Ngày Trung Quốc 'đoạt ngôi' của Mỹ đã rất gần?

Câu hỏi các chuyên gia đặt ra lúc này không phải là Trung Quốc có thể vượt Mỹ hay không mà là bao giờ?

Ngày Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rất gần

Bất cứ khách du lịch nào dù có thường xuyên tới Trung Quốc nhiều đến mấy cũng không thể không nhận thấy đất nước này đang thay đổi vượt bậc.

Hàng nghìn tòa nhà, cây cầu và con đường mới, hàng chục sân bay hiện đại mới toanh, đặc biệt là tàu cao tốc đệm từ vun vút đã xuất hiện trên khắp đất nước Trung Quốc, tất cả đều phản ánh đầu tư hạ tầng chiến lược của Bắc Kinh.

Vài năm trước, quốc gia này nổi tiếng sản xuất những sản phẩm công nghệ “bắt chước” nhưng nay, họ đang cho ra lò những sản phẩm sáng tạo, độc đáo mà người dân thành thị có thể mua qua điện thoại. Họ cũng ghi dấu ấn thế giới với những công trình “bậc nhất thế giới” như cầu vượt biển Qingdao Haiwan, 42 km, dài nhất thế giới được xây dựng chỉ trong vòng 4 năm.

Cầu vượt biển dài nhất thế giới Qingdao Haiwan

Các trường đại học tại Trung Quốc sản sinh ra hàng triệu sinh viên ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học góp phần vào nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ dẫn đầu thế giới trong ngành trí tuệ nhân tạo và phương tiện tự lái.

Theo nhận định của một chuyên gia trên báo Fox News của Mỹ, với những bước phát triển vượt bậc đó, không ai còn tranh luận liệu Trung Quốc có thể vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không mà chỉ bàn về vấn đề thời gian.

Trung Quốc chú trọng phát triển các ngành kỹ thuật, công nghệ, toán học...

Theo chuyên gia Gary Shapiro, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hiệp hội Tiêu dùng Công nghệ đại diện cho 2.200 công ty công nghệ và là tác giả bán sách chạy nhất của NYT nhận định, Trung Quốc đang thực hiện một cuộc chuyển đổi từ “công xưởng của thế giới” sang nền kinh tế đứng đầu, sáng tạo có thể làm mọi thứ. Họ cũng chuyển dần từ chính sách cô lập hóa sang mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Trung Quốc đầu tư tích cực, đẩy mạnh phát triển xe tự lái

Trong khi đó Mỹ lại đang đi ngược lại, trở về với chủ nghĩa cô lập như đơn phương áp thuế đối với các đối tác thương mại, không trọng dụng những người nhập cư có bằng khoa học, công nghệ, toán học... Chính phủ Mỹ cũng ngừng đầu tư vào hạ tầng.

Tỉ lệ thâm hụt (nợ nần mà các thế hệ sau của Mỹ phải chi trả) ngày càng sâu rộng, dự kiến khoảng 1 nghìn tỉ USD trong năm 2019.

Trang Trần (Theo Fox News)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ngay-trung-quoc-doat-ngoi-cua-my-da-rat-gan-d269442.html