bị chông nhiễm trùng nước tiểu, phải cưa chân, khiếp sợ về tinh thần, mỗi khi càn quét không dám sục sạo như trước.

Có lần chúng sục sạo vào nhà cụ già, phát hiện “bục hai mề", nghi có chứa Việt Minh. Giặc rút súng dọa chủ nhà, bắt khai. Cụ bà bình tĩnh cam đoan, nói đây chỉ là cái bục bình thường. Giặc không tin, bắt cụ tìm cuốc ra đào thử. Nhanh trí, cụ lấy cào ba răng vẫn để cào phân lợn ra bón ruộng. Giặc hùng hổ bổ mãi, không phá được bục đất rắn chắc. Đến giờ thu quân, chúng đành bỏ về. 3 cán bộ Việt Minh ẩn trong hầm “bục hai mề” đã thoát.

Hồi ấy có một người từng là cán bộ Việt Minh, về sau bất mãn, cầu an hưởng lạc, đã đảo ngũ đầu hàng giặc ở bốt Thiên. Để tỏ lòng trung thành với giặc, hắn điên cuồng săn lùng vây bắt cán bộ, đảng viên mang đi xử bắn. Pháp gắn lon cho hắn với chức “đội”. Chi bộ Đảng xã Thái Học cử một đảng viên trung kiên, đang sống hợp pháp với gia đình, tìm cách kết bạn với hắn để trừ gian.

Theo kế hoạch được duyệt cho thi hành, buổi sáng hôm ấy, người của ta dụ tên đội ra thị xã Hải Dương chơi. Khi lọt vào “ổ mai phục” thì du kích ở hai đầu xông lên bắt cả hai. Nhưng thiếu kinh nghiệm, đối tượng chưa lọt hẳn trong vòng kiểm soát, bỗng nhiên có tiếng hô "đứng lại”, rồi du kích xông lên.

Là một cáo già, tên đội có kinh nghiệm phòng thân. Hắn đã thủ sẵn một quả lựu đạn mỏ vịt trong túi quần, rút ra giơ lên hô to “Lựu đạn này!”. Anh du kích nghe thế nằm rạp xuống mặt đất tránh nổ. Khi biết là bị lừa, bèn đuổi tiếp. Lần này thì ném thật. Trong mù mịt khói bay cũng là lúc đối tượng chạy đã xa rồi…

Ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946 đã lùi xa 76 năm. Nhắc lại vài mẩu chuyện về quân dân Hải Dương ngày đầu chiến đấu, hy sinh gian khổ đổ máu xương… tất cả cho mục đích đánh giặc, giữ làng, tất cả đã góp phần tạo nên "Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.

KHÚC THIÊN TRANG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/ngay-dau-khang-chien-o-hai-duong-222308