Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX: Ngập úng, thiếu nước, kẹt xe làm 'nóng' kỳ họp

Phát triển đô thị bền vững không thể có tình trạng nắng thiếu nước, mưa ngập úng, đám cưới hội nghị thì kẹt xe, rác thải nhiều không có chỗ đổ... Đây là vấn đề TP đang phải đối mặt, phải có trách nhiệm xử lý. Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung phát biểu kết luận phần thảo luận của các đại biểu ngày 18-12.

Phát triển đô thị bền vững không thể có tình trạng nắng thiếu nước, mưa ngập úng, đám cưới hội nghị thì kẹt xe, rác thải nhiều không có chỗ đổ... Đây là vấn đề TP đang phải đối mặt, phải có trách nhiệm xử lý. Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung phát biểu kết luận phần thảo luận của các đại biểu ngày 18-12.

Đại biểu Tô Văn Hùng phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Tô Văn Hùng phát biểu tại phiên thảo luận.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 24 đại biểu HĐND TP Đà Nẵng

Bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh đại biểu HĐND TP.

Chiều 18-12, trong chương trình ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, Ban kiểm phiếu đã thông báo kết quả lấy phiếu tín nhiệm 24 chức danh do HĐND thành phố bầu theo hình thức bỏ phiếu kín với ba mức độ “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”. Kết quả, người có phiếu tín nhiệm cao nhất là bà Ngô Thị Kim Yến- Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng với 31 phiếu tín nhiệm cao, 12 phiếu tín nhiệm, 3 phiếu tín nhiệm thấp. Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là ông Vũ Quang Hùng -Giám đốc Sở Xây dựng với 8 phiếu tín nhiệm thấp, 21 phiếu tín nhiệm cao, 17 phiếu tín nhiệm.

Đối với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ có 29 phiếu tín nhiệm cao, chiếm 60,4%; 15 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu tín nhiệm thấp; ông Hồ Kỳ Minh: 21 phiếu tín nhiệm cao, ông Trần Văn Miên 21 phiếu tín nhiệm cao và ông Nguyễn Ngọc Tuấn 18 phiếu tín nhiệm cao.

Q.H

Báo động nợ BHXH

Đây là vấn đề khá nóng hiện nay được ĐB Lương Nguyễn Minh Triết đề cập tại phiên thảo luận. Ông Triết dẫn chứng từ vụ Cty TBO Vina 100% vốn Hàn Quốc ở KCN Hòa Khánh nợ tiền bảo hiểm của người lao động hơn 12 tỷ đồng, từ tháng 8 đến nay chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước đẩy gần 500 công nhân vào hoàn cảnh khó khăn, không việc làm, không được giải quyết bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Thống kê đến nay, Đà Nẵng có 1.432 DN nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 180 tỷ đồng, tiềm ẩn nguy cơ làm thiệt hại quyền lợi của hàng chục ngàn lao động. Trước thực trạng đó, ĐB Triết đề nghị cần triển khai giải pháp mạnh siết lại tình trạng nợ bảo hiểm, đặc biệt với các đối tượng chây ì, phá sản.

Cụ thể, với DN nợ 3 tháng phải báo Công an để cấm xuất cảnh, nợ trên 6 tháng trở lên số tiền quá lớn cần nhanh chóng chuyển hồ sơ qua Công an điều tra, khẩn trương vào cuộc xác minh xử lý. Đặc biệt, khi thu hút đầu tư và cấp phép đầu tư cần qui định DN ký quỹ dự phòng để khi DN phá sản, bỏ trốn thì sử dụng quỹ này xử lý chế độ bảo hiểm, tiền lương cho công nhân, đồng thời sớm xử lý tài sản khi DN không có mặt để khắc phục hậu quả. Về điểm này, ĐB Triết nói hiện nay qui định pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo, rất mất thời gian để xử lý, ảnh hưởng rất lớn đến chế độ chính sách của người lao động. Thực tế từ câu chuyện TPO Vina vừa qua TP rất quyết liệt nhưng đến nay 5 tháng từ khi vụ việc xảy ra thì lương của công nhân, chế độ bảo hiểm, vẫn chưa được giải quyết.

