Ngày 'mở cửa' cõi âm

Theo thông lệ, cứ đến ngày 15/7 âm lịch hàng năm, cả nước ta và rộng hơn nữa là nhiều nước trong khu vực Châu Á tổ chức Lễ Vu Lan (còn gọi là lễ xá tội vong nhân). Ngày này được dân gian quan niệm là ngày 'cõi âm mở cửa'. Từ quan niệm và hiểu biết không đầy đủ đã làm nẩy sinh những tốn kém và nhiêu khê trên cõi dương gian.

Nguồn gốc tập tục

Để “đáp ứng” cho mê tín và lãng phí, trên thị trường nhiều loại tiền mã từ truyền thống đến hiện đại đã ra đời (Ảnh: Đơn Thương)

Hiện tại, có rất nhiều nguồn gốc lý giải cho ngày Lễ Vu Lan. Thế nhưng có một nguồn gốc chuẩn nhất được lý giải như sau: Vu Lan hay Vu Lan bồn có nguồn gốc từ chữ phạn Ullambana, dịch sang tiếng Hán ngữ là Giải đảo huyền, tức là gỡ khỏi nạn treo ngược – theo nghĩa tiếng Việt. Mà hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của Thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi.

Theo Phật thoại: Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong số ít đệ tử xuất chúng của Ðức Phật. Ngài có quyền pháp vô biên, nhưng không vì thế mà Ngài quên đi nghĩa vụ của một người con đối với cha mẹ. Một lần, dùng tuệ nhãn quan sát khắp “bốn phương tám hướng”, Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ mình (là bà Thanh Ðề) đang chịu cảnh tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết.

Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng Ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp chướng quá lớn nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hóa thành than đỏ.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, Ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ mình được siêu thoát. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, Ðức Phật đã chỉ cách để Ngài có thể cứu vớt được mẹ ra khỏi cảnh đọa đầy.

Ðức Phật nói: “Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất nhưng tội ác của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được. Ðến ngày rằm tháng bẩy, Chư Phật hoan hỉ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.

Theo lời Phật dạy, nhằm ngày rằm tháng Bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan (chậu đựng đồ lễ cúng dàng), thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ đó bà Thanh Ðề mới được siêu thoát. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát.

Noi gương hiếu đễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng Bảy các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ.

Mê tín và lãng phí!

Bên cạnh làng Cót, Làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) cũng nở rộ dịch vụ sản xuất đồ mã (Ảnh: Đơn Thương)

Những ngày này, nếu tìm lên Làng Hồ (Bắc Ninh), Làng Cót (Nay là phường Yên Hòa, Hà Nội) và “Siêu thị địa phủ” Hàng Mã chúng ta mới thấy tấp nập hơn bao giờ hết và mới hiểu mê tín còn tồn tại đến mức nào trong lòng dân chúng.

Vào những ngày này, nếu tổng kết nhanh sẽ thấy người ta dùng đến cả tỷ đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đổi lấy hàng trăm tỷ đồng tiền "ngân hàng địa phủ" cũng như đủ các thứ từ nhà cửa, đài điện, ti vi, xe cộ... bằng thứ giấy màu và hộp xốp phế thải được cắt dán. Bên cạnh sự báo động về một lãng phí nó còn đang cảnh báo về những mê tín hay sự “lạm phát” về mặt tín ngưỡng.

Làng Hồ xế chiều, trong vai một kẻ buôn giấy có 4 tấn hàng đang định bán, tôi đã được T., một tay xế tải của làng cho biết: Mỗi tuần anh ta chở 2 xe, mỗi xe 6 tấn giấy mà cứ hết bay. Tôi có 4 tấn chứ 40 tấn cái làng này cũng ngốn hết. Quan trọng là giá cả nó thế nào thôi.

Làng Hồ xưa nổi tiếng với nghề làm tranh, nay do cái sự mê tín bùng phát quá ngưỡng đã trở thành làng hàng mã. Làng có khoảng vài chục cơ sở làm đồ mã lớn nhỏ, với số lượng nguyên liệu cần tiêu tốn cho mỗi tháng là rất lớn.

Trò chuyện, T. cho biết thêm: Anh ta chỉ là một trong chục xế tải thường xuyên "tiếp liệu" cho làng. Những ngày lễ, bọn họ thường phải "cấp cứu" từ 1 đến 3 chuyến giấy một tuần thế mà không đủ, vẫn phải thường xuyên "tăng bo" thêm.

Tôi tiếp cận với một xưởng làm hàng mã của bà S. Nó rộng tới gần 100m2, cao ráo, 40 - 50 tấn giấy xếp tầng tầng, lớp lớp. Bà S. cho tôi biết, hiện nghề làm mã của làng cũng được “công nghiệp hóa” và chia ra nhiều công đoạn chứ không phải làm tất như xưa nữa.

