Ngày này năm xưa: 18/4

Ngày 18/4/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản điều lệ gồm 27 điều quy định về nguyên tắc chung, hình thức đầu tư, quyền lợi và nghĩa vụ của bên nước ngoài, thủ tục xin đầu tư vào Việt Nam…

Sự kiện trong nước:

- Ngày 18/4/1946, để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức, phái đoàn chính phủ Việt Nam và Pháp đã họp hội nghị trù bị ở Đà Lạt. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu.

Trong hội nghị, phái đoàn ta đã tích cực đấu tranh vạch trần âm mưu của thực dân Pháp định xóa bỏ hiệp định sơ bộ 6/3 để lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam. Phái đoàn ta kiên quyết giữ vững lập trường "Hòa bình trong tự do bình đẳng phù hợp với hiệp định sơ bộ 6/3 chứ không phải hòa bình trong nô lệ". Sau gần một tháng đấu tranh, hội nghị bế tắc vì thái độ ngoan cố của phái đoàn Pháp.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: hochiminh.vn

- Ngày 18/4/1958, tại Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ban sửa đổi Hiến pháp báo cáo trước toàn thể đại biểu quá trình xây dựng “Hiến pháp sửa đổi” và hứa “sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đã trao cho và làm cho nước ta có một bản Hiến pháp xứng đáng với những thắng lợi và những tiến bộ vẻ vang của nhân dân ta”.

- Ngày 18/4/1970, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra tuyên bố nghiêm khắc cảnh báo tập đoàn phản động Lonnon Xirich Matắc đã gây ra những tội ác dã man đối với Việt kiều ở Campuchia. Bản tuyên bố viết "Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa cực lực lên án và tố cáo trước dư luận thế giới âm mưu độc ác và những tội ác cực kỳ man rợ của tập đoàn Lonno Xirich Matắc đối với kiều dân Việt Nam ở Campuchia".

- Ngày 18/4/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản điều lệ gồm 27 điều quy định về nguyên tắc chung, hình thức đầu tư, quyền lợi và nghĩa vụ của bên nước ngoài, thủ tục xin đầu tư vào Việt Nam, giải thể và thanh lý các xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư của nước ngoài, việc xử lý các vụ tranh chấp giữa các xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư của nước ngoài và các điều khoản thi hành Điều lệ.

Hội nghị Bandung, Indonesia 1955: Ảnh: Vietnamnet

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 18/4/1955, Hội nghị Á Phi đã khai mạc tại Băngđung Indônêsia, 29 đoàn đại biểu chính phủ các nước Á Phi là thành viên chính thức tới dự hội nghị. Thành phần đại biểu gồm nhiều vị đứng đầu chính phủ các nước Á Phi. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự hội nghị do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

Chương trình nghị sự của hội nghị Á Phi gồm 5 mục:

(1) Hợp tác kinh tế.

(2) Hợp tác văn hóa.

(3) Quyền con người và quyền tự quyết.

(4) Vấn đề các dân tộc phụ thuộc.

(5) Đẩy mạnh phong trào hòa bình và hợp tác quốc tế.

Hội nghị tuyên bố: Chủ nghĩa thực dân với mọi hình thức biểu hiện của nó, là một tai họa, cần chấm dứt mau chóng. Việc áp bức và bóc lột là một sự phủ nhận những quyền cơ bản của con người, trái với hiến chương Liên hiệp quốc ngăn cản sự nghiệp hòa bình thế giới và sự hợp tác quốc tế. Hội nghị lên án những chính sách và hành động phân biệt chủng tộc ở nhiều vùng rộng lớn châu Phi và nhiều nơi trên thế giới xâm phạm quyền con người, phủ nhận phẩm giá con người.

PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ngay-nay-nam-xua/ngay-nay-nam-xua-18-4-662944.html