Ngày đầu tiên ra trận - 50 năm ngày giải phóng Đông Hà, Quảng Trị

Có thể khái quát rằng: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ngụy duy nhất có 02 chiến dịch tiến công quy mô hiệp đồng quân binh chủng lớn nhất ở cấp quân đoàn, mặt trận hoặc tương đương và 01 chiến dịch phòng ngự công khai dài ngày duy nhất đã diễn ra ở đâu?

- Đó là chiến dịch Quảng Trị năm 1972 diễn ra từ 30/3 - 1/5 kết thúc bằng việc tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng;

- Đó là chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra vẻn vẹn 5 ngày từ 26/4 đến trưa 30/4/1975 đã làm nên chiến thắng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

Trong cuộc thử sức kéo dài 20 năm ấy. Quảng Trị là tỉnh được giải phóng sớm nhất (1/5/72) nhưng lại là địa bàn duy nhất hứng chịu nhiều bom đạn nhất, mức độ ác liệt khủng khiếp nhất, bi thương nhất với người lính. Trong nhiều căn nguyên được lịch sử xem xét, đánh giá, tổng kết thì nguyên nhân cơ bản bởi quyết tâm giữ đất, đối đầu trực diện chiến đấu sống mái với kẻ địch dưới tầm mưa bom, bão đạn của Mỹ - ngụy:

Ảnh do tác giả cung cấp

- Đó là chiến dịch phòng ngự công khai tuyên chiến với chúng để bảo vệ thành cổ, thị xã và vùng giải phóng Quảng Trị là kết quả của cuộc thử lửa bi hùng nhất nói trên.

Phải chăng, đây được xem là chiến dịch phòng ngự dài ngày duy nhất có một không hai trong lịch sử chiến đấu của QĐ ta. Nó diễn ra trên một chiến tuyến có chính diện rộng, chiều sâu lớn tập trung vào khu vực thành cổ - thị xã Quảng Trị và vùng ven đến động ông Gio trên tuyến phòng thủ Nam sông Thạch Hãn mà kết quả của nó đã mang lại vị thế của ta trên bàn đàm phán về đấu tranh ngoại giao, về nghệ thuật quân sự và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm chiến đấu cả trong thành công lớn và thiệt hại không nhỏ đối với binh hỏa lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam của nhân dân ta.

Nếu chỉ tính riêng mặt trận Quảng Trị, hẳn chưa cây bút nào, trang sách nào mô tả hết được cuộc đọ sức thần kỳ của những người lính trên bãi chiến trường khốc liệt này. Và, đến nay lịch sử cũng chưa thể ghi chép hết, phản ánh đầy đủ các trận đánh vô cùng ác liệt, chồng chất bom đạn đã diễn ra trên mảnh đất đau thương, gan góc này. Một lần nữa xin nói một lời: đây chỉ là góc nhìn cá nhân khái quát sơ lược về một bức tranh lớn của cuộc chiến năm xưa.

Hôm nay ngày 27/4/22, ngày mai 28. Lịch sử đã ghi nhận tròn 50 năm thị trấn Đông Hà xưa được giải phóng. Xin gửi mấy dòng trên tường fay để nhắc lại ký ức một thời lính chiến. Xin bày tỏ lời cám ơn đến Phạm Bích Nga, bạn trên fay “nô chưa tỏ mặt ngài” đã truyền cảm hứng cho tôi từ bài thơ sáng sớm nay được ngó nói về cựu sinh viên Đại học Lâm nghiệp năm nào đã ngã xuống trước ba ngày toàn thắng vào đúng ngày này 27/4. Bởi thú thực, trong phạm vi nhãn quan của người lính thời Quảng Trị, đã bao lần tôi có ý định thuật lại kỹ hơn về trận đánh Đông Hà 27-28/4/72, đặc biệt là của xe tăng 901 thuộc đại đội xe tăng mang phiên hiệu cT7. Thế nhưng, cũng thú thực với cả nhà.

Mỗi khi mở bàn phím, sau một hồi hoài niệm tôi đã phải dừng lại, rồi lăn kềnh ra cái giường kế bên bởi hình ảnh chiếc xe tăng số hiệu 990 do anh Lường Văn Ứa cũng là cựu sinh viên Đại học Lâm nghiệp, nguyên Trưởng xe cứ hiển hiện ra trước mắt tôi, bốc cháy ngùn ngụt trên sườn phía Tây cao điểm 35 trước ống kính tiềm vọng (MK-4) năm nào. Bởi cột khói đen kịt khác hẳn với mấy xe tăng địch mà trước đó 901 của chúng tôi đã bắn cháy. Bởi lời thốt lên từ gan ruột của Đại đội trưởng kiêm Pháo thủ Nguyễn Văn Thái lại vọng về bên tai tôi “thôi chết rồi, bắn nhầm rồi”. Sau đó anh quát “Thục! xuất kích” nhưng xe không nhíc lên được. Thục ra khỏi xe kiểm tra rồi lên tháp pháo gõ đầu xếp báo cáo: xe bị đất đá chèn cứng xích rồi. Anh Thái cho Hồ pháo thủ ra khỏi xe cùng Thục đào bới. Lúc này tôi vẫn ở trong xe để nạp đạn cho anh Thái tại chỗ bắn địch chi viện cho bộ binh xung phong đánh chiếm điểm cao 37, 35.

Một lúc sau hai người vào xe, bộ binh ta đã vượt qua cửa mở tiến xa lên hướng điểm cao 37. Thục lùi xe, chuyển hướng vít ga con chiến mã 901 chồm lên tăng tốc phi lên sườn đồi theo con đường tăng của địch tiến đến khu vực lô cốt, công sự còn đang mù mịt lửa khói. Nay vẫn còn nhớ mãi cái cảm giác tròng trành, lao đao trong tháp pháo, tôi phải ghì chặt tay, áp trán thật chắc sát vào thân kính tiềm vọng cho người trụ vững trước đoạn đường nhằng nhịt, nham nhở những hố đạn pháo mới tinh vừa trút xuống cao điểm. Nay vưỡn không quên cái trạng thái như đưa võng bởi vòng xoay của tháp pháo. Lúc thoắt nhìn thấy lưng Thục lái xe, rồi lại thoắt biến mất. Tôi cũng chả còn biết Hồ pháo thủ có đang điều khiển pháo hay Đại đội trưởng Thái nữa. Lần đầu tiên ra trận, chả có cái cảm giác sợ hãi gì mà chỉ sợ mặt đập vào tường pháo, hoặc vỏ đạn pháo bất thần vung vào chân như Trường pháo 2 người tiền nhiệm tôi đã bị xưng vếu đầu gối hôm nào. Thế nên mỗi lần nạp xong viên đạn, tôi vội vàng đứng nép mình hoặc ngồi phắt lên ghế P2 tay nắm chặt thân kính tiềm vọng, mắt quan sát, tai lắng nghe lệnh của Trưởng xe. Trận đánh đến đây còn tiếp diễn vào trung thâm phòng ngự của quân địch ở thị trấn Đông Hà.

Đến đây xin nhường lời cho quê Đoàn Huy Thục người Đông Cơ, Tiền Hải, Thái Bình - nguyên lái con chiến mã bất tử 901 của kíp xe chúng tôi năm xưa kể tiếp nhé.

Trái tim người lính

Cong Giao

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ngay-dau-tien-ra-tran-50-nam-ngay-giai-phong-dong-ha-quang-tri-a12148.html