Ngày mới ở An Tiêm

Về thôn An Tiêm, xã Triệu Thành (Triệu Phong) trong những ngày tháng Tám, chúng tôi cảm nhận không khí rộn ràng, vui tươi ở một làng quê giàu truyền thống cách mạng. Trên những con đường bê tông rộng rãi, thoáng đãng, những căn nhà khang trang đã mọc lên san sát. Vùng quê cách mạng kiên trung đang thay da đổi thịt từng ngày.

Đài tưởng niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tại thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, Triệu Phong

Dẫn chúng tôi thăm di tích Đài tưởng niệm nơi thành lập chi bộ Đảng, Bí thư Chi bộ thôn An Tiêm Đặng Thị Hằng kể rằng, đây là nơi 90 năm trước, Chi bộ Đảng thôn An Tiêm thành lập, là một trong những Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Ngày 17/11/1929, nhân kỉ niệm 12 năm thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, tại đình làng An Tiêm, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã đứng ra thành lập Chi bộ Cộng sản An Tiêm gồm 3 đồng chí, do đồng chí Đoàn Bá Thừa làm bí thư. Sự đời của chi bộ An Tiêm là tất yếu lịch sử của địa phương vốn có truyền thống yêu nước kiên cường bất khuất, mở ra thời kì và phương hướng đấu tranh mới cho nhân dân trong tỉnh nói chung và xã Triệu Thành nói riêng. Đồng thời, sự ra đời của Chi bộ An Tiêm cũng là mốc son quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Triệu Thành. Từ đây, cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược của nhân dân Triệu Thành phát triển theo trào lưu chung của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bước sang năm 1945, phong trào chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Triệu Thành nói riêng và nhân dân Quảng Trị nói chung diễn ra rất rầm rộ, sôi nổi. Các hình thức tuyên truyền cách mạng, vận động kêu gọi nhân dân gần như công khai. Không khí chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa bao trùm lên toàn xã Triệu Thành, đi đâu cũng nghe tuyên truyền, giác ngộ cách mạng; ở khắp các làng, xã đều tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền. Mọi người dân đều bừng bừng khí thế xuống đường đấu tranh giành chính quyền.

Chấp hành chủ trương của Trung ương, từ ngày 18 đến 20/8/1945, hội nghị cán bộ toàn tỉnh đã họp và vạch ra một số vấn đề quan trọng như phổ biến Lệnh Tổng khởi nghĩa đến nhân dân; gấp rút tuyển chọn, luyện tập và thành lập các lực lượng vũ trang tham gia bảo vệ và giành chính quyền… Tại xã Triệu Thành, không khí sôi sục gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa bao trùm toàn xã. Sau khi tham gia mít tinh tại chợ Thuận, từ sáng ngày 13/8/1945, ở khắp các làng của Triệu Thành đã nổ ra các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành… Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền cơ bản đã về tay nhân dân. Sau khi giành chính quyền ở xã, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ An Tiêm, nhân dân Triệu Thành phân công nhau một số tham gia lực lượng vũ trang, một số ở địa phương để giữ vững an ninh trật tự, lập những ban tự quản giải quyết các công việc cần thiết trước mắt và điều hành nhân dân ổn định cuộc sống. Gần đến ngày khởi nghĩa, Chi bộ An Tiêm và nhân dân Triệu Thành được giao nhiệm vụ tiếp đón Bộ chỉ huy tổng khởi nghĩa của tỉnh và lực lượng vũ trang tham gia giành chính quyền. Do được chuẩn bị từ trước nên chi bộ đã lãnh đạo các đoàn thể cứu quốc đón tiếp nhiệt tình, bảo vệ chu đáo cho ban chỉ huy và lực lượng vũ trang đảm bảo bí mật. Ngoài ra, chi bộ còn vận động nhân dân trong xã giúp đỡ cơm ăn, nước uống cho một số đoàn biểu tình từ xa tới…

