Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người đã để lại cho đời sau di sản vô cùng to lớn, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đến nay, tư tưởng này vẫn được duy trì và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Trong bài “Giữ gìn trật tự, an ninh” đăng trên Báo Nhân dân số 236, ra ngày 9 và 10-10-1954, Bác Hồ nêu rõ: “Giữ gìn trật tự an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to, việc nhỏ, đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân. Mọi công dân, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích của mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CATP Hà Nội dự Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Đại học Lao động - xã hội

Gần 70 năm qua, tính tư tưởng của bài viết “Giữ gìn trật tự, an ninh” ngày càng thể hiện sự trường tồn, là “kim chỉ nam” đối với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ngành, trong bài học “phát huy sức dân”, “lấy dân làm gốc”…

Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao với danh xưng là Thủ đô văn hiến, Thủ đô vì hòa bình. Thành quả ấy có được nhờ tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững, ổn định, nhờ sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao, xuyên suốt từ Trung ương, nhờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến, hy sinh của mỗi người dân Thủ đô, trong đó có đóng góp quan trọng của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố Hà Nội (BCĐ 138) mà CATP là Cơ quan Thường trực.

Từ tháng 6-2005 đến nay, ngày 19-8 hàng năm được lấy là “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhiều năm qua, quán triệt và bám sát sự chỉ đạo của BCĐ 138/CP, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP Hà Nội về công tác bảo đảm an ninh trật tự, BCĐ 138 thành phố đã triển khai toàn diện các nội dung, giải pháp, biện pháp nhằm đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.

“Giữ gìn trật tự an ninh trước hết là việc của công an, bộ đội, cảnh sát. Nhưng chính quyền ta là chính quyền dân chủ, bất kỳ việc to, việc nhỏ, đều phải dựa vào lực lượng của nhân dân để phụng sự lợi ích của nhân dân. Việc giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân. Mọi công dân, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, bất kỳ làm việc gì, đều có nhiệm vụ giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh vì trật tự an ninh trực tiếp quan hệ đến lợi ích của mọi người. Mấy mươi vạn con mắt soi sáng, mấy mươi vạn lỗ tai nghe ngóng thì bọn gian phi, côn đồ sẽ lòi mặt ra và sẽ phải cải tà quy chính dưới lực lượng to lớn của quần chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Báo Nhân dân số 236, ra ngày 9 và 10-10-1954)

Tính riêng từ năm 2020 đến nay, BCĐ 138 thành phố đã tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 5-9-2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 03/CT-BCA-V28 ngày 3-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”…

Qua đó, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, BCĐ 138 các cấp về ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại của Thủ đô Hà Nội.

Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông

Phát huy vai trò của các ngành và lực lượng nòng cốt

Theo chức năng, nhiệm vụ, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh với nhiều hình thức, đa dạng nội dung về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và chấp hành pháp luật. Đơn cử như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội thường xuyên hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn tiêu chí thực hiện công tác giữ gìn an ninh trật tự với danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố, khu dân cư văn hóa”; thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động, lồng ghép các nội dung phòng chống tội phạm với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Với vai trò là Cơ quan Thường trực BCĐ 138, từ năm 2020 đến nay, CATP Hà Nội phối hợp với các cấp Hội Cựu Chiến binh tổ chức hàng trăm buổi giáo dục pháp luật cho hơn 32.000 lượt người tham dự; tổ chức tọa đàm, trao đổi rút kinh nghiệm đấu tranh phòng chống ma túy, mại dâm, vận động đi cai nghiện, quản lý sau cai gần 600 buổi cho hơn 6.700 lượt hội viên. CATP Hà Nội cũng đã phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm. Các tin, bài viết đều đảm bảo phản ánh kịp thời các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật được 3 ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện rất hiệu quả thông qua công tác giải quyết án hình sự trọng điểm, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến.

