Ngày Tết, không thể không đến những ngôi chùa này ở xứ Huế

Chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, hay chùa Thánh Duyên... là những ngôi chùa có cảnh sắc hữu tình mà du khách đến Huế vào dịp đầu xuân không thể không đến viếng thăm.

 1. Chùa Thiên Mụ. Nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây, chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất của Huế. Đây cũng là một trong những ngôi Quốc tự của nhà Nguyễn ở đất Cố đô.

1. Chùa Thiên Mụ. Nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây, chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất của Huế. Đây cũng là một trong những ngôi Quốc tự của nhà Nguyễn ở đất Cố đô.

Chùa hình thành năm 1601, đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, có diện mạo như ngày nay vào năm 1844, khi vua Thiệu Trị cho xây lại chùa. Với kiến trúc hoàn mỹ và phong cảnh hửu tình, ngày nay chùa Thiên Mụ là điểm đến không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến thăm xứ Huế.

2. Chùa Diệu Đế. Tọa lạc bên bờ sông Đông Ba, gần cầu Gia Hội, chùa Diệu Đế được xây năm 1844 tại địa điểm vốn là một khu vườn hoàng gia, nơi sinh của vua Thiệu Trị năm 1807. Cũng như chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế là một ngôi Quốc tự của triều Nguyễn.

Khi mới xây, chùa có kiến trúc rất huy hoàng tráng lệ, được coi là một danh lam của đất kinh kỳ. Trong các cuộc chiến tranh, chùa đã bị hủy hoại nặng nề. Ngày nay, dù không còn giữ được vẻ đẹp nguyên bản nhưng chùa Diệu Đế vẫn là một trong những điểm tham quan nổi bật của Cố đô Huế.

3. Chùa Thánh Duyên. Nằm trên núi Túy Vân , cạnh cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chùa Thánh Duyên hay còn gọi là chùa Túy Vân có từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần, được vua Minh Mạng cho xây lại năm 1925. Đây cũng là một ngôi Quốc tự của xứ Huế.

Sau nhiều thế kỷ tồn tại, chùa vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ xưa với điểm nhấn là tòa tháp Điều Ngự nằm trên đỉnh núi Túy Vân. Từ nơi đây, có thể ngắm nhìn khung cảnh mỹ lệ của đầm Cầu Hai bao quanh chân núi...

4. Chùa Từ Đàm. Tọa lạc tại số 1 đường Sư Liễu Quán, thuộc phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chùa Từ Đàm có lịch sử từ thế kỷ 17, là một ngôi chùa cổ danh tiếng ở Huế.

Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Sau các cuộc trùng tu lớn vào những năm 2000, diện mạo của chùa đã thay đổi toàn diện khi tòa chính điện mới bề thế cùng tòa tháp Ấn Tôn 7 tầng uy nghiêm được xây dựng.

5. Chùa Từ Hiếu. Nằm ở thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, chùa Từ Hiếu hay Tổ đình Từ Hiếu có từ năm 1843, là một trong những ngôi cổ tự lớn, một danh lam có tính văn hóa và lịch sử của cố đô Huế.

Nằm giữa khung cảnh thơ mộng của một vùng đồi thông, chùa vẫn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc cổ xưa. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có có khá nhiều lăng mộ các vị phi tần của các chúa Nguyễn và cả một khu lăng mộ dành riêng cho các thái giám triều Nguyễn.

6. Chùa Thiền Lâm. Nằm ở phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chùa Thiền Lâm được thiền sư Hộ Nhẫn lập ra năm 1960, ngày nay nổi tiếng với kiến trúc Phật giáo Miến Điện độc đáo và cuốn hút.

Các công trình của chùa đều mang đậm dấu ấn Phật giáo Nam tông, với điểm nhấn là ngôi bảo tháp màu trắng đỉnh vàng cao vút, uy nghi mà thanh thoát giữa nền trời, được xây dựng theo phong cách Miến Điện.

7. Chùa Báo Quốc. Nằm ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế, chùa Báo Quốc được dựng vào cuối thế kỷ 17. Chùa đã được liên tục trùng tu, mở rộng đến cuối thế kỷ 19.

Trong lịch sử, chùa Báo Quốc là một trung tâm tu học quan trọng của xứ Huế. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo vào những năm 1930, chùa đã có nhiều đóng góp về mặt đào tạo tăng tài cho Phật giáo. Ngày nay, chùa cũng là một địa điểm tham quan được nhiều du khách ghé thăm ở Huế.

Xem video: Phong tục đón xuân vui Tết ở Việt Nam.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ngay-tet-khong-the-khong-den-nhung-ngoi-chua-nay-o-xu-hue-991715.html