ĐB Triết cũng đề nghị cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa BHXH TP với các ngành Công an, LĐ-TB&XH, BQL KCN… để theo dõi nắm tình hình, có giải pháp kịp thời, tránh tình trạng chủ sở hữu phá sản, bỏ về nước, chối bỏ trách nhiệm với người lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện giao dịch điện tử với BHXH nhằm kịp thời phát hiện tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm.

Chia sẻ thêm về thực trạng này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Phan Thị Thúy Linh cho biết, Sở đã tăng cường phối hợp với các cơ quan như Công an, BHXH để kiểm tra tình trạng nợ lương công nhân của các DN. Ngoài ra, Sở cũng đã kết nối thông tin với các bên, đặc biệt là Công an, khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc nợ bảo hiểm sẽ nhanh chóng điều tra, xác minh. Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung cho biết tình trạng nợ BHXH của đối tượng là người nghèo khó, nếu xử lý không tốt sẽ xảy ra điểm nóng. Ông Trung đề nghị cần rà soát, có giải pháp quyết liệt trong vấn đề nợ BHXH, kiên quyết xử lý các DN vi phạm. “Anh sử dụng lao động mà không chịu trách nhiệm trước người lao động, khi có vấn đề để lại cho TP gánh hậu quả, tạo ra điểm nóng”- ông Trung nói.

Y tế phải tự chủ

Để có nguồn lực đầu tư, phát triển mạnh y tế thì giải pháp tự chủ có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, việc giảm tải cho các bệnh viện ở Đà Nẵng cũng là vấn đề cấp thiết với TP hiện nay. ĐB Ngô Thị Kim Yến cho biết, 40% cơ sở y tế Đà Nẵng phục vụ tỉnh ngoài, các khu hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh nặng chiếm 50%. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, trong thời gian qua việc giảm tải cho các bệnh viện bước đầu đạt kết quả tốt. Cụ thể, TP đầu tư phát triển hệ thống y tế tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh, đặc biệt y tế tư nhân với hơn 800 phòng khám đa khoa đã góp phần giảm tải tốt. Tuy nhiên, do không chỉ phục vụ bệnh nhân của TP mà cả khu vực miền Trung vì thế bà Yến đề nghị TP cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực cho ngành y tế. Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung, thông tin thêm, trong 2 năm qua TP đầu tư gần 1.400 tỷ đồng cho y tế, tuy vậy hiện còn 8 công trình với số tiền hơn 800 tỷ đồng chưa đưa vào đầu tư được. Năm 2019, TP bố trí vốn đầu tư 437 tỷ đồng, đề nghị ngành y tế phải đẩy nhanh tiến độ thủ tục để đưa vào thi công, để giảm tải. Về vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế, ông Trung nói dù có tiến triển tốt song vẫn còn nhiều vướng mắc. “Chúng ta vẫn dựa vào ngân sách là chính, phải xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư cho y tế”- ông Trung nói.

Liên quan tới việc đầu tư cho mầm non từ ngân sách còn hạn chế, nhóm trẻ tư thục quá nhiều, không đảm bảo chất lượng, thậm chí dễ xảy ra bạo lực mà nhiều đại biểu phản ánh, Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND TP xem xét lại cơ chế đầu tư, nên tập trung đầu tư công mầm non, tiểu học rồi lên trên mới xã hội hóa thay vì đầu tư công trường cấp 2, 3 quá nhiều như hiện nay. Ngoài ra, ông Trung cũng yêu cầu chấm dứt tình trạng vừa học vừa xây trường, trẻ lớp 5 ngồi bàn ghế lớp 9 còn lớp 9 ngồi bàn ghế của lớp 5.

Đô thị bền vững hay chưa?

Nhiều ĐB đặt vấn đề về tính bền vững của đô thị Đà Nẵng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng thì thiếu nước, mưa lại ngập úng. ĐB Nguyễn Thành Tiến nói năm tới Đà Nẵng sẽ thiếu nước sinh hoạt, hệ thống cấp nước của TP quá tải, cần phải tính đầu tư nhà máy nước mới, hệ thống đường ống mới, nghiên cứu nguồn nước thô khác thay vì mỗi con đường độc đạo từ Cầu Đỏ.

