Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhắc lại những cay đắng nghề bác sĩ

Ngày 27/2 là ngày tri ân những người làm công tác y tế, cũng là thời gian nhắc lại những khoảng tối của nghề khoác áo blouse này.

Nỗi ám ảnh mang tên "bạo hành"

Tổng hội Y học Việt Nam thống kê, trong giai đoạn 2010-2017 có 22 vụ bạo hành cán bộ y tế (khoảng 3 vụ/năm). Nghiêm trọng nhất là vụ bác sĩ Phạm Đức Giàu- Bệnh viện huyện Vũ Thư (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân sát hại ngay trong ca trực ngày 15/8/2018.

Cách đây vài ngày, ngay trước thềm kỷ niệm ngày Thầy thuốc 27/2, hai bác sĩ của bệnh viện Sản Nhi- Yên Bái sau khi phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân thì chính bị người thân sản phụ hành hung dã man dẫn đến thương tích nặng.

Đây mới chỉ là con số bề nổi được phát hiện và báo chí đưa tin, còn hàng trăm vụ bạo hành y tế mà nhân viên y tế thầm lặng chịu đựng hoặc không báo cáo. Bác sĩ Trần Ánh Dương, người có thâm niên trong nghề còn cho hay: "Tôi có nhiều đồng nghiệp kể lại người nhà bệnh nhân chạy vào phòng tiểu phẫu dùng dao dí vào cơ thể bác sĩ và bắt phải khâu cho người nhà anh ta một cách cẩn thận nếu không bị giết. Ngoài ra, nhục mạ nhân viên y tế xảy ra như cơm bữa".

Trao đổi về vấn đề này, BS Võ Xuân Sơn, người theo đuổi mục tiêu chống nạn bạo hành cũng trao đổi: "Hiện nay, nhận thức về việc chống bạo hành y tế trong xã hội chúng ta rất sai lệch. Nhóm côn đồ trên mạng sẵn sàng tìm mọi cách minh chứng cho việc bạo hành y tế là đúng, là cần thiết. Nhiều người dân có những kinh nghiệm không tốt với y tế thì nhầm lẫn giữa việc chống bạo hành y tế với những tiêu cực trong đội ngũ nhân viên y tế, họ chỉ nghĩ đơn giản, rằng bệnh nhân bức xúc dẫn đến bạo hành, mà không nghĩ rằng rất nhiều các trường hợp bạo hành y tế không xuất phát từ sai sót của nhân viên y tế, thậm chí, không phải sai sót của ngành y".

Đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra nhằm bảo vệ cho sự an toàn của những người làm công tác y tế. Tuy nhiên, dường như ngành y vẫn phải đơn độc chống lại nạn hành hung người làm nghề. Nhắc đến câu chuyện này, BS Võ Xuân Sơn cũng cho hay: "Nguy hiểm nhất là sự im lặng của phần đông người dân. Đây là tình hình chung liên quan đến nhận thức về trách nhiệm xã hội của đa số người dân trong xã hội ta. Khi chưa có tiếng nói của các cơ quan chức năng, gần như đa số người dân chưa dám ý kiến, chưa dám thể hiện sự ủng hộ hay chống đối. Trong khi đó, bạo hành y tế không mang lại lợi ích kinh tế cho bất cứ nhóm lợi ích nào, cũng không đe dọa đến an ninh, tính mạng và nhân phẩm của nhân viên y tế chưa phải là mối bận tâm của các cán bộ lãnh đạo, thì chẳng ai dám mạo hiểm để đứng ra bênh vực cho nhân viên y tế cả".

Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm

Cách đây gần 3 năm, sự việc đáng nhớ đã xảy ra đối với 18 y bác sĩ làm nhiệm vụ trong một kíp mổ đặc biệt tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Nhắc lại quãng thời gian bản thân cũng 17 nhân viên y tế khác hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm HIV, ThS.BS Lưu Quốc Khải (Trưởng Khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) vẫn không khỏi bồi hồi.