Sự bền bỉ và bài bản trong công tác tuyên truyền đã thu được kết quả tích cực. Từ năm 2020 đến tháng 6-2023, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an gần 99.000 tin liên quan đến an ninh trật tự, qua đó đã giúp lực lượng công an điều tra khám phá hàng nghìn vụ án.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội trao khen thưởng các cá nhân của phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm lập thành tích trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc

Hiệu quả các mô hình, chuyên đề hội tụ sức dân

Nhiều năm qua, ở nhiều địa phương trên toàn thành phố ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã và đang trở thành hoạt động sôi nổi, thiết thực, mang tính cộng đồng, gắn kết cao, hướng đến mục tiêu chung là giữ vững an ninh trật tự địa bàn, với nòng cốt là trách nhiệm và sức mạnh của nhân dân. Điểm nhấn trong ngày hội chính là công tác phối hợp giữa lực lượng công an với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong việc vận động toàn dân tham gia công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và triển khai thực hiện ngày hội. Từ ngày hội, những điển hình, mô hình, kế hoạch, chuyên đề… được tỏa sáng và nhân rộng.

Theo Thường trực BCĐ 138 thành phố, hiện CATP Hà Nội có 114 mô hình “Dân vận khéo”. Nổi bật là mô hình “Sổ tay phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật” của CAQ Hà Đông. Mô hình này đang hoạt động hiệu quả, được Bộ Công an khen thưởng và biểu dương các điển hình “Dân vận khéo” của lực lượng Công an nhân dân. Hay mô hình phối hợp với các trường Tiểu học và Trung học cơ sở xây dựng bài giảng, tập huấn kỹ năng cho học sinh về “Kiến thức phòng, chống, ứng phó khi bị bắt cóc xâm hại” của Trung đoàn Cảnh sát cơ động vừa được UBND TP Hà Nội khen thưởng.

Chưa hết, trên địa bàn thành phố hiện đang duy trì gần 600 mô hình, chuyên đề trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều mô hình, chuyên đề được cấp trên đánh giá cao và có thông báo kinh nghiệm trên toàn quốc, điển hình như: Mô hình “Vì môi trường mạng xã hội bình yên” trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm; mô hình “Cổng trường an toàn - văn minh” trên địa bàn quận Cầu Giấy; chuyên đề “Vận động toàn dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại các khu chung cư” của CAQ Hà Đông; mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ” của CAQ Hoàn Kiếm; mô hình “Cụm liên kết phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong công tác PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp” trên địa bàn quận Hoàng Mai; chuyên đề “Vận động nhân dân tham gia phòng chống trộm cắp xe máy, tài sản, móc khóa an toàn” của phường Trung Liệt, quận Đống Đa; mô hình “Tổ nhân dân tự phòng, tự quản về an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn huyện Quốc Oai; mô hình “Phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động các lực lượng, tổ chức xã hội tham gia phối hợp ủng hộ lực lượng công an đấu tranh phòng chống hành vi tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự” tại địa bàn phường Điện Biên và các phường tại khu vực A1 quận Ba Đình…

Điểm chung của các mô hình, chuyên đề, kế hoạch này là vừa có sức lan tỏa, vừa vận động được quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ngay tại cơ sở…

Khuyến khích những nhân tố tích cực

Trong những năm qua, Cơ quan Thường trực BCĐ 138 thành phố đã tham mưu tổ chức thành công “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, qua đó đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân về ý nghĩa của ngày hội do nhân dân làm chủ, hướng về cơ sở, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào thi đua ái quốc ở cơ sở, cụm dân cư góp phần cùng cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng công an và lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.

Từ năm 2022, “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai tập trung và tổ chức một cách sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực. Cơ quan Thường trực BCĐ 138 thành phố đã phối hợp tổ chức “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” 2 điểm tại thành phố; 34 điểm tại 30 quận, huyện, thị xã; 801 điểm tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó có 4 điểm tổ chức ngày hội tại cơ sở được lãnh đạo Trung ương về dự, tặng quà cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, góp phần động viên phong trào ở cơ sở; 199 điểm có lãnh đạo thành phố, quận, huyện, thị xã dự; 801 điểm có lãnh đạo cấp xã, phường thị trấn dự. Các hoạt động “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2022 được các địa phương tổ chức với nhiều hoạt động phần lễ, phần hội phong phú, đa dạng. Kết quả đã tổ chức thăm hỏi, tặng gần 8.700 phần quà với tổng trị giá hơn 3,8 tỷ đồng cho các cá nhân, gia đình chính sách, gương điển hình tiên tiến, các mô hình hoạt động hiệu quả, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi đúng với ý nghĩa “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thực sự là ngày hội của nhân dân.