ĐB Tô Văn Hùng cho biết, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết cực đoan của đô thị Đà Nẵng còn nhiều vấn đề cần bàn. Đơn cử trong 2 ngày mưa lớn vừa qua, trên địa bàn TP có hơn 50 khu vực dân cư bị ngập úng sâu, 10 công trình thu gom - thoát nước trong đô thị và cửa xả ven biển bị hư hỏng nặng, nhiều điểm sạt lở thiệt hại công trình cấp điện, nước... Bên cạnh đó, các bãi biển của TP tiếp nhận rất lớn các loại rác thải từ chai, lọ, cao su...Tổng lượng rác thu gom (từ ngày 10 đến 15-12) trung bình từ 1.100 đến 1.200 tấn/ngày, vượt mức bình thường từ 200 đến 300 tấn rác mỗi ngày.

ĐB Hùng nói thêm, rác và nước thải của Đà Nẵng hiện luôn quá tải so với khả năng xử lý của TP. Trong điều kiện bình thường đã khó, thời tiết cực đoan thì nước, rác tràn ra biển không tránh khỏi. Từ thực tế đó, ĐB Hùng đề nghị cần tính toán lại mức giá phí môi trường để có nguồn lực triển khai các giải pháp kỹ thuật như xử lý nước thải, rác thải rắn. Hiện mức giá thu thấp trong khi chi phí để xử lý rác thải, nước thải lớn hơn nhiều. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường sẽ không đáp ứng được.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung nói, việc mưa lớn, lâu như vừa qua không hệ thống cống nào thoát kịp. Tuy nhiên, Đà Nẵng đang ở trong vùng mưa lũ, đối diện với biến đổi khí hậu, phải dự kiến, dự báo, tính toán tới ngập khi dùng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới làm hệ thống thoát nước. Nhiều tuyến cống lớn được làm nhưng việc tính toán có chủ quan, thiếu đồng bộ. Chỗ đặt máy bơm thì không có nước, như Thuận Phước 4 cái máy bơm, nước không lên được đâu, trong khi nhiều chỗ ngập lại không có máy bơm. Một bất cập khác đã thành bài ca muôn thuở, là mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa thi công, gây ách tắc thoát nước, ngập úng. Ông Trung cũng đề nghị TP xem lại công tác nạo vét hệ thống cống, mỗi năm chi hơn 80 tỷ đồng, phải kiểm tra nạo vét có hết không? Cuối cùng là ý thức người dân phải được nâng lên. Người dân cứ thấy chỗ có con muỗi bay lên, thấy hôi một tí là ra bịt hố ga, nước không có chỗ thoát, mưa lớn chỉ có cách tràn vào nhà. Từ thực tiễn đó, ông Trung đề nghị UBND TP phải rà soát lại quy hoạch hệ thống nước thải, phân kỳ đầu tư cho có sự đồng bộ. Trước mắt cần bố trí vốn làm các điểm bức thiết để mùa mưa năm sau không tái diễn cảnh ngập lụt như vừa qua.

K.THANH - H.QUỲNH

Kiểm soát chặt tour “0 đồng”

Trả lời chất vấn của đại biểu Đoàn Xuân Hiếu, Lê Vinh Quang về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch đường sông... Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cho biết: Về hiệu quả đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2018 đạt 18,26%, khách quốc tế đạt 29,65%, vượt nhiều so với kế hoạch đề ra. Theo đề án, đến năm 2020, thành phố đón khoảng 8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2 triệu lượt, trong khi đó năm 2018 đã đón 7,6 triệu lượt du khách, quốc tế là 2,8 triệu lượt, về đích trước 2 năm. Về việc có nên tích hợp chung trong 1 đề án, Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cho rằng nên lồng ghép tất cả các nội dung cần triển khai từ nay đến năm 2020 nhằm huy động nguồn lực chung toàn thành phố.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch trả lời chất vấn.

Về phát triển du lịch đường sông theo chất vấn của đại biểu Lê Vinh Quang, Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh khẳng định có bước phát triển. Cụ thể là năm 2017 khách du lịch đường sông tăng 73% so với 2016, năm 2018 tăng 42% so với 2017, chủ yếu khách Hàn quốc, Trung quốc. Về đầu tư các điểm đến và dịch vụ, đến nay Sở Du lịch đã đốc thúc triển khai các bến tàu CT 15, K20, Túy Loan, Thái Lai theo kế hoạch của thành phố, đến nay đã thi công xong và bàn giao cho các địa phương: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang khai thác. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đầu tư để phát triển du lịch đường sông, sinh thái như các công trình: Bãi Cát Vàng, thi công thêm 1 cầu tạm, Thái Lai, sẽ đưa vào khai thác trong quý 2, 3-2019.

