Ngày nắng lên

Y Tâm về đến nhà thì trăng đã lên cao quá đỉnh đầu, trải khắp không gian rộng lớn ánh sáng bàng bạc, tinh khôi.

Không khí mát lành và se se lạnh. Đưa tay mở cổng rồi khe khẽ bước qua mảnh sân nhỏ vào nhà để không làm vợ con thức giấc, Y Tâm ngồi xuống thềm. Đã tổ chức mấy cuộc họp rồi mà vẫn chưa giải quyết được việc mở rộng con đường liên bon. Cuộc họp nào cũng căng thẳng với những ý kiến trái chiều, với những nút thắt chưa biết gỡ bằng cách nào.

Có tiếng mở cửa, Y Tâm quay lại. Lương - vợ anh đưa tay búi gọn tóc rồi ngồi xuống cạnh chồng, khẽ hỏi:

- Sao anh về muộn vậy? Anh chưa đi ngủ mà còn ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ gì thế.

- Muộn rồi mà sao em chưa ngủ? Các con đã ngủ chưa? Anh vẫn đang suy nghĩ về chuyện làm đường thôi - Y Tâm đáp.

- Em cho con ngủ rồi đợi anh về. Anh chưa về, em làm sao mà ngủ được. Bà con vẫn chưa thống nhất được hả anh?

Y Tâm khẽ thở dài. Sương đêm buông lạnh lẽo. Từ phía rừng xa vọng lại tiếng thú ăn đêm, tiếng lá cây lạo xạo, tiếng côn trùng rỉ rả. Đôi vai Y Tâm hơi trĩu xuống. Từ lúc được tín nhiệm bầu vào cấp ủy chi bộ của bon, các bác, các chú đã động viên Y Tâm rằng công việc sẽ có lúc khó khăn, vất vả, nhưng anh là đảng viên trẻ, đã học hết cấp III, đi bộ đội về, là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi được bà con tin tưởng nên cũng sẽ có nhiều thuận lợi. Cứ làm đúng, làm tốt là bà con sẽ nghe theo. Đã xác định tư tưởng từ đầu mà bắt tay vào làm từng việc một Y Tâm vẫn thấy bỡ ngỡ và nhiều việc cần tháo gỡ. Anh đứng dậy, bảo vợ:

- Thôi muộn lắm rồi, em vào đi ngủ để mai còn đi dạy nữa. Anh cũng ngủ đây. Việc làm đường, mọi người cùng nghĩ chắc sẽ tìm ra cách giải quyết thôi.

Nói vậy cho vợ yên tâm chứ Y Tâm trằn trọc, thao thức cả đêm, nào có ngủ được. Ai cũng biết, mở rộng đường thì sẽ thuận tiện cho bà con đi lại, mùa mưa các cháu đi học cũng đỡ vất vả. Đường sá thuận tiện thì kinh tế cũng phát triển, xe vận chuyển trái cây, nông sản vào được tận bon, người dân cũng bớt đi phần nào việc bị thương lái ép giá. Nhưng vấn đề kinh phí, rồi đất để mở rộng đường. Cuộc sống của bà con trong thôn đã khấm khá hơn nhưng vẫn còn những hộ khó khăn, cái ăn hàng ngày còn đang phải lo thì lấy tiền đâu để đóng góp làm đường. Tiền đã thế, đất còn khó hơn. Bà con cả đời sống nhờ rẫy, nhờ vườn nên coi tấc đất như tấc vàng. Mở đường rộng ra sẽ phải lấn vào mỗi nhà một chút, nhà thì cái cổng, nhà thì mấy hàng cà phê, nhà chỗ hàng cây ăn trái. Vậy nên, trong cuộc họp đã có người có ý, đường bao năm nay vẫn đi lại bình thường, cứ chờ đến khi nào có điều kiện thì làm, chẳng việc gì mà phải vội vàng cả. Những hộ dân đã thống nhất nghe thế cũng trở nên phân vân, ngần ngại.

Hay là dừng lại một thời gian nữa rồi bàn tiếp. Y Tâm thoáng nghĩ. Nhưng rồi anh gạt ngay cái suy nghĩ vừa mới chớm xuất hiện trong đầu mình. Anh nhớ tới thầy giáo dạy môn lịch sử năm cấp ba của mình. Người thầy gầy gò, khắc khổ lại không còn lành lặn nhưng đôi mắt lúc nào cũng ngời sáng khi giảng cho học sinh nghe về lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền thống bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên.

Ngày ấy, Y Tâm và lũ bạn đang ở lứa tuổi thích thể hiện nên thường bày ra đủ trò quậy phá, nghịch ngợm. Có lần, nhóm Y Tâm giấu nạng của thầy khiến thầy loay hoay cả buổi trưa không có cách nào đi về, phải nhịn đói để kịp giờ lên lớp buổi chiều. Đêm ấy, căn bệnh đau bao tử của thầy tái phát, phải nghỉ dạy mấy ngày. Y Tâm và lũ bạn đến thăm, xin lỗi thầy, nghe thầy kể chuyện mới biết thầy từng là một người lính trong đội quân tình nguyện chiến đấu chống chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia. Bị thương mất một chân trong một trận đánh ác liệt, thầy xuất ngũ trở về tiếp tục ước mơ giảng đường còn dang dở. Học xong, thầy xung phong vào Tây Nguyên mặc dù được ưu tiên về quê vì là thương binh. Cha thầy cũng từng là một người lính, chiến đấu và hy sinh tại mảnh đất Tây Nguyên này. Thầy muốn được sống tại nơi cha thầy đã từng sống và chiến đấu.