Đúng 23 giờ ngày 22/8/1945, Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban ra, các mũi tập kết biểu tình thị uy từ các hướng kéo vào thị xã Quảng Trị tham gia giành chính quyền. Do có sự chuẩn bị từ trước nên sau khi nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhân dân Triệu Thành đã cùng với nhân dân phủ Triệu Phong, nhân dân hai tổng An Thái, Văn Vận (phủ Hải Lăng) tham gia giành chính quyền tại thị xã Quảng Trị… Trước sự đấu tranh mạnh mẽ và có tổ chức của nhân dân, bọn quân phiệt Nhật và chính quyền tay sai nhanh chóng tan rã, cách mạng giành thắng lợi trọn vẹn. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Chi bộ An Tiêm vừa là cơ sở quan trọng, là cầu nối liên lạc tin cậy của Xứ ủy để lãnh đạo phong trào các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Đối với nhân dân Quảng Trị, Chi bộ An Tiêm là một cơ sở bí mật của Đảng để xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở đảng ngay từ khi mới ra đời. Đây là chỗ dựa cho các phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong phủ, trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ An Tiêm, nhân dân Triệu Thành luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng, tổ chức nuôi dưỡng, che giấu cán bộ. Từ đó, các cán bộ, đảng viên, các cơ sở đảng của xã luôn được bảo vệ tốt, đảm bảo duy trì hoạt động trong mọi tình huống.

Tròn 74 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, từ đổ nát, hoang tàn, người dân thôn An Tiêm đã bắt tay vào xây dựng lại quê hương với những xóm làng trù phú, ruộng vườn xanh tốt. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành Nguyễn Thế Phương cho biết: “Thôn An Tiêm chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các thế hệ đảng viên Chi bộ An Tiêm luôn xác định vai trò, vị trí của mình, đoàn kết phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới đi lên. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Triệu Thành, Chi bộ An Tiêm đã lãnh đạo các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân trong thôn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch UBND xã giao. Nhờ vậy, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay”. Để chứng minh cho sự đổi mới của quê hương, Bí thư Chi bộ thôn An Tiêm Đặng Thị Hằng cho hay, với 314 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, nhờ xác định được hướng phát triển kinh tế đúng đắn trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương nên nông nghiệp tại thôn An Tiêm đã có bước phát triển khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn từng bước được hoàn thiện, 100% tuyến đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa, đa số nhà ở của người dân được xây dựng khang trang, kiên cố. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của người dân cũng được cải thiện đáng kể, nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống đã được thôn tổ chức vào các dịp lễ, tết trong năm, thu hút đông đảo người dân tham gia. Phong trào xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển, người dân có nhận thức tốt về giáo dục và quan tâm hơn đến việc học tập của con em, đưa con đến trường đúng độ tuổi. Chi hội khuyến học thôn đã phát huy tốt vai trò động viên, tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó, học sinh khá, giỏi. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng đúng mức, nhiều chương trình y tế cộng đồng được triển khai có hiệu quả cao… Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, nhờ vậy số hộ nghèo toàn thôn An Tiêm giảm còn dưới 5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm. Đạt được những kết quả trên, trước hết do Chi bộ luôn chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức đảng và coi trọng chất lượng đảng viên. Tập thể chi bộ đã khéo léo chuyển những quyết tâm của mình thành sức mạnh của lòng dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tháng Tám mùa thu, trời cao và xanh vời vợi. Con đường bê tông dẫn vào thôn An Tiêm hôm nay đi qua những cánh đồng lúa vàng ươm trĩu hạt đang đợi ngày thu hoạch, “địa chỉ đỏ” cách mạng ngày xưa giờ đang thanh bình trong diện mạo mới. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, người dân An Tiêm hôm nay đang nhân lên niềm tin và quyết tâm mới để xây dựng làng quê ngày thêm giàu đẹp.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141603