Trả lời chất vấn của đại biểu Cao Thị Huyền Trân về giải pháp để kiểm soát Tour du lịch “0 đồng” và các tình trạng kinh doanh lữ hành trái phép, du lịch chui, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc... ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Tháng 6-2018, Sở Du lịch có báo cáo chuyên đề về tour giá rẻ. Loại hình này khá phổ biến trên thế giới, nhiều nước như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều áp dụng và là sự phát triển tất yếu của cơ chế thị trường. Mặt tích cực của loại hình này là tăng lượng khách đến, góp phần phát triển các dịch vụ, tuy nhiên tour giá rẻ cũng gây ra những tác động tiêu cực như: phụ thuộc vào việc đưa khách đến các trung tâm mua sắm, một số hàng hóa bán không rõ nguồn gốc, không kiểm soát về chất lượng...

Để siết chặt hoạt động này, Sở Du lịch đã tham mưu UBND TP chỉ đạo liên ngành: CATP, ngân hàng, cục thuế, tài chính, thanh tra du lịch vào cuộc. Qua thanh tra 31 đơn vị lữ hành, đã tước quyền sử dụng giấy phép 2 đơn vị, phạt 10 đơn vị. CATP và thanh tra du lịch kiểm tra xử phạt 38 người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép, phạt 687,5 triệu đồng, trong đó 23 người Trung Quốc, 15 người Hàn Quốc. Thanh tra Sở Du lịch xử phạt 43 trường hợp hướng dẫn viên người Việt Nam vi phạm về hoạt động hướng dẫn du lịch.

Ông Vinh cũng cảnh báo về tình trạng phát sinh bằng cấp giả trong hồ sơ xin cấp thẻ hướng dẫn viên, Sở đã xử phạt 17 trường hợp, chuyển hồ sơ sang cơ quan CA để điều tra khởi tố. Ngân hàng Nhà nước kiểm tra 18 cơ sở, phạt 2 cơ sở với số tiền 472 triệu đồng về không chấp hành quản lý ngoại hối theo quy định và vi phạm chế độ tài chính kế toán. Cục Thuế tăng cường kiểm soát, phối hợp xử lý 29 doanh nghiệp lữ hành và cơ sở mua sắm có rủi ro cao về thuế, xử phạt 9,2 triệu đồng, chuyển cơ quan CA điều tra 2 trường hợp; Chi cục QLTT kiểm tra 36 điểm mua sắm, phạt 168 triệu đồng. Một giải pháp nữa là Sở vận động các xe vận chuyển du lịch lắp đặt camera để tăng cường giám sát và xây dựng bài thuyết minh chuẩn, dịch sang tiếng Trung, tiếng Hàn cung cấp cho các công ty lữ hành phát cho hướng dẫn viên, tránh việc thuyết minh sai về lịch sử, văn hóa.

Tăng cường làm việc với công ty lữ hành để yêu cầu các đối tác nước ngoài tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, không được có các hoạt động thanh toán gửi tiền trái phép ra nước ngoài. Sắp tới tiếp tục khảo sát điều tra doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên, đề nghị UBND TP đưa vào kê khai giá dịch vụ lữ hành, tăng cường kiểm soát, giám sát việc lên doanh thu, nộp thuế, các đơn vị cung ứng, các điểm mua sắm và công ty lữ hành. Tập trung chống thất thu thuế, kiểm soát thanh toán trong hoạt động kinh doanh. Quan điểm của Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh là phải hạn chế, chấn chỉnh hoạt động các tour giá rẻ, hướng đến phát triển du lịch một cách chất lượng, bền vững chứ không chỉ là tăng về số lượng khách.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_199821_ngay-lam-viec-thu-2-ky-hop-thu-9-hdnd-tp-da-nang-khoa-ix-ngap-ung-thieu-nuoc-ket-xe-lam-nong-ky-hop.aspx