Ngày Xuân trò chuyện với nữ Phó Viện trưởng chuyên 'đấu' với tội phạm hình sự

Như một duyên định, gần 30 năm công tác trong ngành Kiểm sát, chỉ 3 năm làm công tác văn phòng, còn lại công việc của chị gắn với án hình sự, với khái niệm tội phạm và hình phạt. Trong suốt quãng thời gian đó, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Hương Lan luôn nỗ lực vượt lên chính mình để hoàn thành tốt công việc được giao. Chị thấy tự hào vì được cống hiến và trưởng thành trong ngành Kiểm sát. Với chị, đây là môi trường mà chị được thỏa sức cống hiến, bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải.

Nghề chọn người

Ấy vậy mà cách đây 34 năm, vào năm 1986, sau khi tốt nghiệp PTTH, khác với đám bạn cùng trang lứa sôi nổi đăng ký vào học các trường sư phạm, ngân hàng, tài chính, những ngành “hót” nhất thời bấy giờ, cô gái 17 tuổi Hương Lan lại khá thờ ơ trong việc chọn trường.

Một hôm, vô tình nhìn thấy trên bảng tin của trường có dán thông báo tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội. Khi ấy, dù chưa hề biết đến trường này, cũng không hiểu gì về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, nhưng cái trên Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội lúc ấy, ngành học lúc ấy cũng có sức hấp dẫn nhất định với chị. Thế nhưng, chị suy nghĩ, nếu theo học Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội, Hương Lan sẽ phải ra Thủ đô để học, đồng nghĩa với việc phải xa gia đình, tạm biệt cuộc sống bay nhảy hồn nhiên ở xóm chài ven biển quê hương. Sau đó, Hương Lan quyết định thi và học chuyên ngành luật ở Trường Đại học pháp lý Hà Nội, có phân hiệu học tại TP HCM cho đỡ xa gia đình.

Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Hương Lan nghe báo cáo án tại đơn vị.

Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Hương Lan nghe báo cáo án tại đơn vị.

Bốn năm sau, tốt nghiệp ra trường, tân nữ cử nhân pháp lý không ở lại thành phố lớn lập nghiệp như nhiều sinh viên khác mà quay trở về quê (Phan Thiết, Bình Thuận) để chờ Sở Tư pháp tỉnh phân công công tác.

Một ngày, chú Tuấn (bạn của bố Hương Lan), trên đường từ cơ quan về nhà nhân tiện ghé thăm gia đình chị, trên người vẫn mặc nguyên bộ trang phục xanh của ngành Kiểm sát. Bộ trang phục chú mặc đã gây ấn tượng đối với nữ tân cử nhân. Chú Tuấn cho biết, VKSND tỉnh Bình Thuận đang có thông báo tuyển dụng cán bộ, chú đã khích lệ Hương Lan nộp hồ sơ thi tuyển. Và như nghề chọn người, không mấy khó khăn, Hương Lan được tuyển dụng vào VKSND tỉnh.

Khi mới được tuyển dụng vào Ngành, Hương Lan được lãnh đạo Viện phân công làm công tác văn phòng. Dù công việc thực tế mới mẻ, bỡ ngỡ song nữ cử nhân xinh đẹp, có dáng người thanh mảnh bắt nhịp rất nhanh. Chị sắp xếp các đầu việc rất khoa học, thực hiện công việc bằng tinh thần trách nhiệm cao. Làm việc chưa được bao lâu nhưng chị đã được lãnh đạo cũng như đồng nghiệp quý mến, tín nhiệm, đánh giá cao về năng lực chuyên môn.

Sau 3 năm làm công tác văn phòng, năm 1993, Hương Lan được phân công giải quyết án hình sự. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong sự nghiệp của chị. Để rồi từ đó đến nay, sau 29 năm trong nghề, như một duyên định, dù là “lính” hay lãnh đạo thì Hương Lan vẫn nhất mực “chung thủy” với án hình sự.

Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Hương Lan.

Chị nhớ lại, khi mới được phân công giải quyết án trong lĩnh vực hình sự, chị là “lính” làm mảng án xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Đến năm 2007 – 2008, chị được lãnh đạo tín nhiệm, phân công thụ lý giải quyết vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Đất Mũi Né (tên gọi cửa miệng của những người làm án lúc đó để dễ nhớ – PV), đây là vụ án về đất đai nổi tiếng lúc bấy giờ ở tỉnh Bình Thuận, lần đầu tiên phải xử lý nhiều cán bộ đương chức. Nhiệm vụ này gây không ít áp lực đối với chị lúc đó.

