Ngày này năm xưa 27/1: Ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam

Ngày này năm xưa 27/1, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27/1.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Vào lúc 11 giờ, ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Paris sau 5 năm đàm phán (1968-1973).

Tham gia lễ ký có đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, đại diện của Mỹ là Ngoại trưởng William P.Rogers, đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình và đại diện cho chính quyền Sài Gòn, Tổng trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Lắm.

Hiệp định Paris được ký kết đã tạo ra cục diện mới làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng để quân và dân Việt Nam có điều kiện giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước. Đây là dấu son chói lọi trong lịch sử ngành Ngoại giao Việt Nam, mở ra cánh cửa hòa bình cho đất nước sau nhiều năm chiến tranh ác liệt.

Hiệp định nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Hoa Kỳ chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình, thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ.

Quang cảnh của buổi lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973

Quang cảnh của buổi lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973

Ngày 27/1/1995: Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 16/CP thành lập Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với sứ mệnh làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Ngày 27/1/1992, vườn quốc gia Bến En (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) thành lập. Bến En có hồ chứa nước rộng tới 4.000 hécta, sâu hàng chục mét. Trên mặt nước nhô lên 24 hòn đảo lớn nhỏ. Các đảo có rừng cây, hoa lá, nhiều giống chim thú sống tự nhiên và do người chǎn thả, nuôi dưỡng. Bến En không những là khu bảo tồn các nguồn gien động vật, thực vật hiếm quý, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, mà còn là một khu tham quan, du lịch, nghỉ mát hấp dẫn.

Ngày 27/1/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ

Ngày 27/1/2016, Chính phủ ban hành Quyết định số 171/QĐ-TTg, về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ngày 27/1/2016, Chính phủ ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg, về việc xuất cấp lương thực từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Ngãi.

Ngày 27/1/2016, Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg, về việc xuất cấp lương thực từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Hà Nam, Yên Bái, Bình Định.

Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 27/1/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030".

Ngày 27/1/2014, Bộ Công Thương ban hành Thông tư Số 04/2014/TT-BCT Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định Số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiến thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Ngày 27/1/2022, Bộ Công Thương có báo cáo số 17/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp, hay nói cách khác là các dự án chưa kịp vận hành thương mại để được hưởng cơ chế giá cố định (giá FIT).

Ngày 27/1/2018, Đội tuyển U23 Việt Nam gặp đội tuyển U23 Uzbekistan trong trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc

Ngày 27/1/2018, Đội tuyển U23 Việt Nam gặp đội tuyển U23 Uzbekistan trong trận chung kết U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên đội tuyển U23 của Việt Nam lọt vào đến chung kết của một giải đấu châu lục. Tuy nhiên, U23 Việt Nam đã để thua U23 Uzbekistan 1-2 sau 120 phút đầy quả cảm.

Sự kiện quốc tế

Ngày 27/1/1756, ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart. Ông là nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các thể loại nhạc như piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera.

Ngày 27/1/1834, ngày sinh Đmitri Ivanovich Menđêlêev - nhà hóa học lớn người Nga. Nǎm 1869, ông phát minh ra Định luật tuần hoàn Menđêlêev. Trên cơ sở đó ông đã xây dựng hệ thống bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học gọi là bảng tuần hoàn Menđêlêev.

Ông đã hệ thống hóa những chi thức tản mạn về hiện tượng đồng hình, nhờ đó đã phát triển môn địa hóa học. Ông phát hiện độ sôi tối hạn, xây dựng thuyết Hđrát hóa của dung dịch. Ông đề xuất thuyết nguồn gốc vô cơ của dầu mỏ. Ông còn nghiên cứu chế tạo thuốc súng không khói, nghiên cứu khí tượng học, hoàn thiện kỹ thuật đo lường, đề xuất phương pháp khai thác dầu mỏ và nhiều quy trình sản xuất hóa chất.

Ngày 27/1/1893, ngày sinh Tống Khánh Linh. Bà một trong ba chị em họ Tống - ba chị em có ba người chồng là một trong những nhân vật chính trị nổi bật nhất Trung Quốc của đầu thế kỷ 20. Tống Khánh Linh là phu nhân của Tôn Trung Sơn, tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc.

Ngày 27/1/1967, hơn 60 nước đã ký Hiệp ước cấm sản xuất và lưu hành vũ khí hạt nhân.