Ngày 4/7/2015, TBS Khải đang trên đường đưa con đến lớp học thêm. Bác sĩ chỉ kịp thả con trước cổng trung tâm, nhờ người bảo vệ đưa bé vào lớp rồi nhanh chóng phóng xe đến nơi mà anh đã gắn bó hơn 20 năm.

Cách đó mấy trăm mét, bác sĩ Nguyễn Nhật Hoan (Phó Khoa Gây mê Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) đang làm những công việc quen thuộc của một người bác sĩ trực tại khoa. Nghe thấy thông báo tối cấp cứu, anh dốc sức chạy về Phòng Cấp cứu.

BS. Nguyễn Nhật Hoan nhớ lại ca mổ đặc biệt của mình (Gia đình mới)

9 giờ 45 phút, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận một ca cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Da bệnh nhân vàng nhợt, mạch yếu; huyết áp tụt sâu tới mức không thể đo được nữa; nhịp tim rời rạc, gần như không đập; máu từ âm đạo tuôn xối xả, phun thành dòng.

Ngay lập tức, lệnh báo động đỏ được đưa ra, 18 y bác sĩ từ các phòng, khoa của bệnh viện được huy động để cấp cứu, giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Khoảng 5 phút sau khi tiếp cận bệnh nhân, có kết quả thông báo “Bệnh nhân dương tính với virus HIV”. Lúc đó, tất cả mọi người có mặt tại Phòng cấp cứu đều lặng người, ê-kíp mổ đang thao tác phẫu thuật cho bệnh nhân bỗng sững lại. Riêng bác sĩ Khải, anh nhìn ngay xuống chân mình đang ngập trong máu của bệnh nhân và nhớ lại chi tiết chiếc kim mà mình bị chọc vào tay lúc trước.

Nhớ lại khoảnh khắc tiếp cận ca tối cấp cứu, bác sĩ Khải kể: "Chúng tôi không có đủ thời gian để đưa bệnh nhân tới phòng phẫu thuật và cũng không ai nghĩ được việc phải phòng vệ cho bản thân và đồng nghiệp. Chỉ cần chậm 2 – 3 phút, bệnh nhân sẽ không qua khỏi, nên các y bác sĩ không ai kịp trang bị phòng hộ, nhanh chóng thực hiện hồi sức ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân. Khi thấy tim bệnh nhân đập trở lại, kíp trực quyết định thực hiện ca mổ ngay trong phòng cấp cứu, vì nếu đưa vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim lần hai và sẽ tử vong."

“Khi nghe tin bệnh nhân bị nhiễm HIV, ai cũng ngỡ ngàng nhưng sau đó, chẳng ai bảo ai, tất cả lấy lại bình tĩnh, khẩn trương làm nốt các phần việc của ca phẫu thuật”, bác sĩ Khải tâm sự.

Vào ngày 8/7/2015, 30 cán bộ, nhân viên nghi phơi nhiễm HIV đã được Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật xét nghiệm Murex HIV Ag/Ab. Kết quả xét nghiệm của toàn bộ số cán bộ, nhân viên này đều âm tính.

Tới ngày 5/8, theo đề nghị từ phía bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hà Nội tiếp tục tiến hành lấy mẫu máu DBS cho 18/19 nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao với HIV (1 nhân viên không có nhu cầu làm xét nghiệm PCR). 24 ngày sau, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội thông báo kết quả xét nghiệm PCR cho thấy tất cả 18/18 y bác sĩ đều âm tính với virus HIV.

Không chỉ HIV, các căn bệnh nguy hiểm khác như bệnh than, viêm gan B, viêm gan C, ho gà, viêm màng não là những căn bệnh nguy hiểm nhất các bác sĩ cũng phải đối mặt ở nơi làm việc của mình.

Phạm Trang (TH)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ngay-thay-thuoc-viet-nam-nhac-lai-nhung-cay-dang-nghe-bac-si-d64521.html