Nhà sản xuất nan đan, nhà chế mô hình (bao gồm hình nhân, ti vi, tủ lạnh, xe hạng sang, biệt thự…; tất nhiên toàn bằng giấy, bìa) rồi chuyển tới các nhà trong làng để “lắp ráp” rồi đem ra thị trường. Để đáp ứng được nhu cầu mua, đốt và cung tiến cho Rằm tháng 7, làng đã vào việc chế tác từ cách đây độ vài tháng.

Đến phố Hàng Mã, khác với thương trường thời lạm phát thì việc bán hàng mã và tiền âm phủ ở đây nhộn nhịp không kém. Hỏi về “tình hình kinh doanh đồ mã” thì bà L. vui vẻ: Vì lạm phát, hàng hóa dương gian mua có kém đi thế nhưng “riêng cái khoản đồ mã” này không ảnh hưởng gì sất.

Càng lạm phát, người ta càng mê tín, càng có nhu cầu đốt vàng mã nhiều với mong mỏi để ông bà, cha mẹ cùng những người đã khuất “về ủng hộ” cho hết tao đoạn. Bà L. bảo, việc mua bán “thứ đồ này” ở đây nhộn nhịp từ đầu tháng cơ. Giờ người ta không chỉ mua, đốt cho ngày 15 nữa mà người ta mua đốt cho cả tháng.

Tháp tùng ông bạn đi "sắm đồ" cho các cụ, xe vừa đỗ, mấy bà chủ đã lao ra tiếp thị. Tìm vào một quầy hàng của một cô chủ hết sức phổng phao, cô nhao nhao: "Các anh vào đây! Toàn đồ đẹp, giá vừa phải".

Chưa để chúng tôi trấn tĩnh, vồ lấy cây gậy cô chỉ khắp xung quanh: Xe đạp 200 nghìn, tủ lạnh 300 nghìn, quần áo 100 nghìn, xe máy 500 nghìn, điện thoại di động 50 nghìn vv...

Sau khi mua một bộ quần áo, một máy điện thoại, thấy ông bạn ngó nghiêng, cô chủ chạy vào trong nhà lôi ra một chiếc máy bay boeing rồi lên giọng tiếp thị: Vừa có năm nay đấy! Mua lấy cho các cụ một cái để các cụ “tự lái”, “tự bay” đi thăm người quen, đỡ phải chầu trực đặt vé.

Thấy ông bạn tôi không đả động, cô lại chạy vào nhà lôi ra mấy hình nhân nữ giới rồi tiếp: Hay anh lấy cho các cụ mấy cô này. Về đốt để cho các cô ấy xuống “phục vụ” cụ nhà! Đỡ phải nuôi osin lại đỡ phải...

Hãy hiểu biết và có văn hóa

Đốt vàng mã đã bị lạm dụng (Ảnh TL)

Tổ chức Lễ Vu Lan thế nào cho đúng, cho có văn hóa? Theo quan điểm nhà Phật: Chữ Hiếu không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở thái độ của những người con, ở tấm lòng thành kính, ở cách sống và làm việc của họ trong xã hội, kể cả cách truyền tư tưởng hiếu đạo với thế hệ sau.

Ân đức của cha mẹ là trời bể, người con có làm gì đi nữa, lòng của người con đối với cha mẹ không thể sánh được lòng của cha mẹ đối với con cái. Mọi người hiểu rõ nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan, phải sống đúng tinh thần nhân đạo của ngày này, nếu ai còn cha, còn mẹ, nếu ở xa chúng ta hãy trở về thăm bố mẹ.

Hãy chung tay, góp sức giúp đỡ những trẻ em nghèo, những người già không nơi nương tựa. Tấm lòng thành kính với người đã khuất rất quý báu, nhưng hãy làm những điều thật thiết thực đối với những người thân, những người kém may mắn xung quanh mình khi họ còn sống…

Trong ngày Lễ Vu Lan này, bên cạnh việc lãng phí của rất nhiều người thì còn không ít người đã có những thời gian sống rất thật, rất có văn hóa trong ngày Lễ Vu Lan. Gần đây, để “thức tỉnh” sự hiểu biết của mọi người về Lễ Vu Lan nhiều địa phương đã tổ chức lồng ghép ngày lễ này vào các hoạt động từ thiện cho xã hội nhất là với các chùa

Hãy hiểu đúng hơn về Lễ Vu Lan. Đừng vì mê tín và sự kém hiểu biết của mình để dẫn đến lãng phí và không văn hóa. Hãy dành tình cảm và vật chất để giúp cho những người khó khăn và những bé em không có bông hồng đỏ cài trên ngực áo – một dấu hiệu trong Lễ Vu Lan để nói lên rằng: Em đã mồ côi mẹ!

Đức Tuyền

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/ngay-mo-cua-coi-am-43672