Ngày ấy, Y Tâm tò mò hỏi thầy, tại sao thầy bị thương mà vẫn tiếp tục đi học để trở thành thầy giáo. Tại sao đi lại khó khăn mà thầy vẫn gắn bó với mảnh đất đồi núi chập chùng, đường sá còn chưa thuận tiện. Thầy cười hiền, khẽ bảo, thầy nhớ mãi lời thề lúc được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thầy còn là một người lính. Y Tâm chưa hiểu hết được lời thầy nói cho đến khi anh cũng vinh dự trở thành một người đồng chí của thầy.

Học xong cấp III, Y Tâm lên đường nhập ngũ. Tấm gương của người thầy là động lực để anh phấn đấu và rèn luyện. Y Tâm được kết nạp Đảng ngay từ những ngày trong quân ngũ. Anh đã viết thư báo tin cho ama, amí, viết thư gửi thầy. Từ giờ phút đọc lời thề thiêng liêng, Y Tâm hiểu mình cũng sẽ lựa chọn như thầy, luôn thực hiện nhiệm vụ của một đảng viên, một người lính. Nghe tiếng anh trở mình, Lương cũng thức giấc. Cô hạ giọng thật khẽ để không làm con thức giấc:

- Anh vẫn không ngủ được à? Như thế thì hại sức khỏe lắm. Việc gì cũng tìm cách giải quyết được mà. Từ việc trồng các giống cây mới, việc trồng rau sạch đến việc vận động các em học sinh học cồng chiêng, lúc đầu bà con cũng không ưng, không tin mà sau lại ủng hộ đấy thôi.

Xuất ngũ, Y Tâm trở về địa phương. Không cam chịu cuộc sống đói nghèo, Y Tâm lao vào học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Nghe tin ở đâu có gương thanh niên làm kinh tế giỏi, anh đều tìm đến để học tập. Y Tâm xung phong trong việc trồng các giống cây mới cho năng suất cao, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, áp dụng biện pháp trồng các loại rau, cây ăn trái theo tiêu chuẩn để có đầu ra bền vững. Vợ anh là giáo viên tiểu học, dù bận rộn chuyện trường lớp, con cái nhưng luôn ủng hộ anh, đồng hành cùng anh. Còn nhớ những ngày đầu trăn trở với việc tìm cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vợ anh đã nhờ các phụ huynh vận động các bà, các mẹ dạy dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ. Chính cô cũng mang từng tấm thổ cẩm lên các cửa hàng trên thành phố để giới thiệu, rồi tìm các mẫu túi, áo, mũ bằng thổ cẩm để đa dạng sản phẩm. bà con vừa giữ được nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Rồi lúc Y Tâm lo lắng việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng mà không biết phải bắt đầu như thế nào, Lương gợi ý bằng việc dạy cho các em học sinh trường tiểu học của xã. Vừa là hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ lại giúp các em thêm hiểu, thêm yêu truyền thống dân tộc. Kinh phí không có để mua bộ chiêng, Lương nhờ ông nội dạy cho các em và cho nhà trường mượn bộ chiêng quý để các em tập luyện. Lúc đầu phụ huynh còn nghi ngại sợ làm ảnh hưởng đến việc học tập của con nhưng rồi nhìn thấy sự nhiệt tình của mọi người, sự háo hức của con trẻ nên cũng xuôi dần. Nhất là khi vào mỗi dịp lễ hội, thấy các em biểu diễn chiêng, biểu diễn múa xoang, bà con ai cũng thấy thích, thấy mê. Việc gì lúc đầu cũng vấp phải sự nghi ngại, nhưng rồi thấy kết quả bước đầu, bà con cũng tin theo. Đúng rồi. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Y Tâm chia sẻ với vợ suy nghĩ suốt mấy ngày nay của mình:

- Em này, bây giờ để làm được đường phải có người xung phong đi trước. Anh tính hiến 100m2 đất nhà mình để mở rộng đường đi lối lại cho thuận tiện. Em thấy thế nào?

Lương im lặng. Y Tâm hiểu những trăn trở, băn khoăn của vợ. 100m2 không phải là diện tích nhỏ. Một lúc, mới thấy Lương lên tiếng:

- Việc là việc chung, mở rộng đường thì nhà mình cũng đi chứ chẳng đi đâu mà thiệt. Em nghĩ anh cũng nên bàn bạc cùng mọi người. Các đảng viên làm gương thì bà con sẽ nghe theo thôi anh ạ.

Câu chuyện của hai vợ chồng bị cắt ngang bởi tiếng đập cửa dồn dập. Y Tâm vội vàng dậy mở cửa. Người hàng xóm hoảng hốt:

- Ama Nhưng bị đau, giờ phải đưa lên bệnh viện huyện. Mà đường bé xe không vào được, phải cõng ama Nhưng ra đầu đường để chở đi. Anh Nhưng bị đau chân không cõng được, nhờ Y Tâm qua giúp với.

Y Tâm vội vàng quên cả mặc áo khoác, chạy sang nhà ama Nhưng. Lo cho ama Nhưng lên viện xong, Y Tâm sẽ báo cáo cấp ủy việc vợ chồng anh hiến đất làm đường. Có thêm các đồng chí khác cùng giúp sức, chắc chắn mọi việc sẽ thuận lợi hơn.

Ngày mới đã hé những tia nắng ấm áp trên muôn ngàn lá.

Việt Thu

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/ngay-nang-len-197105.html