Ngày xưa yêu dấu...

Hơn 40 năm sau quay trở lại nơi ấy. Hỏi thăm nhau, rưng rưng hay tin người mất, người còn, người bệnh tật, ốm đau...Nao nao buồn...Bùi ngùi nhớ... Ngày xưa ơi...

"Ngày xưa yêu dấu...", đó là khi nhiều người lứa chúng tôi (sinh vào thập niên 60 của thế thế kỷ 20) mỗi khi nói về thời bao cấp.

Trước năm 1975, các cán bộ công nhân viên của cơ quan bố tôi - Công ty Khai hoang cơ giới - Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, chủ yếu là các cô chú người miền Nam tập kết.

Trong cơ quan có 2 khu, khu làm việc và khu gia đình, nên ở đâu cũng thấy tiếng nói của người miền Nam và cái chất hào sảng của dân Nam bộ. Các cô chú khi ấy, người thì có gia đình, vợ chồng cùng đi tập kết, người thì vợ Bắc chồng Nam, hoặc có người độc thân. Thời bao cấp, cả nước khó khăn, ai ai cũng thi nhau tăng gia sản xuất, nuôi gà trồng rau.

Các chú độc thân hay trồng dưa, trồng mía. Lũ chúng tôi lúc ấy choai choai tuổi 12-13, thường rủ nhau đi đến nhà của các chú xin mía, xin dưa. Xin nhiều quá thì ngại, nên những đêm trăng sáng, cũng là nghịch ngợm đã rủ nhau chặt trộm mía, bẻ trộm nhãn, kéo ra một góc hỉ hả ngồi chén với nhau. Chả cần ai tố thì các chú cũng biết. Ấy vậy mà chưa một lần đứa nào bị mắng hay bị mách với bố mẹ.

Ngày xưa ơi. Ảnh minh họa: IT

Tôi là một đứa trẻ, con của cán bộ trong cơ quan. Tôi đã nhớ và sẽ không bao giờ quên hình ảnh ngày hôm ấy, khi tôi làm hồ sơ xin thi vào đại học (cái thời đó phải khai lý lịch gia đình, phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú). Tôi đã gặp chú Huỳnh Kỳ (Phó Chủ nhiệm công ty nơi bố tôi làm việc) để xin xác nhận. Sau khi nghe tôi trình bày xong, chú cầm bút ghi một mạch. Tôi đứng đọc theo ngòi bút của chú mà phấn khích vô cùng. Ký tên, đóng dấu xong, chú nhìn tôi và nói :

- Các cháu còn đầy tương lai ở phía trước. Nhiệm vụ của các chú là phải tạo mọi điều kiện cho các cháu. Tương lai thuộc về các cháu.

Tôi cảm động trước sự quan tâm của chú. Và tôi nghĩ, chú đã cho tôi niềm tin để bước vào kỳ thi đại học năm ấy.

Đấy là chú Phó Chủ nhiệm công ty.

Còn bác Chủ nhiệm công ty của bố tôi tên là Lâm Thái Hòa, quê ở Tây Ninh.

Trong trí nhớ của tôi, bác thật đẹp. Vóc dáng vạm vỡ, tóc bác bạc phơ, da dẻ lúc nào cũng hồng hào, rất hay cười nữa. Hồi ấy mọi người nói rằng vợ chồng bác đều mang quốc tịch Pháp. Có lẽ vì thế mà phong cách của bác rất...Tây. Vợ bác người nhỏ nhắn, chuyên mặc áo bà ba và khăn rằn lúc quàng cổ lúc quấn quanh đầu.

Nhà bác ở một khu riêng, cách một cái mương nhỏ là khu nhà của cán bộ, công nhân viên. Tiếng là khu riêng nhưng cũng chỉ là căn nhà cấp 4 nền láng xi măng, mái lá cọ.