Năm nay, Cơ quan Thường trực BCĐ 138 thành phố đã ban hành hướng dẫn, trong đó đã lựa chọn 65 điểm tổ chức “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (có 3 điểm cấp thành phố, 4 điểm khối cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cấp thành phố quản lý và 58 điểm quận, huyện, thị xã). Thường trực Thành ủy ban hành công văn về việc tăng cường chỉ đạo tổ chức “Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và thông báo về việc phân công các đồng chí lãnh đạo thành phố dự. Từ ngày hội, công tác xây dựng và duy trì các mô hình, chuyên đề xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn Hà Nội đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về mọi mặt. Công tác thi đua khen thưởng và nhân điển hình tiên tiến những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự được duy trì thường xuyên, kịp thời, chính xác có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua chung. Nhiều tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc được biểu dương khen thưởng đã phát huy được vai trò tích cực trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Những sự quan tâm, chỉ đạo, những cách nghĩ, cách làm cụ thể… ngày càng hội tụ được tinh thần trách nhiệm của người dân trên mặt trận giữ gìn an ninh, trật tự địa bàn Thủ đô, rất đúng với tư tưởng gần 70 năm trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giữ gìn trật tự an ninh càng phải dựa vào sáng kiến và lực lượng của nhân dân”.Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an trong đảm bảo an ninh trật tự địa bàn

Tiến sĩ Hà Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an trong đảm bảo an ninh trật tự địa bàn

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tặng hoa Ban Giám hiệu trường Đại học Lao động - Xã hội tại Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Ban Giám hiệu trường luôn nhất quán với quan điểm phải thể hiện trách nhiệm phát triển cộng đồng và bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương thông qua các hoạt động đồng hành cùng công an quận, công an phường, phối hợp đảm bảo an ninh trật tự. Với sứ mệnh “trồng người”, tập thể Ban Giám hiệu Đại học Lao động - xã hội xác định giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc và tôn trọng những giá trị lịch sử luôn phải song hành cùng nhiệm vụ đào tạo chuyên môn. Một công dân toàn cầu trước hết phải là một công dân Việt Nam yêu nước, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, bằng những hoạt động thiết thực phù hợp với lứa tuổi và chuyên ngành đào tạo. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhà trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền và CAP Trung Hòa, CAQ Cầu Giấy trong việc hỗ trợ triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Thông qua các hoạt động đó, các em sinh viên được rèn luyện sức khỏe với tiêu chí “khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các em sẽ phần nào hiểu thêm những vất vả của lực lượng công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác trước các loại tội phạm, tích cực đấu tranh tố giác tội phạm và tránh xa các loại tội phạm, tệ nạn xã hội...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín: Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 09/Ctr-BCA-MTTW ngày 1-8-2013 giữa Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên về đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới đã được Mặt trận Tổ quốc xã thực hiện có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc xã xác định, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã phối hợp chặt chẽ với công an xã, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên của mặt trận tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả đến từng thôn, khu dân cư bằng việc lồng ghép vào các hội nghị ở thôn, khu dân cư. Chúng tôi cũng luôn đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm trong các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức chính trị, pháp luật, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức và khả năng tự phòng, tự quản về an ninh trật tự của mỗi người dân.

Xác định công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thời gian qua công tác quán triệt, tuyên truyền được triển khai thực hiện với nhiều biện pháp, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp, hiệu quả. Trong đó phải kể đến việc phối hợp với công an xã tuyên truyền và vận động nhân dân, tham gia thực hiện chương trình phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, các loại tội phạm xâm hại, buôn bán phụ nữ trẻ em, phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên, vận động đối tượng phạm tội ra tự thú, tham gia giữ gìn và chấp hành tốt trật tự an toàn giao thông, nâng cao vật chất đời sống văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân…

Từ đầu năm 2023 đến nay, Mặt trận Tổ quốc xã đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền được 4 buổi với 576 lượt người tham dự. Qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác mặt trận và toàn thể nhân dân trên địa bàn, nâng cao tinh thần cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, bịt những sơ hở, thiếu sót mà tội phạm có thể lợi dụng để hoạt động. Ý thức tự giác trong tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản được nâng lên. Nhân dân đã tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, góp phần kéo giảm tội phạm, ổn định về anh ninh trật tự trên địa bàn xã…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngay-hoi-toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-lan-toa-tinh-than-thi-dua-ai-quoc-post548658.antd