Ngày này năm xưa 18/3: Khánh thành khu công nghiệp hóa chất, giấy, điện ở Việt Trì

Ngày này năm xưa 18/3: Khánh thành khu công nghiệp gồm các nhà máy hóa chất, nhà máy giấy, nhà máy điện, nhà máy đường ở TP. Việt Trì; phong trào 3 đảm đang.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 18/3.

Sự kiện trong nước và Ngành Công Thương

Ngày 18/3/1965, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” do Bác Hồ đặt tên được Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều nam giới đi chiến đấu, ở hậu phương lực lượng chủ yếu là phụ nữ. Nội dung phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” gồm có: 1. Ðảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu; 2. Ðảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu; 3. Ðảm đang phục vụ chiến đấu khi cần thiết. Đáp lời kêu gọi, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì ngày 13/4/1959. Ảnh Tư liệu

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì ngày 13/4/1959. Ảnh Tư liệu

Ngày 18/3/1962, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành khu công nghiệp Việt Trì. Đây là khu công nghiệp gồm các nhà máy hóa chất, nhà máy giấy, nhà máy đường và nhà máy điện, đánh dấu bước phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Khu Công nghiệp Việt Trì đã sản xuất được nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, từng là niềm tự hào của người dân Đất Tổ và miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Quang cảnh xây dựng Nhà máy điện Việt Trì. Ảnh Tư liệu

Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định: “Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ-Ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh…”.

Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiêu diệt quân đoàn 1 của địch, không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.

Ngày 18/3/1975, sư đoàn 320 của ta đuổi kịp đội hình rút chạy của địch trên đường số 7 và tổ chức tiến công thị trấn Cheo Reo. Sau 6 giờ chiến đấu liên tục và quyết liệt, ta giải phóng thị trấn Cheo Reo. Đây là huyện lỵ của huyện A Dun PA, tỉnh Gia Lai. Bộ phận còn lại rút chạy, buộc phải bỏ lại toàn bộ vũ khí hạng nặng, xe cộ và khí tài. Cùng ngày 18/3, quân ta cũng đã giải phóng thị xã Phú Bổn.

Sự kiện quốc tế

Ngày 18/3/1948, tại Béc - lin (Đức), đã nổ ra cuộc cách mạng tư sản, dẫn tới việc thành lập một chính phủ gồm những người tư sản và công chức tự do vào ngày 20/3/1948. Chính phủ này bắt buộc vua Phổ phải công bố hiến pháp.

Sáng 18/3/1871, quân đội chính phủ Pháp tiến công tìm cách cướp vũ khí của quân đội vệ quốc gồm những người lao động. Vì vậy, dân chúng Pari nhất tề nổi dậy phá tan âm mưu khiến quân đội chính phủ bỏ chạy về Véc-xây. Quân đội vệ quốc chiếm lĩnh các công sở; cờ đỏ phấp phới tung bay trên nóc tòa thị chính Pari. Ngày 18/3 là ngày thắng lợi của nền cộng hòa của những người lao động. Ủy ban Trung ương quân đội vệ quốc Pari trở thành chính phủ thực sự của Công xã Pari được thành lập. Sự ra đời của công xã Pari đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản Pháp.

Ngày 18/3/1970, tại Capuchia đã nổ ra cuộc đảo chính do lực lượng cánh hữu Lonnon Xirich Matắc tiến hành lật đổ Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc trong lúc ông đi chữa bệnh ở Pháp.

Ngày 18/3/1967, tàu chở dầu Torrey Canyon chở 120.000 tấn dầu, đụng phải đá ngầm và hỏng nặng tại Cornouaille, 25.000 tấn dầu tràn ra biển

Ngày 18/3/1994, Đại diện cộng đồng người Bosnia và người Croatia tại Bosnia ký kết Hiệp định Washington, thành lập Liên bang Bosnia và Hercegovina.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 18/3/1922: Truyện ngắn ký bút danh CULIXE (Người phu kéo xe) dịch giả Nguyễn Ái Quốc, nhan đề Rủi ro (đầu đề phụ Cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam) đăng trên báo L'Humanité.

Câu chuyện kể về nỗi long đong, khốn khổ của một người cu li kéo xe bản xứ đi kiếm khách dưới cái nắng đổ hột của xứ Nam Kỳ. Anh ta đã hý hửng khi gặp được "một cha đạo đáng kính", nhưng lại phải bỏ chạy vì"con người thánh thiện ấy lại muốn đặt chân lên mông tôi". Anh ta gặp được vị khách thứ hai - đó là một ông Tây, một thủy thủ lão luyện, "một người tốt bụng chẳng hề mặc cả giá cả", nhưng đến nơi, vị khách đã bỏ đi, tỉnh bơ, chẳng hề có ý định trả thù lao, và khi người cu li xe đòi hắn trả tiền thì "tay phải hắn thò vào túi và rút ra một... khẩu súng lục, vũ khí của văn minh, rồi hùng hồn thét lên: Pan! Pan!". Lại một lần nữa xôi hỏng bỏng không!

Thông qua câu chuyện, tác giả muốn nêu lên tình cảnh sinh hoạt của thợ thuyền An Nam.

Ngày 18/3/1923: Bài Cuộc bạo động ở Đahômây của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo L'Humanité. Bài báo viết về cuộc bãi công phản đối nhà cầm quyền thuộc địa của những công nhân bản xứ làm việc trên các công trường xây dựng ở Poóctô Nôvô (Porto Novo), Thủ đô xứ Đahômây (Dahomey).

Nhận xét về sự kiện trên, tác giả viết: “Trong các thuộc địa, công nhân đã bắt đầu hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp. Cần phải làm thế nào để cho công nhân da đen và da vàng cũng hiểu rằng: Kẻ thù duy nhất của họ nằm ngay trong bản thân cái chế độ này, chế độ đang dẫn đến một chế độ nô lệ tinh vi hơn, nặng nề hơn, và vô nhân đạo hơn chế độ trước đây. Và chỉ với sự giúp đỡ của những người anh em bị áp bức của mình ở các nước châu Âu họ mới sẽ có thể tự giải phóng được mình”.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-183-khanh-thanh-khu-cong-nghiep-hoa-chat-giay-dien-o-viet-tri-246754.html