Bác có mấy người con, trong đó có người vẫn còn ở lại miền Nam. Vợ chồng anh con trai lớn cũng là cán bộ, công nhân viên của công ty. Nhà anh chị ấy cũng ở trong khu tâp thể như mọi người. Bác có người con gái học trường sân khấu, xinh ơi là xinh, là niềm mơ ước của lũ con gái mới lớn chúng tôi. Bác có 2 con trai nhỏ tuổi sàn sàn với chúng tôi. Vì thế bọn tôi có dịp được vào chơi trong nhà của bác.

Là Chủ nhiệm công ty, mang phong cách cởi mở nên dưới "triều đại" của bác Lâm Thái Hòa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của công ty sôi nổi lắm. Năm nào cũng 2 lần công ty tổng kết thi đấu giao hữu bóng chuyền, hội diễn văn nghệ. Cán bộ, nhân viên của các đội lao động ở các tỉnh háo hức về tham gia. Những ngày ấy không khí công ty vui như ngày hội.

Nếu nhắc đến kỷ niệm tuổi thơ, lũ chúng tôi sẽ chẳng đứa nào quên những ngày vui ở Đồ Sơn thuở ấy. Sau chiến thắng 12 ngày đêm trên không của thủ đô Hà Nội năm 1972, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Bác Chủ nhiệm Lâm Thái Hòa đã cho tất cả trẻ con chúng tôi đi nghỉ một tuần ở Đồ Sơn, ở Bãi Cháy, có mấy cô chú đi kèm. Cũng nhờ dịp đó, lũ chúng tôi vừa được biết thế nào là biển vừa có cơ hội thể hiện anh tài với trẻ con đất cảng Hải phòng.

Ngày xưa ơi. Ảnh minh họa: IT

Ngày ấy công ty vẫn còn phải xây dựng. Xe ô tô chở gạch đổ về. Lũ trẻ chúng tôi được phép xếp gạch gọn lại để có thù lao. Cứ 200 viên thành một cột nhỏ gọi là một kiêu. Thế là cứ sau giờ học bài, bãi đất trống trong công ty lại rộn ràng. Chúng tôi cùng nhau chuyền tay những viên gạch. Từng kiêu gạch được xếp lên và thêm cả những trò ma mãnh trẻ con. Đó là những đồng tiền đầu tiên chúng tôi có được bằng chính sức lao động của mình.

Bây giờ nhà nào cũng có ti vi và ti vi phát sóng 24/24 giờ, đủ các loại kênh nên chẳng ai có được cái háo hức khi nhập nhoạng tối, ăn cơm xong vội vàng ra hội trường ngồi xem ti vi như những ngày xa xưa ấy. Hồi ấy cả cơ quan có một cái ti vi để ở hội trường, do một chú quản lý. Tôi nhớ lúc đó Đài Truyền hình Việt Nam mới phát sóng thực nghiệm. Mở đầu chương trình của ngày bao giờ cũng có dòng chữ CHƯƠNG TRÌNH THỰC NGHIỆM. Tất cả mọi người trong cơ quan im phăng phắc theo dõi các chương trình được phát trong vài giờ. Có hôm vì trục trặc, một chú phải leo lên nóc hội trường để chỉnh ăng ten theo sự điều khiển của những người bên dưới. Những lúc đó lũ choai choai nháy nhau đi chặt trộm mía. Vui nổ trời.

Ai đã sống trong thời bao cấp đều hiểu và biết cái sự đạm bạc của những bữa cơm. Tiêu chuẩn thực phẩm chỉ có hạn trong những tờ tem phiếu. Thỉnh thoảng công ty lại rộn rã khi có chiếc xe ô tô chở những con cá mè to tướng từ Lạng Sơn về chia cho từng nhà. Những con cá to và cực béo. Nhà nào cũng được một bữa cá tươi trước đã rồi sau đó là xẻ ra phơi khô.

Tôi vẫn nhớ như in những xâu cá được bố tôi treo trên nóc bếp. Mỗi khi bếp củi cháy hồng, từng giọt mỡ cá tí tách rơi xuống. Rồi cái cảm giác khi miếng thịt bụng cá mè nằm gọn trong miệng với miếng cơm nó ngậy đến vô cùng. Chao ôi, ngon mãi giờ vẫn nhớ.