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị đã phải tìm tòi, nghiên cứu rất nhiều tài liệu quy định về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Cái khó là thời điểm đó, văn bản luật cũng như các quy định dưới luật về đất đai có nhiều nội dung còn chồng chéo, bất cập nên rất khó trong việc viện dẫn để bảo vệ quan điểm xử lý khi báo cáo lãnh đạo Viện, báo cáo tại các cuộc họp liên ngành. Cái khó nữa là các đối tượng trong vụ án, tất cả đều đang đương chức nên có nhiều mối quan hệ “khó nói”, chị bị tác động dưới dạng những cuộc điện thoại, sự gửi gắm dưới nhiều hình thức...

Nhưng nhờ có sự đoàn kết, hỗ trợ của đồng nghiệp cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Viện, sau đó VKS đã ra cáo trạng truy tố và bảo vệ được quan điểm truy tố. Tại phiên tòa, Tòa án đã chấp nhận cáo trạng và quan điểm đề xuất giải quyết vụ án của đại diện VKS.

Đôi khi phải “gồng mình” để mạnh mẽ hơn

Khi được hỏi: “Nhìn vẻ ngoài của chị, không ai có thể nghĩ rằng chị lại là “sát thủ” của nhiều loại tội phạm khét tiếng. Vậy là nữ giới, chị có gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không?”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, chị chia sẻ: Mình cũng như bao phụ nữ khác, bản chất là dễ mềm lòng, dễ xúc động, dễ quyết định theo cảm tính trong công việc và trong cuộc sống.

Thế nhưng, nghề Kiểm sát lại là nghề khô khan bởi thường trực trong đầu là những điều luật, những hình phạt và luôn tiếp xúc với tội phạm.

Do đó, ngay từ khi được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, mình luôn nhắc nhở, đòi hỏi bản thân phải cứng rắn, mạnh mẽ hơn trước mọi hoàn cảnh. Mạnh mẽ, quyết liệt để đấu tranh với những phương thức, thủ đoạn mưu mô của tội phạm, để giải quyết tốt công việc của một Kiểm sát viên làm án hình sự.

Do vậy, có đôi khi, mình cảm thấy mệt mỏi vì phải “gồng mình” để trở nên mạnh mẽ hơn.

Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Hương Lan cùng các đồng nghiệp nữ.

Mình cũng như những chị em phụ nữ khác, ngoài công việc ở cơ quan còn phải chăm lo cho các thành viên trong gia đình, đây cũng là việc rất quan trọng hàng ngày nên nhiều khi, mình cảm thấy bị áp lực về thời gian để có thể hoàn thành tốt cả hai vai trò này. Mình phải cố gắng nhiều, nhiều lúc phải gồng mình lên để cân bằng giữa công việc và gia đình.

Trong công tác, mình luôn ý thức làm sao hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, dù với vị trí là “lính” hay lãnh đạo.

Trong quá trình làm nghiệp vụ, những khó khăn mình gặp phải: Đó là khi tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi vào ban đêm, vào những lúc trời nắng bỏng rát hay khi mưa gió, cứ đến lịch trực của mình là phải lên đường làm nhiệm vụ. Đó là khi tiếp xúc với tội phạm, mình luôn phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, bình tĩnh, phải cố gắng để tránh biểu lộ cảm xúc ra ngoài, tự quyết liệt hơn với chính bản thân mình.

Để làm được những điều đó, người phụ nữ như mình phải luôn rèn luyện, tích lũy cho mình những tố chất cần thiết nhiều hơn so với nam giới.

Có thể vì điều đó mà đôi khi mình thấy không còn là chính mình (mất đi nét duyên dáng, mềm mại vốn có của người phụ nữ - cười).

Còn khi với vai trò là lãnh đạo quản lý, được phân công phụ trách Phòng giải quyết án hình sự, nhiều lúc rất áp lực, làm sao để không xảy ra việc làm oan, sai, nhưng cũng không được bỏ lọt tội phạm...

Nói về gia đình nhỏ của mình, chị thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc. Chị bảo: Đối với công tác xã hội và gia đình, bản thân mình đã đến độ tuổi này, không còn những ước mơ lãng mạn vu vơ, mong muốn của mình hiện tại là có cuộc sống bình an và có nhiều sức khỏe để tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong gia đình và ngoài xã hội.

Để có được sự trưởng thành của ngày hôm nay, mình may mắn có được sự hỗ trợ rất lớn từ ông xã của mình. Anh cũng là công chức nên cũng hiểu, cảm thông và giúp đỡ việc nhà cho mình rất nhiều. Con mình cũng đã lớn, tự giác học hành, chăm ngoan. Mình cảm thấy cuộc sống của mình như vậy là rất mãn nguyện rồi, không đòi hỏi gì thêm. Chỉ mong tất cả thành viên trong gia đình mình, các đồng nghiệp và bạn bè gần xa sức khỏe, bình an và hoan hỉ.

Hoa Việt

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/nhan-to-dien-hinh/ngay-xuan-tro-chuyen-voi-nu-pho-vien-truong-chuyen-dau-voi-toi-pham-hinh-su-81786.html