'Ngày đẹp tươi' ở xã nông thôn mới kiểu mẫu

Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn theo tiêu chí của 'hạnh phúc'. Đối với người nông dân chúng tôi, 'hạnh phúc' là cùng chung tay xây dựng và thực sự được hưởng thụ thành quả của mình.

Tôi là Nguyễn Thị Hồng, một người nông dân ở xã Bình Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống với Di tích quốc gia đặc biệt Nhà Trần, “Đệ tứ chiến khu” quê tôi còn được biết đến là địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh và cả nước về xây dựng Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đông Triều là huyện Nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc từ năm 2015.

Tôi là Nguyễn Thị Hồng, một người nông dân ở xã Bình Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống với Di tích quốc gia đặc biệt Nhà Trần, “Đệ tứ chiến khu” quê tôi còn được biết đến là địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Ninh và cả nước về xây dựng Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Đông Triều là huyện Nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc từ năm 2015.

Mặc dù là xã vùng đồi núi phía tây có nhiều khó khăn nhưng Bình Khê cũng đã cán đích Nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020. Những xóm làng dựa lưng vào dãy núi Yên Tử linh thiêng, phía trên là chùa Hồ Thiên, Ngọa Vân, bên dưới là hồ nước, triền đồi thoai thoải nối tiếp cánh đồng xanh mát trù phú. Bình Khê cũng đa dạng văn hóa với nhiều dân tộc, riêng thôn Phú Ninh của tôi có tới 8 dân tộc cùng chung sống.

Bước ngoặt đến từ những ngày xây dựng nông thôn mới. Trước kia chỉ trồng lúa, trồng vải, bà con quê tôi nay chuyển sang các giống cây, giống con, giống hoa có hiệu quả kinh tế cao hơn, thâm canh nhiều hơn. Mấy năm trước, gia đình tôi mạnh dạn trồng mai vàng Yên Tử - giống mai quý được thị trường ưa chuộng. Cần cù, chịu khó học hỏi, mùa Tết và năm vừa qua tôi bán hơn 2 vạn cây giống và 50 cây thành phẩm, tổng doanh thu lên tới cả tỷ đồng.

Việc thôn làng đều được đưa ra bàn bạc để bà con cùng quyết định, từ đó đồng lòng tham gia. Bác Trần Thế Sinh, Bí thư - Trưởng thôn vẫn thường họp cơ sở để triển khai từng việc trong thôn, từ vận động, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của từng hộ dân, cho đến chăm lo sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, an ninh trật tự… Mỗi đoàn thể đi từng ngõ, gõ từng nhà” phụ trách các hội viên của mình. Đoàn kết chính là bí quyết để Phú Ninh, Bình Khê sớm đạt các tiêu chí đề ra.

Là Phó trưởng thôn và phụ trách cả công tác Chữ thập đỏ, tôi thường xuyên trao đổi với bà con, chị em cách phòng ngừa sâu bệnh, lịch lấy nước tưới… Các cánh đồng ở Bình Khê gần như được khai thác quanh năm với 3 vụ sản xuất, áp dụng giống mới, canh tác hiệu quả cho năng suất cao. Nhiều hộ tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu sang Hàn Quốc. Không còn hộ nghèo, hiện thu nhập của người dân Bình Khê đạt đến 90 triệu đồng/người/năm.

Thế mạnh lớn nhất của chúng tôi là hoa và cây cảnh. Nhiều nhà vườn đã áp dụng kỹ thuật cao từ khâu chọn, ủ giống đến điều chỉnh nhiệt, tưới tự động để hoa sinh trưởng tốt, chất lượng cao. Bình Khê hiện là vùng trồng hoa lớn nhất toàn thị xã với hơn 142 ha. Dịp Tết Quý Mão, Hội chợ hoa của xã rộn ràng đông vui, hàng trăm loại hoa từ lan, cúc, hồng, dơn, đào, quất… cùng khoe sắc. Đặc biệt nhất phải kể đến những gốc mai Yên Tử được người nông dân khéo léo tạo thế đẹp mắt.

Chăm chỉ sản xuất nhưng chúng tôi cũng không quên chăm lo cho diện mạo của thôn làng, “làm từ trong nhà ra ngoài ngõ”, “làm từ tổ liên gia đến thôn”, “làm từ thôn đến xã”. Nhà nhà hiến đất để mở rộng đường, làm vỉa hè, hai bên đường là hoa hồng, hoa chiều tím, trồng cả sấu, thông vĩ… Rác thải sinh hoạt và nông nghiệp được thu gom, sạch nhà, sạch ngõ, sạch cả thôn làng.

Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, vật liệu, những năm qua, người dân thôn Phú Ninh cùng tham gia ngày công cứng hóa đường làng, ngõ xóm, mương thoát nước… Đường giao thông liên thôn, đường nội đồng giờ rộng rãi, sạch đẹp và an toàn hơn.

Niềm tự hào của thôn đó là công viên cây xanh ngay cổng làng. Máy tập đa năng, ghế đá cây xanh là nơi tập thể dục, nghỉ chân trò chuyện từ người già đến trẻ nhỏ. Không cần huy động, mọi người đều có ý thức dọn dẹp, giữ gìn để công viên luôn xanh mát.

Sân nhà văn hóa cũng là nơi sinh hoạt chung của mọi người. Hàng năm, các giải thể thao, bóng đá của xã, thôn tổ chức tạo sân chơi hào hứng.

Vui nhất là mỗi khi có hội làng hoặc giao lưu văn nghệ. Thôn duy trì CLB với 25 thành viên, cả các ông bà 70 tuổi nhưng vẫn hát hay, múa đẹp không kém thanh niên. Các tiết mục tự biên tự diễn nhưng luôn ngập tràn tiếng cười và niềm vui.

Sau 3 năm là người dân xã Nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi hiểu vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng quê hương mình. Không chỉ sản xuất giỏi mà còn phải sản xuất sạch, xanh theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, rồi cả chuyển đổi số nữa.

Nói về hạnh phúc thì rất rộng lớn, nhưng nhìn lại, tôi thấy mình đã có được những thành quả bình dị nhưng mỹ mãn, gia đình đông vui, đời sống kinh tế và tinh thần hài hòa, thực sự là một người nông dân hạnh phúc trên quê hương Đệ tứ chiến khu Đông Triều./.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ngay-dep-tuoi-o-xa-nong-thon-moi-kieu-mau-post1009519.vov