Ngày khai giảng trường đào tạo cán bộ đầu tiên của nước Việt Nam mới

Ngay từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã cử nhiều thanh niên, học sinh ưu tú sang học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu, Trung Quốc) rồi Đại học Phương Đông Mat-xcơ-va...

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước - Hiếu với dân”cho Khóa 1.

Ngày 15/4/1945, Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định thànhlập Trường Quân chính kháng Nhật, cử ông Hoàng Văn Thái làm hiệu trưởng.
Sau ngày 2/9/1945, theo chỉ thị của Bác, Trường Quân chính kháng Nhật đổi tên thành Quân chính Việt Nam rồi Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam. Chỉ trong nửa năm (từ 15/4/1946) với 7 khóa huấn luyện, đã cung cấp 1.500 cán bộ trẻ cho lực lượng vũ trang và các địa phương.

Khai giảng Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn

Tháng 4/1946, theo chỉ thị của Người, nhà trường đổi tên thành Võ bị Trần Quốc Tuấn với nhiệm vụ “đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, đại đội trong thời gian 6 tháng”, giao cho nhà giáo Hoàng Đạo Thúy làm Giám đốc và Trần Tử Bình làm Phó giám đốc Chính trị ủy viên. Các ông Vương Thừa Vũ, Vũ Lập, Nguyễn Văn Sỹ… phụ trách huấn luyện, quản trị. Trường chuyển từ Cửa Bắc (Trường Sư phạm Đỗ Hữu Vỵ) về khu Việt Nam Học xá (nay là Đại học Bách khoa) rồi lên đóng quân tại “khách sạn Sa-lê” – tên gọi tòa nhà chính Trường Pháo binh Xanh-xia (của Pháp) ở Tông, thị xã Sơn Tây.

Để chuẩn bị cho ngày khai giảng, Bác giao cho Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Cục trưởng Quân huấn Phan Phác chuẩn bị một lá cờ thêu để tặng nhà trường. Bác dặn, người nhận cờ phải là một học viên từ Nam bộ mới ra. Khi mang lá cờ do phụ nữ Hà Nội thêu trình Bác, được khen: Phụ nữ Hà Nội rất khéo tay, đã thêu một lá cờ đẹp, đúng ý Bác.

Chủ nhật 26/5, Bác cùng Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh và một số đại biểu Quốc hội, đảng phái và báo giới đến trường từ sớm. Người đi thẳng vào doanh trại, thăm nơi ăn chốn ở. Đến nhà bếp, thấy cơm thừa, Người phê bình là lãng phí, nhất là khi dân ta vừa qua nạn đói khủng khiếp đầu 1945. Tiếp thu ý kiến Bác, ngay hôm sau, cơm thừa còn sạch được tận dụng ủ làm tương cho bộ đội ăn.

Khi Bác cùng khách tiến tới lễ đài, đội kèn của Quản Liên (Đinh Ngọc Liên)nổi hiệu kèn “chào tướng”. Sau lệnh chào cờ, trên nền nhạc “Tiến quân ca” hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Sau đó từ trên lễ đài, Hồ Chủ tịch tiến về phía hàng quân, theo sau là ông Phan Phác. Bác dừng trước “hộ kỳ đoàn” có 3 chiến sĩ đại diện cho 3 miền Bắc – Trung - Nam. Chiến sĩ Nam bộ Bùi Minh Trân, thay mặt 288 học viên khóa 1 tiến lên, giơ tay chào. Bác đãtrao lá cờ thêu những chữ vàng TẶNG TRƯỜNG VÕ BỊ TRẦN QUỐC TUẤN “TRUNG VỚI NƯỚC – HIẾU VỚI DÂN” – 1946. Phát biểu với cán bộ, học viên nhà trường, Người nói: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”. Đáp lời Người, Giám đốc Hoàng Đạo Thúy nói: “Thế kỷ XIII, Nguyên - Mông là một đế quốc lật đất, nghiêng trời, chiếm từ bể Đông đến giữa châu Âu. Họ bảo nước ta chỉ to bằng bàn tay ếch. Ba lần họ cất quân sang xâm lược nước ta, ba lần tướng Trần Quốc Tuấn đã dựa vào thế đất và lòng người đuổi quân giặc phải tháo chạy. Cụ Chủ tịch lấy tên Trần Quốc Tuấn đặt tên cho trường ta, ý Cụ mong cho chúng ta trở thành học trò của Trần Quốc Tuấn”.

