Ngày Thống nhất non sông, nghĩ về hòa giải và đoàn kết cùng phát triển

30-4-1975 là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc sau bao nhiêu năm chiến tranh, đất nước được giải phóng, giang sơn thu về một mối. Đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra sẽ không tránh khỏi nhưng sẽ được hàn gắn đoàn kết cùng phát triển.

Thống nhất và hòa giải

Hơn 5 triệu người Việt hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài là tài sản, nguồn lực, vật lực vô giá với đất nước. Nếu chúng ta làm cho mọi người Việt Nam cùng đồng tâm hợp lực để xây dựng đất nước, đó sẽ là động lực, sức mạnh to lớn để xóa nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Khi tôi sang giảng dạy ở Nhật Bản, nhiều giáo sư người Nhật đã nói với tôi: “Các ông đang có một số lượng người làm ăn sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp… đáng mơ ước đối với nhiều nước. Lực lượng này sẽ đóng góp rất lớn cho đất nước các ông và các ông phải biết trân trọng và làm mọi cách thu hút tiềm năng chất xám cũng như tiền bạc của cộng đồng này để xây dựng đất nước”.

Thực tế, suốt mấy chục năm chiến tranh đã để lại những di chứng hết sức nặng nề, nó phân hóa người Việt khá sâu sắc. Vì vậy để hóa giải rồi tiến tới hòa giải và hòa hợp là cả quá trình lâu dài, phức tạp. Công việc đã khó lại cộng thêm với những điều kiện, hoàn cảnh và cả những sai lầm đáng tiếc, đã làm tiến trình này diễn ra chậm hơn sự kỳ vọng của chúng ta. Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo tôi nói đến hòa giải, trước hết chúng ta phải “hòa giải" cái đầu mình đã.

"Hai người lính" - chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo (trái) và người lính Việt Nam cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 4-1973, và họ gặp lại nhau đầu năm 2018 cũng tại địa điểm năm xưa. Ảnh: Chu Chí Thành

"Hai người lính" - chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo (trái) và người lính Việt Nam cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 4-1973, và họ gặp lại nhau đầu năm 2018 cũng tại địa điểm năm xưa. Ảnh: Chu Chí Thành

Ở nước ta hiện nay còn có những người sợ nói về vấn đề hòa giải dân tộc. Họ nghĩ rằng nếu nói về vấn đề này sẽ làm giảm ý nghĩa của thắng lợi, đánh đồng ta với địch. Lại có người có tư tưởng là ta chỉ hòa giải với người Việt Nam ở nước ngoài. Một khi còn có tư tưởng hòa giải là “ban ơn” không thể có hòa giải, hòa hợp dân tộc. Muốn hòa giải để tiến tới hòa hợp dân tộc chúng ta phải hết sức chân thành, độ lượng, lấy đại nghĩa làm trọng, lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết.

Có thể lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm dẫn chứng cụ thể. Đó là ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã tập hợp được Chính phủ với nhiều thành phần, giai tầng tham gia. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã rời bỏ cuộc sống sung túc ở nước ngoài về tham gia kháng chiến. Thực tế, vai trò quan trọng của hòa giải, hòa hợp dân tộc trong quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam không phải không được chú trọng.

Bằng chứng là ngay khi bước từ cầu thang máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất sáng 1-5-1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình vấn đề hòa giải dân tộc. Sau này Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều nhà lãnh đạo khác đã không chỉ một lần nói về tầm quan trọng của vấn đề này.

Đoàn kết cùng phát triển

Việt Nam đang đứng trước cả vận hội lẫn thách thức. Vận hội có nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Trong thời đại mở cửa, nhất là trong bối cảnh hiện nay, những đối tác muốn hợp tác với Việt Nam rất nhiều, nhưng bên cạnh đó cũng không ít thế lực muốn Việt Nam yếu đi. Để muốn làm cho Việt Nam yếu họ có nhiều cách, dùng nhiều thủ đoạn. Họ không chỉ nhắm vào việc làm cho Việt Nam suy yếu tiềm lực “phần cứng” mà còn cả “phần mềm” - đó là làm ảnh hưởng đến uy tín, hạ bệ làm xấu hình ảnh Việt Nam. Điều này càng đòi hỏi người Việt trong và ngoài nước cần phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa.

Hãy soi vào tấm gương về chính sách đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ Hồ là hạt nhân cho đoàn kết dân tộc, là biểu tượng không quốc gia nào có được, không chỉ là chí sĩ yêu nước, còn là biểu tượng của đoàn kết. Cụ Hồ là người đã nhìn ra sức mạnh cội nguồn của dân tộc Việt Nam là truyền thống tương thân tương ái để làm mọi việc, chứ không phải chỉ là giành độc lập.

Đó là nguyên tắc đoàn kết, đồng lòng theo truyền thống dân tộc. Từ thế kỷ 13, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng đã nói, đại ý: trên dưới đồng lòng, cả nước góp sức thì sẽ thắng được giặc dữ là quân Nguyên Mông. Câu “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” sau này Cụ Hồ vẫn thường nhắc đi nhắc lại không phải là để nói cho vui, mà là tư tưởng được đúc kết ra từ văn hóa, tư tưởng, truyền thống dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận cực kỳ quan trọng của dân tộc ta. Không nên có khái niệm “Việt kiều yêu nước”, mà nên mặc định rằng đã là người Việt Nam ai cũng yêu nước. Có người còn lưu luyến với quá khứ, với chế độ mà mình đã từng phục vụ cũng là chuyện bình thường, do đó ta cần hiểu họ, tôn trọng họ và sẵn sàng đối thoại để tìm ra tiếng nói chung và đoàn kết trong xây dựng đất nước.

Đó cũng chính là hòa giải. Có nghĩa chúng ta cần lấy đại cục làm trọng, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để ứng xử, để thu phục lòng người, để hóa giải những vướng mắc và đi đến hòa hợp dân tộc.

Hiện nay, song song với việc phát triển kinh tế chúng ta đang cải cách thể chế, từng bước xây dựng một xã hội dân chủ, chú trọng phát triển hài hòa giữa cuộc sống vật chất và tinh thần. Lịch sử đã cho ta thấy những bài học giá trị. Chế độ nào chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, được người dân đồng lòng, yêu quý thì tồn tại khá dài.

Ngược lại chế độ nào hà khắc, độc tài sẽ sớm bị diệt vong. Đọc hồi ký của nhà sử học Trần Huy Liệu (ông từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), tôi rất thấm thía một ý ông nói, là một chế độ sợ người dân hơn sợ giặc trước sau gì cũng bị diệt vong. Đó là những bài học chúng ta cần ghi nhớ.

Những người có công thì phải nhớ, phải đền ơn, đáp nghĩa. Chúng ta không bao giờ được phép lơ là việc làm nghĩa tình ấy. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, khi nhớ ơn là phải kỳ thị người khác. Mặc dù trong chính sách của Nhà nước hiện nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ, được thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng điều quan trọng là phải cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội , Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ngay-thong-nhat-non-song-nghi-ve-hoa-giai-va-doan-ket-cung-phat-trien-post103965.html