Thỉnh thoảng lũ trẻ chúng tôi lại được thông báo xách can, xách xô xuống đội xe để các chú công nhân xả dầu madut, bổ sung cho tiêu chuẩn phiếu dầu hạn hẹp mà nhà nước bao cấp mua bằng tem phiếu.

Tất cả những ưu ái đó chỉ có được ở "triều đại" của bác Lâm Thái Hòa.

Không biết có phải vì bác có đứa con trai bằng tuổi của tôi hay không, nhưng với riêng tôi, cũng được bác ưu ái đặc biệt.

Một trưa đi học về ngang qua nhà bác, bác gọi tôi vào và đưa cho một quyển album nhấp nháy, bìa là ảnh của diễn viên Thẩm Thúy Hằng. Đó là model thủa ấy.

Bác nói, bác vừa từ miền Nam ra và mua quà cho tôi. Cầm cuốn album mà tôi sung sướng khôn tả. Đấy là mong muốn của bao cô gái Bắc sau giải phóng miền Nam. Cuốn album được tôi nâng niu đến khi sang Đức (1988) phải để lại ở nhà và sau đó thất lạc ở đâu tôi không biết nữa.

Hàng sáng đi học, bao giờ bố tôi cũng bắt phải ăn sáng. Quan niệm của bố tôi là nếu không ăn, bụng đói sẽ không tiếp thu được lời thầy giảng bài. Tôi cứ phải tuân theo.

Sáng đó trời lạnh, ngại chui ra khỏi chăn, tôi dùng dằng không muốn dậy rang cơm. Bố giục mãi không được, cáu quá, túm tôi tát cho một cái. Vốn trẻ con, tôi gào khóc rồi cặp sách đi học.

Chiều về, thấy bố tôi thay đổi thái độ với tôi. Vồn tính nghiêm khắc với con gái, giờ bố tôi lại rất nhẹ nhàng, ân cần như người có lỗi. Tôi cũng thấy là lạ. Tối sang nhà bạn học nhóm, tôi mới hay là lúc đi làm, bác Lâm Thái Hòa đã gặp bố tôi và "giáo huấn". Bác đã bênh vực tôi . Và ngày sau, khi tôi đi học về, bác đã gọi vào nhà hỏi xem bị bố đánh có đau không. Lúc ấy, vì tủi thân tôi đã khóc..

Sau ngày giải phóng miền Nam một thời gian, các cô chú lần lượt trở về quê của mình. Bác Lâm Thái Hòa cùng gia đình, con cái cũng về Tây Ninh. Công ty của bố tôi có bác chủ nhiệm mới... Và lịch sử đã sang trang. Lịch sử không lặp lại. Không khí của "triều đại" bác Lâm Thái Hòa chỉ còn trong những câu chuyện bắt đầu bằng mấy chữ "ngày xưa"...

Bốn mươi năm sau, lũ choai choai chúng tôi ngày ấy - giờ lớp lớn tuổi đã bắt đầu bằng con số 6 đuôi chơi vơi, tụ nhau trở lại chốn xưa. Tên công ty đã thay đổi vì tính chất công việc. Cổng vào công ty đã khác. Tất cả đều khác chỉ còn vài cô chú đã nghỉ hưu ở lại khu gia đình.

Các cô chú mừng vui khi thấy lũ trẻ ngày xưa, gần như đủ mặt kéo nhau trở về. Lũ trẻ phục lăn khi các cô, các chú tuổi trên dưới 80 vẫn chỉ mặt đọc đúng tên từng đứa một.

Hỏi thăm nhau, rưng rưng hay tin người mất, người còn, người bệnh tật ốm đau...

Chúng tôi tìm về dãy nhà xưa, chỉ cho nhau, đây là nhà mày, đấy là nhà tao, kia là nhà cô Huê, nhà chú Trí, kia nữa là nhà bác Lâm Thái Hòa...

Nao nao buồn...

Bùi ngùi nhớ...

Ngày xưa ơi...

Hạnh phúc là gì?

Như Lý Đào (từ Liên bang Đức)

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ngay-xua-oi-179230403195246538.htm