Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3: Làm gì để tự 'sản xuất' hạnh phúc mỗi ngày?

Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3 được tạo ra với mục đích gắn kết mọi người, không phân biệt về quốc gia, chủng tộc, hay văn hóa. Hạnh phúc vì thế không chỉ nằm trên khái niệm mà đến từ chính những hành động nhỏ của mỗi người.

Ngày 20/3 được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Hạnh phúc từ năm 2012 (Nguồn: Mandalas Life)

Nguồn gốc và ý nghĩa

Tháng 6/2012, Ngày quốc tế Hạnh phúc được Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki Moon chính thức công bố tại Hội nghị của LHQ. Đây là một dịp quan trọng để tôn vinh giá trị của hạnh phúc và nhấn mạnh ý nghĩa của nó đối với cuộc sống con người. Đồng thời, tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm tăng cường nhận thức về hạnh phúc.

Lý do LHQ chọn ngày 20/3 bởi đây là một ngày đặc biệt trong năm. Vào ngày này, Mặt trời nằm ngang đường xích đạo nên độ dài của ngày và đêm bằng nhau. Điều này biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực.

Ý tưởng về ngày hạnh phúc được lấy cảm hứng từ Bhutan - một quốc gia nhỏ bé nằm giữa dãy Himalaya. Bhutan là một trong những quốc gia tiên phong trong việc đặt sự hạnh phúc của công dân lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các chỉ số kinh tế khác.

Chính phủ Bhutan đã đưa ra khái niệm Gross National Happiness (Tổng hạnh phúc quốc gia hoặc Tổng hạnh phúc nội địa) vào những năm 1970 và đề xuất phải đo lường, tối ưu hóa hạnh phúc của nhân dân bằng cách xem xét nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ riêng vấn đề tài chính. Các yếu tố này bao gồm sức khỏe, giáo dục, môi trường, văn hóa và mối quan hệ xã hội.

Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cùng cam kết ủng hộ ngày này.

Hưởng ứng Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về ngày này.

Từ đó, có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân ngày này.

Mỗi năm, Báo cáo hạnh phúc thế giới sẽ đưa ra các xếp hạng về hạnh phúc tại các quốc gia trên toàn thế giới. (Nguồn:Youth For Understanding Vietnam)

Cách thế giới đo lường hạnh phúc

Hạnh phúc là một khái niệm phức tạp và đa chiều. Không đơn thuần nằm ở sự thoải mái về vật chất, hạnh phúc đến từ trạng thái của tinh thần, phản ánh sự cân bằng và hài hòa giữa các yếu tố chủ quan và khách quan trong cuộc sống của mỗi người.

Báo cáo hạnh phúc thế giới là một tài liệu được xuất bản hàng năm bởi Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của LHQ, cung cấp cái nhìn tổng quan về trạng thái của hạnh phúc và sự hài lòng của người dân tại các quốc gia trên khắp thế giới.

Được biên soạn bởi các nhà nghiên cứu hàng đầu, báo cáo cung cấp các chỉ số và phân tích chi tiết về các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc, bao gồm cả GDP bình quân đầu người, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và nhiều yếu tố khác.

Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2023, các quốc gia châu Âu chiếm phần lớn trong top 10, dẫn đầu là Phần Lan. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Phần Lan giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Tiếp sau đó là Đan Mạch, Iceland, Israel, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sỹ, Luxembourg và New Zealand.

Trong xếp hạng năm ngoái, Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 của năm ngoái lên vị trí thứ 58.

Hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt nhất. (Nguồn: Mondialisation Egalitaire)

Hạnh phúc có phải điều “hiếm có khó tìm”?

Bên cạnh việc tôn vinh và thúc đẩy hạnh phúc ở cấp độ cộng đồng, Ngày quốc tế Hạnh phúc cũng là dịp để mỗi người tự suy ngẫm về ý nghĩa của hạnh phúc trong cuộc sống. Mỗi người đều có thể tìm ra những phương tiện để tạo ra một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Theo các phát hiện khoa học, cơ thể chúng ta tự sản sinh ra các hormone hạnh phúc, bao gồm dopamine, oxytocin, serotoni và endorphin.

Cảm giác hạnh phúc và sự cân bằng trong các loại hormone nói trên có được thông qua một lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục đều đặn, quản lý căng thẳng, giao tiếp xã hội tích cực và chăm sóc bản thân.

Dưới đây là những cách để tự “sản xuất" hạnh phúc mỗi ngày:

Vận động thể chất: Tập thể dục đều đặn có thể kích thích sản xuất serotonin và endorphin - hai loại hormone hạnh phúc tự nhiên trong cơ thể. Bất kỳ loại hoạt động nào bạn thích, như chạy bộ, yoga, bơi lội, đạp xe đều có thể giúp tăng cường hormone này.

Không chỉ vậy, việc tập thể dục thể thao đều đặn giúp cải thiện hình thể và sức khỏe, từ đó tăng cường tự tin và dẫn đến sự hạnh phúc và hài lòng với bản thân. Thực hiện các kỹ thuật như thiền, yoga, hoặc hít thở sâu cũng giúp giảm hormone căng thẳng.

Tắm nắng: Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D chính cho cơ thể - một loại vitamin quan trọng cho sức khỏe của xương và tinh thần. Việc tiếp xúc với ánh nắng giúp tăng cường sản xuất vitamin D, từ đó cải thiện tâm trạng và sự cảm thấy vui vẻ.

Tăng cường các mối quan hệ xã hội: Gặp gỡ bạn bè, gia đình, hoặc tham gia các hoạt động xã hội có thể kích thích sản xuất oxytocin - hormone liên quan đến tình yêu và kết nối xã hội.

Yêu thương bản thân: Điều này có thể rất đơn giản như dành thời gian để thư giãn, ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh để duy trì cân bằng nội tiết, hoặc tự chữa lành cho bản thân bằng cách nhìn ra những phẩm chất tích cực và chấp nhận cả những mặt tiêu cực của bản thân mình.

Không ai hoàn hảo và việc chấp nhận những điều này là một phần quan trọng của việc yêu bản thân. Yêu thương bản thân cũng là một cách để có được sự hạnh phúc trước khi nhận được sự yêu thương từ người khác.

Duy Uyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-quoc-te-hanh-phuc-203-lam-gi-de-tu-san-xuat-hanh-phuc-moi-ngay-264675.html