Ngày làm việc thứ 20, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 21/6, Quốc hội đã dành thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật này. Sau kỳ họp, dự án luật đã được tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nhiều hoạt động đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân, tích cực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Ngày 9/6/2023, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đã có 186 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại 19 tổ; không khí thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm trong dự án luật cũng như những vấn đề các đại biểu quan tâm.

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp thu và chuẩn bị hồ sơ dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Quan tâm đến quy định liên quan đến việc bồi thường, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc bồi thường bằng đất, các mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở, nội dung này được mở rộng so với Luật Đất đai năm 2013.

Về lý thuyết thì nội dung này sẽ được người dân đón nhận và đồng tình ủng hộ, nhưng thực tế, đại biểu cho rằng, khi thực hiện sẽ rất khó khăn và vướng mắc hơn rất nhiều lần so với bồi thường bằng đất có cùng mục đích sử dụng hoặc bồi thường bằng tiền.

Bởi lẽ, còn phải thống nhất với người bị thu hồi về khối lượng, số lượng. Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động về mặt xã hội và để đảm bảo luật có tính khả thi.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95208//ngay-lam-viec-thu-20-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xv--quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-dat-dai-(sua-doi)