Ngày khai trường là ngày của các em

Ngày mai (5/9) cả nước bước vào năm học mới với Lễ khai giảng sẽ diễn ra ở khắp các nơi trên đất nước chúng ta. Buổi lễ khai giảng là niềm vui chung của rất nhiều người, tạo niềm hào hứng, phấn khởi bước vào năm học mới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, khai giảng mang nặng tính hình thức và phô trương với nội dung nặng nề, diễn đàn cho người lớn răn dạy các em. Tình trạng bắt trẻ phơi nắng ngồi nghe giáo huấn đã giảm thiểu đi rất nhiều khi dư luận xã hội không đồng tình, lãnh đạo nhà nước nhắc nhở, thế nhưng, tình trạng đó vẫn tiếp diễn khiến cho mới đây, TP HCM yêu cầu các trường không đọc báo cáo thành tích trong Lễ khai giảng.

Ngày tựu trường không còn ý nghĩa nhiều lắm khi học sinh đã tập trung đi học từ trước đó rất lâu. Học trước - khai giảng sau, thi trước - học sau, nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm trong giáo dục “không giống ai” của chúng ta.

Năm học mới có thêm niềm vui là lớp cuối cấp Mẫu giáo và THCS được miễn học phí bên cạnh nỗi buồn và lo nhiều hơn buồn là những khoản đóng góp đầy sáng tạo do nhà trường tự nghĩ ra.

Giáo viên cũng đầy nỗi lo về sổ sách đầu năm quá nhiều. Ngành Giáo dục đã bỏ được cái quy định phải có sáng kiến – rất hình thức, tốn thời gian, đầy sự gian dối và sao chép thì cũng nên bỏ một số các loại sổ sách vô bổ đi để giáo viên tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy – việc chính của họ là dạy!

Lễ khai giảng, chúng ta gọi quen như thế nhưng cách đây 73 năm Hồ Chủ tịch gọi là “ngày khai trường”, thật giản dị và chính xác, khai giảng chỉ là dành cho một phía, tức là người dạy mà thôi. Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã trở nên bất hủ đó, lời lẽ thật dung dị mà truyền cảm, lay động lòng người, khích lệ sự học biết bao nhiêu: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Thiết nghĩ, chỉ cần những lời này vang lên trong Lễ khai giảng thôi thì ý nghĩa của sự động viên gấp nhiều lần những diễn văn lê thê và những lời động viên sáo rỗng.

Một lãnh tụ vĩ đại mà nhắn nhủ các em (Bác gọi là “các em”, không gọi bằng “cháu”) trong lời kết bức thư một cách dung dị và khiêm nhường: “Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và kết quả tốt đẹp”. Vâng, “tôi chỉ biết”, thật rưng rưng xúc động biết bao!

Học tập tư tưởng và tác phong đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ cái nhỏ nhất, đi vào lòng người nhất, mang lại sự truyền cảm lớn lao nhất, tại sao không học?.

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/ngay-khai-truong-la-ngay-cua-cac-em-410551.html