Nghệ An: 9 tháng đầu năm, gần 100 trẻ em mắc Lao mới được phát hiện

Được triển khai trong vòng 2 năm 2016 - 2017, dự án 'Hơi thở cuộc sống' do Johnson & Johnson Việt Nam, Chương trình chống lao quốc gia và PATH hỗ trợ đã giúp cho hàng trăm trẻ em ở Nghệ An được điều trị dự phòng về Lao.

Sáng ngày 14/11, tại TP Vinh (Nghệ An), Tổ chức y tế toàn cầu PATH, Johnson & Johnson Việt Nam và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Hơi thở cuộc sống” để báo cáo những thành quả của dự án, chia sẻ bài học kinh nghiệm và thảo luận các bước tiếp theo nhằm tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao cho trẻ em.

Dự án “Hơi thở cuộc sống” là dự án hỗ trợ cán bộ và các cơ sở Y tế khu vực công tư được triển khai tại 4 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn và Yên Thành (Nghệ An) trong việc tăng cường, phát hiện và điều trị sớm cho trẻ em mắc Lao và tăng số trẻ tiếp xúc với nguồn lây được điều trị dự phòng lao.

Góc vui chơi của trẻ tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An.

Góc vui chơi của trẻ tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An.

Nhờ tăng cường công tác chẩn đoán trong dự án, trong năm 2016, đã có 148 trẻ mắc lao đã được phát hiện tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn và Yên Thành, tăng gấp đôi so với trẻ em mắc lao năm 2015 (74 trẻ).

Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã có thêm 89 trẻ mới mắc lao được phát hiện. Số trẻ mắc lao được phát hiện tăng có nghĩa là những trẻ mắc lao trước đây chưa được phát hiện thì giờ đang được chăm sóc điều trị.

Hỗ trợ kỹ thuật tại các cơ sở y tế địa phương.

Bác sĩ Đậu Minh Quang – Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An cho biết: “Dự án Hơi thở Cuộc sống đã nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở tất cả các tuyến trong việc phát hiện bệnh lao ở trẻ em, cũng cố sự kết nối và chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế tư nhân. Trạm y tế xã với Trung tâm Y tế huyện và Bệnh viện tuyến huyện và tỉnh để chẩn đoán bệnh kịp thời cho trẻ. Nhờ đó, số ca lao trẻ em được phát hiện tại 4 huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn và Yên Thành tăng lên đáng kể”.

Lao là bệnh truyền nhiễm và những người mắc lao có nguy cơ lây truyền vi khuẩn lao sang cho những người tiếp xúc gần gũi với họ. Trẻ nhỏ trong độ tuổi 0-5 tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi tham gia điều trị dự phòng có thể giảm nguy cơ mắc lao.

Các đại biểu của các Trung tâm y tế chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án.

Trước khi có dự án, 77% trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh tại 4 huyện trên đã được điều trị dự phòng. Từ khi triển khai dự án tới tháng 10/2017, hơn 99% trẻ được tiếp xúc , điều trị dự phòng lao.

Tiến sĩ Kimberly Green – Giám đốc Chương trình Lao/HIV của tổ chức PATH chia sẻ tại buổi hội thảo.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Kimberly Green – Giám đốc Chương trình Lao/HIV của tổ chức PATH cho biết: “Dự án Hơi thở Cuộc sống đã giúp tăng gấp 4 lần số trẻ được điều trị dự phòng. Kết quả này có được là nhờ sự trang bị kiến thức và kỹ năng cho cán bộ Y tế huyện và xã để thực hiện sàng lọc trẻ tiếp xúc nguồn lây và cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng cho trẻ một cách hệ thống – giúp trẻ dễ dàng bảo vệ sức khỏe của mình”.

Đại diện Dự án đã chuyển giao toàn bộ tài liệu, tập huấn điều trị dự phòng lao trẻ em cho Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Nghệ An,

Chương trình chống lao Nghệ An sẽ nhân rộng kết quả của Dự án Hơi thở Cuộc sống sang các huyện còn lại trên địa bàn tỉnh này, giúp tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh lao ở trẻ em đến với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, khiến cho hơn 14.000 người chết mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh viện lao và nằm trong danh sách 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới của tổ chức Y tế thế giới.

Trong 63 tỉnh thành trên cả nước, Nghệ An là một trong 10 tỉnh có gánh nặng bệnh lao cao nhất. Tuy nhiên, mặc dù số ca lao phát hiện ở Nghệ An đạt mức cao nhưng ước tính còn rất nhiều trẻ có nguy cơ mắc lao và gần 90% các trường hợp trẻ mắc lao còn chưa được phát hiện.

Việt Hòa

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nghe-an-9-thang-dau-nam-gan-100-tre-em-mac-lao-moi-duoc-phat-hien-post244544.info