Ngày khai giảng cận kề, dự án trường lớp cấp bách vẫn bất động

Phát biểu tại cuộc họp về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đầu năm học vào trung tuần tháng 8 tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, một đại biểu tới từ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ bức xúc: 'Trường Tiểu học An Thới Đông chúng tôi đã xuống cấp lắm rồi, địa phương đã nhiều lần đề nghị sửa chữa nhưng cho tới nay, thầy cô giáo và 400 học sinh luôn trong tình trạng lo lắng khi ngồi dưới mái trường này, nhất là vào mùa mưa bão'.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 27-8, ông Dương Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cần Giờ thừa nhận nỗi lo trên là có thực. Theo ông Thư, do địa bàn ráp gianh với biển, thường xuyên có gió lốc, điều kiện địa chất-thủy văn có yếu tố làm ảnh hưởng xấu tới công trình xây dựng cũng như các trang thiết bị. Điển hình là công trình rất nhanh bị xuống cấp nếu không thực hiện bảo trì, sửa chữa thường xuyên; trong khi nguồn kinh phí ngành Giáo dục phải ưu tiên là đáp ứng nguồn lương giáo viên nên rất khó khăn.

Cần Giờ chúng tôi còn khá “tủi thân” vì điều kiện kinh tế, xã hội của huyện chưa phát triển như các quận/huyện khác của TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã có tới 7 lần trình văn bản đề xuất nội dung sửa chữa Trường Tiểu học An Thới Đông cho chính quyền thành phố xem xét, giải quyết, tạo chỗ học cho trẻ nhưng công văn thì cứ gửi đi, còn tin mừng thì mãi chưa nhận được.

Riêng năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Cần Giờ có tới 11 hạng mục xây dựng cấp bách, thì vì nhiều lý do mà bị “nghẽn” hết, không tiến hành được. Trường Tiểu học An Thới Đông hiện nay do không đảm bảo yếu tố chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất làm ảnh hưởng việc được công nhận xã Nông thôn mới”, ông Thư kể thêm.

Do dân số tăng cơ học, ghi nhận năm học 2018-2019 tại Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, có lớp, sĩ số HS lên 60 em/lớp.

Để đảm bảo tiến độ khai giảng năm học mới 2019-2020 cho Trường Tiểu học An Thới Đông, giải pháp trước mắt mà Cần Giờ thực hiện là dùng nguồn kinh phí tạm để sửa sang. Sáng 27-8, UBND huyện cũng có cuộc họp nhanh với ngành Giáo dục liên quan đến đề xuất với UBND thành phố về chủ trương sửa chữa, cải tạo lớn cho trường này (khoảng trên 44 tỷ đồng) nhằm đạt chuẩn Quốc gia về cơ sở vật chất.

Trong khi chờ được cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, chúng tôi tạm dùng nguồn kinh phí dự phòng cho sửa chữa những hạng mục nhỏ, lẻ trong trường như: chống thấm dột, cải tạo lại hệ thống nhà vệ sinh, làm lại la phông cho những khu vực trong phòng học hay khuôn viên nhà trường, trám kín những khu vực tường rào bị xuống cấp để đảm bảo 400 học sinh phải được nơi học an toàn. Khoảng hơn 500 triệu cho dự toán cấp bách này”, một lãnh đạo cho biết.

Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình khu vực huyện Cần Giờ, Dự án nâng cấp Trường Tiểu học An Thới Đông nằm trong danh sách các hạng mục cấp bách của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa có nhà tập đa năng, khối phục vụ bán trú; sân chơi đạt chuẩn, diện tích các phòng học, các phòng chức năng phục vụ học tập không đạt chuẩn do đã quá cũ... Ngoài việc phải duy tu, sửa chữa, nâng cấp thì cần bổ sung trang thiết bị dạy học đảm bảo cơ sở vật chất nhà trường đạt chuẩn Quốc gia và đảm bảo tính an toàn, ổn định lâu dài.

Được biết, trước đó, ngay sau khi nhận được danh sách 11 hạng mục cơ sở vật chất cấp bách cần sửa sang xây dựng ngay dịp hè 2019 cho học sinh huyện Cần Giờ được trình UBND thành phố vào cuối tháng 6-2019, trong đó có Tiểu học An Thới Đông, Văn phòng UBND thành phố đã có công văn “khẩn” truyền đạt ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xem xét đề nghị của UBND huyện Cần Giờ, báo cáo đề xuất UBND thành phố trước ngày 30-7-2019. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cho tới nay dự án này còn “án binh bất động”.

Tại quận 12, câu chuyện khiến cho người dân luôn bức xúc vẫn là trường mầm non cho trẻ. Một trong những địa bàn nằm trong danh sách “nóng” về trường lớp còn dở dang, nhiều nơi chưa thể hoàn tất vì nhiều lý do.

