Nghe 3 nhân chứng kể đêm kinh hoàng 31 người tử nạn năm 1968

Đã 50 năm trôi qua nhưng 3 cán bộ xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn nhớ như in đêm 3/5/1968, giặc Mỹ ném bom làm 31 người thiệt mạng tại thôn Thượng Phú. May mắn sống sót nhưng những đau thương vẫn hằn in trong lòng họ. Người mất đi một phần cơ thể, mất người thân, người cô đơn vì còn lại một mình, không còn bố, mẹ, anh trai.

Ông Nguyễn Doãn Thành với cánh tay trái và những ngón tay phải bị cụt

50 năm qua, ông Nguyễn Doãn Thành (SN 1957) đã quen với các thao tác trên đôi tay không còn nguyên vẹn. Bom Mỹ đêm đó đã lấy đi của ông cánh tay trái và 4 ngón của bàn tay phải. "Không chỉ bị thương ở tay, trong người tôi còn mang mảnh bom. Đêm đó, tầm 11h đêm, đang ngủ thì tôi tỉnh dậy nghe chân tay tê nhức. Dần dần, tôi mới nhận ra thân thể mình. Mẹ cùng anh trai đầu và 2 người em đã tử vong. Nhà bị san phẳng, cây cối đổ ngan ngác" – ông Thành ngậm ngùi kể.

Ông Thành còn cho biết: "Trong trận đó, nhà đảng viên Hồ Tiến chết 7 người, đau thương nhất là nhà ông Hồ Bá Huân có 4 người đều chết không còn ai. Hiện giờ, việc thờ tự gia đình ông Hồ Bá Huân đều do tôi (người gọi ông Huân bằng cậu - PV) đảm nhiệm. Toàn bộ gia đình ông Huân được đưa vào một nhà thờ nhỏ, dựng ngay cạnh nơi hố bom trước đây".

Cha mẹ và anh trai tử vong trong đêm, chị Hoàng Thị Huệ sống cùng bà ngoại và cậu mự từ khi 4 tuổi

Đêm kinh hoàng ấy đã 50 năm, khi đó Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Thị Huệ (SN 1964) - là đứa bé 4 tuổi. Nhắc chuyện xưa, nước mắt chị lại cứ thế ứa chảy: "Đợt bom đêm đó, cha mẹ, anh trai đều tử nạn. Cha bị mảnh bom cắt 2 chân, lết ra đến ngõ kêu cứu nhưng rồi không qua khỏi. Mẹ bị mất 1 chân, bị thủng bụng... Người ta đưa mẹ lên bệnh viện ở Thạch Điền nhưng sau đó mẹ mất vì nhiễm trùng nặng. Nhà chị còn mỗi chị, được bà ngoại và cậu mự đưa về nuôi. Ngày đó chị còn nhỏ, không biết gì, càng lớn lên càng thương cha mẹ và anh".

Hiểu được nỗi đau của một đứa trẻ mất đi thân quyến mà giờ đây đã ngoài 50, trong lần về thăm Tượng Sơn gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp đến nhà chia sẻ với chị Huệ.

Ông Trần Danh Nghĩa (bên trái) cùng ghi lại danh sách những người tử nạn

Cùng chung nỗi đau mất người thân, Phó Chủ tịch HĐND xã Trần Danh Nghĩa (SN 1959) đến giờ vẫn không hiểu vì sao mình thoát chết. Ông kể: "Kinh khủng lắm. Tầm 11h đêm, tôi nghe tiếng "rạt", nhà rung chuyển rồi cây cối đổ, không còn lối đi. Mảnh bom xuyên qua vách đất cắt ngang mất phần mặt của mẹ, mẹ tử vong. 2 đứa em gái nằm hai bên mẹ may mắn, một đứa chạy ra ngoài khóc, một đứa do hơi bom nên bị ngạt, hàng chục phút sau mới tỉnh. Ở ngoài nhà, ông nội cũng bị hơi bom lịm đi. Ngay sau đó, anh em tôi được bà nội đưa đi lánh".

Đã 50 năm trôi qua nhưng tên tuổi những người tử nạn vẫn in đậm trong ký ức đau thương của các nhân chứng xã Tượng Sơn

Trong trí nhớ của mình, Phó Chủ tịch HĐND xã Tượng Sơn còn nhớ cảnh tan hoang của làng, khi đó, phạm vi bom thả rất rộng, vùng nhà ông Tiến, cố Quyết của đội 3 cũ bị dội nặng nhất. Các mảnh bom sắc lẹm rải đầy trong làng, sau này chúng tôi vẫn hay nhặt được. Khi làm thủ tục mai táng, hàng chục người không đủ thi thể, người mất tay, mất chân… được tập kết ở nhà kho. Có người sau khi chôn cất, người dân nghe mùi hôi thối mới phát hiện ra có 1 cái chân trên ngọn tre, được đưa xuống chôn cất ngay cạnh phần mộ.

Các nhân chứng còn nhớ nơi những hố bom sát thương gây kinh hoàng cho dân làng

Nơi ông Nguyễn Doãn Thành thờ cả 4 người trong gia đình ông Hồ Bá Huân

"Đêm đó có đến chục quả bom sát thương thả cùng lúc. Làng tiêu điều, 31 người tử vong, hàng chục nóc nhà bị bom cắt ngang, đổ sụp, cấy cối tan hoang, khoảng 30 con trâu bò, lợn bị chết. Ngay trong đêm đó, xã đã huy động dân quân, thanh niên cùng người dân làm các thủ tục mai táng. Sự kiện đau thương này, với người Tượng Sơn ai cũng biết. Hiện xã đang tìm hiểu thủ tục để xây dựng bia chứng tích chiến tranh" - Bí thư Đảng ủy xã Dương Kim Hợi trò chuyện.

Đường vào thôn Thượng Phú hôm nay

Thời gian đã điểm sương trên mái đầu những người may mắn sống sót sau đêm 3/5/1968. Thấm hiểu nỗi đau thương và giá trị của hòa bình, họ đã nỗ lực để có vị trí công việc hưởng lương nhà nước như hiện nay. Bởi vậy, họ luôn mong mỏi một ngày có được tấm bia chiến tích để dân làng, thế hệ trẻ hiểu hơn nỗi kinh hoàng của chiến tranh, từ đó trân trọng hơn giá trị của hòa bình để phấn đấu vươn lên và đóng góp cho xã hội.

Mạnh Hà

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/chinh-sach-xa-hoi/nghe-3-nhan-chung-ke-dem-kinh-hoang-31-nguoi-tu-nan-nam-1968/158104.htm