Ngày pháp luật góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật cho nhân dân

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, đó là: 'Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật… Với tinh thần đó, lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020 đã chọn chủ đề: 'Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thi hành pháp luật, xây dựng văn hóa pháp luật gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh'.

Lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật

Phát biểu tại lễ hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2020, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: “Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn.

“Trong những năm qua, Ngày Pháp luật đã được các cấp ủy đảng, Sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và nhân dân Thủ đô hưởng ứng tích cực, được tổ chức ngày càng nề nếp, thiết thực và hiệu quả với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, đi vào chiều sâu, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trên toàn địa bàn TP; thực sự đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc và là ngày Hội pháp luật của CB, CC, VC, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Thủ đô Hà Nội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đóng góp tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại”- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ.

Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng trong tuyên truyền PBGDPL trong năm qua, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong biểu dương những nỗ lực, thành tích của các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức có hiệu quả Ngày Pháp luật và sự hưởng ứng rộng rãi, thiết thực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô; đồng thời hoan nghênh Hội đồng phối hợp PBGDPL TP, Sở Tư pháp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt Ngày Pháp luật những năm qua.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2020. Ảnh: Công Phương

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2020. Ảnh: Công Phương

Định hướng cụ thể để Ngày pháp luật ý nghĩa và thiết thực hơn

Để Ngày Pháp luật năm 2020 và các năm tiếp theo trên địa bàn TP thực sự thiết thực, ý nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị Bộ Tư pháp, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tổ chức tốt Ngày pháp luật; trong đó tập trung vào một số định hướng cụ thể.

Theo đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; Nghiên cứu, xem xét, ban hành chương trình chuyên đề về công tác pháp luật, tư pháp, CCHC của Thủ đô trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô. Từ yêu cầu thực tiễn, cần nghiên cứu, xác định lĩnh vực, vấn đề ưu tiên hoàn thiện thể chế để chủ động đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, xử lý tốt hơn nữa những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý điều hành, trong đó cần quan tâm đề xuất: sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và TP để thi hành Luật Thủ đô, thể chế hóa các cơ chế đặc thù để thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Chú trọng, tăng cường hơn nữa đến việc triển khai thi hành luật để các luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong thực thi công vụ, gắn với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm giải trình. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác PBGDPL. Xác định PBGDPL là một bộ phận của công tác chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động mọi nguồn lực của xã hội trong công tác tuyên truyền PBGDPL. Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT, kỹ thuật số, ứng dụng các công nghệ mới, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng để cải thiện một cách cơ bản, toàn diện hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật; qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục phổ biến, truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước và kiến tạo sự phát triển xã hội, cũng như vai trò, ý nghĩa của việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật...

“Mỗi người chúng ta phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống. Thủ đô Hà Nội muốn phát triển toàn diện, bền vững, xứng tầm là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; “TP vì hòa bình” và “TP sáng tạo” cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc; trong đó, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu…”- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ngay-phap-luat-gop-phan-nang-cao-y-thuc-va-niem-tin-phap-luat-cho-nhan-dan-216458.html