Ngày 28-8, PV Báo CAND khảo sát và nhận thấy tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12 đang trong tình trạng “trắng” trường mầm non bán trú. Phụ huynh đành gửi con buổi sáng, chiều không gửi người nhà được thì phải nghỉ làm ở nhà trông con, có trường hợp phải gửi cơ sở bán trú bên ngoài.

Anh Trần Trung T., ở phường Thạnh Lộc có con học lớp 2 Trường Tiểu học Thạnh Lộc cho biết, hai vợ chồng anh đi làm nhưng trường học của con trai không có bán trú, con học buổi chiều nên hơn 1 tuần qua, anh phải ở nhà trông con. Vì gửi ở trường tư thục thì đi làm không an tâm do đã từng xảy ra nhiều việc không hay về trẻ gửi tại nhóm lớp tư thục thời gian qua.

Gò Vấp cũng là địa phương gặp khó khăn nhiều năm về chuyện trường lớp. Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT quận này cho hay, toàn quận năm học mới này có hơn 100.000 học sinh, nhiều hơn 3.000 học sinh so với năm học trước. Số lượng học sinh tăng kéo theo nhiều hệ lụy cho công tác giảng dạy, cũng như việc đưa đón của phụ huynh. Lý do chính của việc tăng này là các em theo cha mẹ từ các nơi khác về đây sinh sống làm ăn.

Sĩ số của các lớp ở một số trường tiểu học trên địa bàn quận năm học này tăng lên đột ngột, nhu cầu học bán trú thì bị giảm. Sĩ số trên 40-45 học sinh/lớp khá đều tại các lớp học tiểu học, THCS nhưng cá biệt năm nay học sinh tăng thêm 3.000 em dẫn tới nhiều lớp có sĩ số trên 50 em/lớp”, ông Thủy nói.

Trong khi đó, năm học mới này, quận Gò Vấp không xây thêm trường mới nào. Có 3 dự án (gồm 2 trường tiểu học thuộc phường 12 và 1 trường THCS thuộc phường 9) mà Phòng GD-ĐT cùng và các ban, ngành như UBMTTQ của quận, đi khảo sát, cử tổ chuyên môn tới nói chuyện với các hộ dân nhằm mục đích tìm mặt bằng. Tuy nhiên, cả 3 dự án đều bị ngưng lại do chưa đạt được thỏa thuận bồi thường với người dân.

Các đề án trên được trình, phê duyệt từ 2015 nhưng tới nay vẫn chưa đâu vào đâu. Nếu các dự án xây trường đưa ra mà thực hiện được thì học sinh đi học được gần hơn, cha mẹ cũng bớt lo lắng hơn. Do đó, để lo chỗ học cho các em, các trường lân cận tiếp nhận số học sinh tại các dự án chưa xây xong nhưng để đảm bảo chất lượng học tập thì phải tận dụng hết điều kiện cơ sở vật chất, lớp học, trang thiết bị, đồ dùng học tập để các em được học tập trong điều kiện thoải mái nhất.

Lo phòng học được sử dụng tối đa công suất nhưng cũng không thể kiên cố hóa hết trường học, tránh việc để học sinh bị nhốt trong phòng cả ngày, thiếu môi trường thân thiện cho các em thì trách nhiệm của những người làm nghề giáo trong việc dạy chữ, dạy người là cũng chưa thể an tâm”, ông Thủy trăn trở.

Năm học 2019 – 2020, TP Hồ Chí Minh tăng trên 75.000 học sinh. Tăng nhiều ở cấp tiểu học và THCS. Thành phố dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ ngày 5-9 tới là 1.476 phòng học mới (trong đó, số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng) với tổng mức đầu tư trên 4.965 tỷ đồng. Trong năm 2018-2019, toàn thành phố có 60 dự án được thực hiện đưa vào sử dụng 977 phòng học (tăng thêm 691 phòng học mới) với tổng kinh phí gần 2.730 tỷ đồng (mầm non 297 phòng; tiểu học 393 phòng; THCS 166 phòng; THPT 102 phòng).

Sở GD-ĐT cũng đã rà soát 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 với 771 dự án, quy mô 13.734 phòng học. Năm học 2019-2020, thành phốcó tổng số 81 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non công lập được phê duyệt (tương đương với 1.093 phòng học và tổng mức đầu tư là 3.272 tỷ đồng). Tuy nhiên, tiến độ thực hiện hiện mới chỉ 79/81 dự án đã khởi công.

Huyền Nga-Nhân Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/ngay-khai-giang-can-ke-du-an-truong-lop-cap-bach-van-bat-dong-559424/