Sau đó là cuộc duyệt binh. Đội ngũ của những học viên sĩ quan thật nghiêm chỉnh, đầu đội mũ calô, quần áo kaki, chân xỏ giày quấn xàcạp, vai vác súng trường diễu qua lễ đài.

Số phận của 2 bức ảnh lịch sử

...Hai năm đầu tiên của nước Việt Nam mới (1945-1946), Chính phủ Hồ Chí Minh với bao nhiêu việc phải lo, vậy mà Người vẫn giao cho Bộ Thông tin tuyển chọn các bức ảnh ngày đầu, làm thành những cuốn album để tặng khách quý.

Một viên đại úy Pháp được tặng. Khi về Pháp, ông lên đến thiếu tướng và tặng lại album cho nhiếp ảnh gia Philíp Đờ Vile (Philippe De Villers), từng sống ở Việt Nam, sau nghiên cứu lịch sử.

Chừng ấy năm với nhiều biến động, hầu như những cuốn album đó không còn ở Việt Nam. May thay, Giáo sư Phan Huy Lê được ông Philíp tặng lại album với gần 300 bức ảnh tư liệu, trong đó có 2 tấm ảnh ghi lại hình ảnh Ngày khai giảng Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Và cuối năm 2010, 2 bức ảnh này được trao tặng nhà trường. Là thế hệ con em Võ bị, chúng tôi đi tìm lại ai là ai trong bức ảnh lịch sử.

Ai là ai trong bức ảnh?

Ngày Nhà giáo 20/11/2009, chúng tôi lên Sơn Tây, tặng tượng đồng Phó giám đốc Chính trị ủy viên Trần Tử Bình cho nhà trường. Thật may, anh Tạ Quang Vinh (con cụ Tạ Quang Bửu, cháu ngoại thầy Hoàng Đạo Thúy) tặng cho bản sao nhật ký của cụ Thúy. Trong một trang ghi chép về trường, cụ viết: “Ngày 10-4-1946, có sắc lệnh cử làm Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Rồi lại một sắc lệnh nữa cử đồng chí Trần Tử Bình là “giáo sư chính trị”. Nhận được, hai người nhìn nhau lo lắng.

Trần Tử Bình là một chiến sĩ cộng sản kỳ cựu, đã cùng đồng chí Nguyễn An (Trương Văn Lĩnh) làm 4 khóa huấn luyện, từ một tuần đến một tháng, người ta gọi là khóa “Chính ủy” ở Trường Sư phạm Cửa Bắc (còn gọi là Trường Đỗ Hữu Vỵ) đến Khu Việt Nam Học xá, rồi sau khi đồng chí Nguyễn An mất thì dọn lên Sơn Tây (Khách sạn Sân bay). Tôi đã được cử chủ tọa lễ bế mạc khóa cuối. Nhiều học sinh các khóa này đi Nam”.

Rồi cụ viết cả về lễ trao cờ trong ngày khai giảng: Trước hàng quân là “Hộ kỳ đoàn” có 5 anh đã có thành tích chiến đấu. Đứng hai bên Hộ kỳ đoàn là Giám đốc và Phó giám đốc. Cụ trao cờ cho anh Trân. Lúc đi “duyệt”, tôi giữ lễ đi sau cụ 3 bước. Cụ giục: Đi cạnh tôi!...”.

Vậy là trong bức ảnh thứ nhất, đứng bên phải Hộ kỳ đoàn là Giám đốc Hoàng Đạo Thúy; bên trái là thầy Trần Tử Bình (nhưng bị lá cờ che khuất mặt). Còn người đang báo cáo Bác chính là Cục trưởng Phan Phác (sĩ quan tốt nghiệp Trường Pháo binh Xanhxia).

Bức ảnh thứ 2 chụp lễ duyệt binh. Trên kỳ đài, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh mặc comlê trắng, cạnh đó là Chủ tịch Quân ủy Hội Võ Nguyên Giáp (người cầm mũ đen). Hồ Chủ tịch đứng hơi lùi về phía sau, lấy mũ che nắng. Vị đứng ngoài cùng có phải là cụ Hoàng Đạo Thúy?

