Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4: Đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ vì một tương lai xanh

Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận sở hữu trí tuệ là sản phẩm, đồng thời là một trong các công cụ đắc lực, thúc đẩy sự phát triển và kinh tế thị trường.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc đưa tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2020 đặt đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo - là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh.

"Lộ trình xanh" hướng tới bảo vệ môi trường

Các bạn trẻ tham gia, cổ vũ các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với các đơn vị cùng tổ chức. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Các bạn trẻ tham gia, cổ vũ các hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với các đơn vị cùng tổ chức. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Năm 2020, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) hướng tới việc đổi mới sáng tạo vì tương lai xanh. Đây là một khởi đầu cho “lộ trình xanh” hướng tới chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường - một yêu cầu cấp bách hiện nay. Để phát huy hơn nữa vai trò của sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với kỳ vọng Việt Nam sẽ có những bước tiến vượt bậc, tạo động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và hơn thế nữa có thể thương mại hóa sản phẩm sáng tạo, qua đó làm giàu tài sản trí tuệ - nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững, tạo dựng một “tương lai xanh” cho các thế hệ sau.

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng các thành quả sáng tạo trong khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất như: Thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; xây dựng, quản lý và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu công nghiệp nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành quả khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ… góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

Hướng tới "Lộ trình xanh", Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ triển khai một số chương trình, dự án hiệu quả như: Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hiện đang được các địa phương triển khai mạnh mẽ, bên cạnh việc tham gia Chương trình quốc gia, các tỉnh, thành phố đều ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương.

Hiện Chương trình đã bảo hộ cho 118 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, 600 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, điển hình như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, Tập đoàn DABACO…. Chương trình đã hỗ trợ bảo hộ, áp dụng thực tiễn sáng chế cho 51 giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, Dự án mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC và IP-HUB) đã kết nối, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Dự án tổ chức nhiều khóa tập huấn về tra cứu thông tin sáng chế và viết bản mô tả sáng chế cho các thành viên mạng lưới... Hiện, gần 60 viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước đăng ký tham gia mạng lưới để được hỗ trợ quá trình đăng ký sáng chế thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ tiếp cận thông tin sáng chế chất lượng cao; trợ giúp tra cứu thông tin sáng chế; đào tạo tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp...

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các sáng chế ngày càng tập trung vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn liên quan đến công nghệ môi trường như: tái chế, làm sạch nước, xử lý khí thải độc hại thanh lọc không khí, bảo toàn năng lượng, hoặc công nghệ xanh theo hướng bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái... Có thể kể đến giải pháp công nghệ như: Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) là doanh nghiệp khoa học và công nghệ điển hình đã thành công trong khai thác quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có các sáng chế bảo vệ môi trường, đặc biệt là các giải pháp chống ngập úng, chống ô nhiễm môi trường nước tại tất cả các đô thị. Các sáng chế liên quan đến công nghệ xử lý khí thải môi trường, chất thải công nghiệp độc hại và rác thải được áp dụng hiệu quả như: “Thiết bị xử lý khí thải XLKT-HB0005GPCN”, “Thiết bị thu hồi và tái chế chất thải nguy hại trong công nghiệp”, “Máy xử lý rác đa năng và công nghệ xử lý rác thải HKM”...

Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan chức năng đã và đang tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là kỳ vọng được thể hiện trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 với mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ...

Có thể thấy, làn sóng đổi mới sáng tạo đã xuất hiện ở mọi ngành nghề, lĩnh vực, địa phương đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội song hành với bảo vệ môi trường tạo động lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững nên hoạt động đổi mới sáng tạo thiên về tăng trưởng kinh tế nhanh mà chưa quan tâm tới yếu tố môi trường và chưa đồng đều giữa các vùng, các doanh nghiệp.

Sở hữu trí tuệ - Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh: Sở hữu trí tuệ thực sự đóng vai trò động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để phát triển tài sản giá trị quốc gia về cả số lượng và giá trị, các đối tượng sáng tạo kỹ thuật là nhân tố quyết định trình độ công nghệ do đó quyết định trình độ phát triển và cạnh tranh của nền kinh tế. Trong những đối tượng đó, các sáng chế được coi là tiêu biểu. Tương tự như các đối tượng sáng tạo kỹ thuật, các dấu hiệu thương mại (nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng sản phẩm…) cũng đóng vai trò quyết định trong việc tạo dựng vị trí cạnh tranh, bảo hộ và cải thiện lợi thế trên thị trường.

Vì vậy, vai trò quan trọng của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ chính là thiết lập một cơ chế cân bằng lợi ích giữa người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ và xã hội, trong đó bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể cũng bị ngăn chặn và xử lý. Bất kỳ nền kinh tế thị trường nào không có hệ thống sở hữu trí tuệ đều bị rơi vào tình trạng cạnh tranh hỗn loạn, thiếu lành mạnh và không có năng lực công nghệ nội sinh.

Bên cạnh đó, với cơ chế xác lập, quản lý quyền sở hữu trí tuệ theo trình tự do pháp luật quy định tạo ra hệ thống các dữ liệu kỹ thuật, kinh tế, pháp lý đầy đủ, phản ánh tình hình đổi mới của công nghệ, cập nhật các thông tin về tình hình kinh doanh... các kho dữ liệu đó vô cùng bổ ích cho giới nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, để Việt Nam có nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích hơn cũng như tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để phục vụ phát triển kinh tế bền vững, cần có sự chung tay chung sức của các chủ thể, nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong đổi mới sáng tạo, hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội. Các chủ thể sáng tạo cần nâng cao hơn nữa năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ vào hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như kịp thời đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các thành quả nghiên cứu của mình, doanh nghiệp cần phát huy vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.

Để thu hẹp khoảng cách từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực đồng hành với các trường đại học, viện nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm, công nghệ giải quyết các vấn đề thiết thực của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề môi trường đảm bảo phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, vấn đề hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ mới tạo ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống sở hữu trí tuệ (bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học... Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống sở hữu trí tuệ là phải được vận hành thật sự hiệu quả, kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ông Đinh Hữu Phí cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ mới được tạo ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường internet. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực của cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc xử lý đơn đăng ký các đối tượng mới; thúc đẩy hợp tác về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở quy mô khu vực và toàn cầu, bởi nhiều vấn đề sở hữu trí tuệ đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được.

Bên cạnh đó, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số sẽ trở nên khó khăn hơn, vì vậy các chính sách cần phải được nghiên cứu kỹ để vừa không ngăn cản sự phát triển của khoa học và công nghệ, vừa đảm bảo được an ninh, bảo mật và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ thỏa đáng. Đặc biệt là cần có sự kết nối giữa sở hữu trí tuệ và các ngành công nghiệp, bởi hệ thống sở hữu trí tuệ đã và đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp...

HL (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-264-doi-moi-sang-tao-va-cac-quyen-so-huu-tri-tue-vi-mot-tuong-lai-xanh-20200424131346665.htm