Ngày 27/1/1944, Hồng quân Liên Xô đã chấm dứt cuộc bao vây gần 900 ngày (bắt đầu từ tháng 9 năm 1941) của phát xít Đức với thành phố Leningrad (nay là thành phố Saint Peterburg). Trận Leningrad kết thúc với thắng lợi của Liên Xô, thành phố Leningrad hoàn toàn thoát khỏi sự bao vây của Đức Quốc xã.

Những người Do Thái bị dồn vào các trại tập trung, bị tàn sát và tra tấn bằng nhiều hình thức man rợ

Ngày 27/1 hàng năm được chọn là Ngày quốc tế Tưởng niệm Nạn nhân Do Thái trong Thế chiến II. Trong Thế chiến II, hơn 6 triệu người dân tộc Do Thái đã bị phát xít Đức sát hại bởi tư tưởng dân tộc thượng đẳng, cực đoan. Những người Do Thái bị dồn vào các trại tập trung, bị tàn sát và tra tấn bằng nhiều hình thức man rợ.

Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ

Ngày 27/1/1924, Nguyễn Ái Quốc có mặt tại Hồng trường Moscow dự Lễ tang V.I.Lênin. Cùng ngày hôm đó trên tờ báo Sự Thật, cơ quan của Đảng Cộng sản Liên Xô, đăng bài viết “Lênin và các dân tộc thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc.

Bằng lời lẽ chân thành và thống thiết, Bác viết: “Người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn rumi (tiếng Ả rập, nghĩa là người nước ngoài, kẻ đi nô dịch), của tất cả bọn rumi: toàn quyền, công sứ v.v. Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể...

...Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội… Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Ngày 27/1/1931, trong khi đang ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về việc đón nhận 11 đồng chí bị Chính phủ Xiêm (Thái Lan) trục xuất về Sơn Đầu, để chăm sóc và tiếp tục huấn luyện cho họ.

10 năm sau đó, ngày 27/1/1941 là ngày 29 Tết, tại một khu rừng bên rìa làng Nậm Quang, bên kia biên giới (thuộc Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), lớp huấn luyện đầu tiên cho 43 học viên đã diễn ra. Trong lễ bế giảng, Bác Hồ với bí danh là Hồ Quang cùng các trợ giảng của mình như Phùng Chí Kiên, Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp)... đã phân công các lực lượng triển khai ở trong và ngoài nước để chuẩn bị cho cơ hội đang đến gần.

Ngày 27/1/1947, Bác viết thư động viên những chiến sĩ quyết tử đang anh dũng chiến đấu trong lũng Thủ đô Hà Nội giữa những ngày Tết cổ truyền: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.

Bức thư còn báo tin, bản thân Bác và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến...Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Đèn Hà Nội, ngày 27/1/1960 (Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Canh Tý)

Ngày 27/1/1952 (tức mồng một Tết Nhâm Thìn), qua báo Nhân dân, số 43, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài, nhân dịp Tết Nhâm Thìn. Người phân tích tình hình thế giới và trong nước, chỉ rõ sự lớn mạnh của lực lượng dân chủ và hòa bình, sự suy yếu và ngày càng chia rẽ của phe đế quốc, những tiến bộ về kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội của nước ta trong năm qua và đề ra những nhiệm vụ lớn trong năm tới nhân dân ta cần phải thực hiện “để tiến bộ nữa và để thắng lợi nhiều hơn nữa”.

Người đặc biệt nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ phải kiên quyết chống lại bệnh quan liêu, nạn tham ô, nạn lãng phí, là những trở ngại của việc hoàn thành nhiệm vụ năm 1952, "phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội có tội đã đành; người thấy những tội ấy mà không nêu ra, cũng như có tội".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị bộ đội, cơ quan, đoàn thể và nhân dân phát động một phong trào tự phê bình và phê bình từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên, “để giáo dục nhau, để cùng nhau tẩy trừ ba nạn kia, để dọn đường cho những thắng lợi mới”.

Sự kiện hôm nay

Ngày 27/1/2023, tức mùng 6 Tết Quý Mão 2023, sau 7 ngày nghỉ Tết, cán bộ, công nhân, viên chức người lao động trên cả nước bắt đầu làm việc trở lại.

Ngày 27/1/2023, tức mùng 6 Tết, Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 được chính thức khai hội với chủ đề “An toàn, văn minh, thân thiện”. Lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 23/4 tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4/3 âm lịch.

Lễ Kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 27/1/2023 đến hết ngày 29/1/2023 (từ mùng 6 tới hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão) tại di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, Mê Linh, Hà Nội.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-271-ky-hiep-dinh-paris-ve-cham-dut-chien-tranh-lap-lai-hoa-binh-o-viet-nam-240077.html