Trong quá trình tìm hiểu các nhân vật trong ảnh, tôi gặp được cụ Đỗ Mạnh Hạp, năm nay đã 94 tuổi, Trưởng Ban liên lạc Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn: “Người đi giữa cầm cờ là Bùi Minh Trân, còn người cao, đứng bên phải Bùi Minh Trân chính là tôi. Người đứng sau lưng tôi là ông Nguyễn Sung (dân Huế). Hai người còn lại vì đã hơn 70 năm mà không còn nhớ tên. Trong bức ảnh này, người cầm kiếm đi sau “hộ kỳ đoàn” là thầy Vương Thừa Vũ (sau này là trung tướng). Là Việt kiều sống ở Vân Nam, Trung Quốc, năm 1937, thầy nhập ngũ vào quân đội Tưởng Giới Thạch, sau đó vào học Trường Hoàng Phố và được gặp Nguyễn Ái Quốc, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn...

Ông nổi tiếng với các động tác điều lệnh rất chuẩn mực, được học viên Khóa 1 còn nhớ mãi...”.

Vậy là khớp với những gì trong nhật ký của thầy Hoàng Đạo Thúy.

Rồi cụ Đỗ Mạnh Hạp chỉ vào người chỉ huy đang giơ tay lên mũ chào, đi ngay sau thầy Vũ: “Đây là Đại đội trưởng C1 học viên Đặng Văn Việt. Vốn là sinh viên năm thứ 3 trường Y Hà Nội, tháng 8/1946, ông về Huế tham gia Thanh niên Tiền tuyến của 2 thầy Phan Anh và Tạ Quang Bửu. Ông Việt cùng ông Cao Pha nhận nhiệm vụ Xứ ủy Trung kỳ: treo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Ngọ Môn Huế. Hai ông đã dũng cảm thuyết phục đội lính khố đỏ bảo vệ kỳ đài, hạ cờ quẻ ly và treo cờ đỏ sao vàng rộng hàng chục mét vuông thượng đỉnh vào ngày 21/8/1945 (trước Tổng khởi nghĩa ở Huế 2 ngày). Đến khi khai giảng Khóa 1, cả 2 ông được gọi về trường làm cán bộ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông Cao Pha là Phó Ban 2 Quân báo; còn ông Việt là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn chủ lực 174 và quân Pháp phải nể trọng gọi ông là “Hùm xám Đường số 4”…”.

Lễ duyệt binh trong ngày khai giảng 26/5/1946.

Những ngày học tập gian nan

Với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi để chiến trường không đổ máu”, học viên Khóa 1 đã hăng say, miệt mài học rèn. Các thầy Võ Nguyên Giáp, Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Hoàng Đạo Thúy, Trần Tử Bình, Bùi Công Trừng, Vũ Lập, Vương Thừa Vũ… lên lớp. Khóa học kết thúc sau 6 tháng. Tháng 10/1946, vừa từ Pháp trở về, Bác đã lên thăm: “Sau khi ở Pháp về, nhớ những đồng chí trẻ của mình ở đây, đồng chí già liền lên thăm ngay và dặn anh em mấy điểm: Một là phải kỷ luật. Hai là phải quần chúng hóa. Ba là phải thực tế. Bốn là phải ham học, ham làm.Năm là phải quyết tâm, chịu khó. Sáu là không lúc nào tự cho mình là đủ, không kiêu, không nịnh. Bảy là phải đoàn kết, thân ái tự phê bình, phê bình và khuyến khích lẫn nhau”. Bác còn tặng 16 chiếc huy hiệu do bà con Việt kiều ở Pháp tặng, để trao cho 15 học viên đỗ xuất sắc và học viên đỗ cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp.

Lễ tốt nghiệp vào ngày 8/12/1946. Số học viên tốt nghiệp được điều về các đơn vị, chuẩn bị cho Toàn quốc kháng chiến. Nhiều học viên được phân vào đội quân Nam tiến.

Tô thắm thêm những chữ vàng

Đã 73 năm trôi qua, các cựu giáo viên, học viên khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT (nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo, thiếu tướng Kim Tuấn – Tư lệnh Quân đoàn 3, đại đội trưởng trinh sát Nguyễn Ngọc Bảo…), nhiều đồng chí được phong hàm cấp tướng.

Đầu xuân này được cụ Đỗ Mạnh Hạp báo tin vui: “Sau 25 năm kiên trì đề nghị, ngày 29/1/2019, nơi Bác Hồ lên dự lễ khai giảng và tặng thầy trò Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn lá cờ “Trung với nước - Hiếu với dân” - nay là bến xe thị xã Sơn Tây, đã được Nhà nước xác nhận là Di tích lịch sử Quốc gia”.

Ngày 26/5/2019

Trần Kiến Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ngay-khai-giang-truong-dao-tao-can-bo-dau-tien-cua-nuoc-viet-nam-moi-tintuc441090