Nghệ An: Chuyện 2 xã 'xài' chung 4 thôn

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An) đang diễn ra một thực trạng khá “hài hước” khi 2 xã “xài” chung 4 thôn xóm. Đó là người dân các xóm Hiếu Thành, Hưng Bắc, Hưng Phú, một phần xóm An Ninh do xã Tây Hiếu quản lý về măt hành chính, còn quản lý về đất đai thuộc xã Nghĩa Tiến. Điều này khiến hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây khổ sở vì cách quản lý chồng chéo.

Chính quyền xã kêu khó

Thành lập vào năm 1983, khi đó, xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa gồm hai phần, làng Bồi (gồm các xóm: 1,2,3,9) và làng Đong (gồm các xóm 4,5,6,7,8). Xen giữ hai phần đất này của xã là vùng trung tâm của nông trường Tây Hiếu (gồm các xóm: Hiếu Thành, Hưng Bắc, Hưng Phú, An Ninh). Thực hiện Chỉ thị 364 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ, bản đồ xã Nghĩa Tiến được vẽ lại liền một khối gồm từ xóm 1 đến xóm 9 và các xóm Hiếu Thành, Hưng Bắc, Hưng Phú và một phần xóm An Ninh của Nông trường Tây Hiếu.

Như vậy, địa giới hành chính xã Nghĩa Tiến liền một mảnh nối vùng làng Bồi (gồm các xóm: 1,2,3,9.), vùng giữa (gồm các xóm: Hiếu Thành, Hưng Phú, Hưng Bắc, An Ninh) và vùng làng Đong (gồm các xóm: 4,5,6,7,8).

Năm 1995, xã Tây Hiếu được thành lập, nhưng thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ. Theo đó, địa giới xã Tây Hiếu được hình thành trên cơ sở diện tích và dân số Nông trường Tây Hiếu 1. Như vậy, bản đồ xã Tây Hiếu lại gồm 16 xóm và 4 xóm: Hiếu Thành, Hưng Bắc, Hưng Phú, An Ninh. Sự “chồng lấn” diện tích 4 xóm bắt đầu từ đây.

Sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một hộ nhưng mang tên hai xã khác nhau.

Ông Hoàng Đình Cường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tiến (thị xã Thái Hòa) cho biết, về diện tích đất xã nắm được, còn dân số biến động, số khẩu xã Nghĩa Tiến không nắm được. Mọi tranh chấp về đất đai đều phải hai xã phối hợp giải quyết, còn thủ tục vay ngân hàng đều phải qua hai địa phương. Hai xã đã xây dựng cơ chế phối hợp giải quyết nhưng còn khó khăn. Dự kiến đến đầu năm 2018, bàn giao số khẩu về cho Nghĩa Tiến quản lý nếu không sẽ khó giải quyết nhiều vấn đề tồn tại lâu nay.

Xã Tây Hiếu được thành lập năm 1995 trên cơ sở dân số và diện tích của Nông trường Tây Hiếu 1 (Nông trường Tây Hiếu 1 đã được thành lập hơn 60 năm nay). Hiện, xã quản lý cư dân 20 xóm, trong đó có xóm Hiếu Thành, Hưng Bắc, Hưng Phú, An Ninh. Qua tìm hiểu được biết, 4 xóm trên là những xóm có đời sống kinh tế - xã hội phát triển nhất xã. Trước kia là trung tâm của Nông trường Tây Hiếu và nay là những xóm đầu tàu kinh tế của xã Tây Hiếu.

Ông Nguyễn Đình Châu, Chủ tịch UBND xã Tây Hiếu chia sẻ, trên cơ sở hiện có, chính quyền xã đề nghị Chính phủ cho thành lập phường mới nếu được may ra giải quyết dứt điểm tận gốc để tình trạng này rất khổ cho dân. “Để giải quyết thủ tục đất đai bà con đi lại rất nhiều, lúc Tây Hiếu, lúc Nghĩa Tiến nên người dân liên tục than phiền, chính quyền cũng động viên bà con và giải thích nhiều lần là do lịch sử để lại” - Ông Châu cho biết.

Dân kêu khổ

Hai địa phương thành lập hai thời điểm khác nhau, thế nhưng không hiểu sao quy trình thành lập thời điểm đó làm chưa chặt chẽ dẫn đến có sự trùng hợp về địa giới hành chính của các xã. Mọi phiền toái bắt đầu từ đó khiến cho hơn 20 mươi năm nay, trên 400 hộ dân ở 4 xóm trên chịu chung cảnh, hộ khẩu một đàng, bìa đất một nẻo. Hộ khẩu mang địa chỉ cư trú ở xã Tây Hiếu, còn sổ đỏ mang số thửa ở xã Nghĩa Tiến. Sự chồng chéo trong quản lý đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong việc chuyển nhượng, vay thế chấp ngân hàng cũng như nhiều phiền phức khác…

Phóng viên về xóm Hiếu Thành, đây là xóm kiểu mẫu về xây dựng văn hóa khu dân cư. Tận mắt chứng kiến đường làng khang trang, thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ mới cảm nhận hết nội lực của những con người xuất thân từ công nhân nông trường.

Một góc Xóm Hiếu Thành - Xóm trực thuộc sự quản lý của cả hai xã Tây Hiếu và Nghĩa Tiến

Bà Phan Thị Lan, 82 tuổi ở xóm Hiếu Thành cho biết: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở Nông trường Tây Hiếu, giờ là xã Tây Hiếu, nhưng do quản lý như vậy nên khi có vấn đề gì liên quan đến đất đai gia đình chúng tôi rất lo lắng. UBND xã Nghĩa Tiến cách 7 cây số, sai sót thủ tục một tý là rất khổ”.

Cùng chung nỗi khổ của nhiều hộ dân ở các xóm, ông Phạm Văn Hùng,  Xóm trưởng Hưng Bắc kiến nghị: “Dân xóm tôi rất bức xúc bởi cảnh một người dân hai chính quyền quản lý. Các cấp chính quyền hãy làm thế nào nhanh chóng đưa về một đầu mối quản lý để dân chúng tôi đỡ khổ, đỡ chạy đi chạy lại mỗi khi có việc”.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Thái Hòa khóa II đề ra mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ thành lập thêm 01 phường mới. Có nghĩa rằng, lãnh đạo thị xã Thái Hòa quan tâm để giải quyết vấn đề chồng chéo này.

Ông Đinh Thế Vinh, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Thái Hòa cho biết: “Trước mắt việc thành lập phường mới chưa thể được vì liên quan đến nhiều vấn đề về quy mô dân số, cơ sở hạ tầng, bộ máy hành chính...Hơn nữa, việc lập thêm phường mới cần phải có thời gian và lộ trình tiếp theo. Hiện, UBND thị xã đã chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa hai xã Nghĩa Tiến và Tây Hiếu trong thực hiện công tác quản lý hành chính và đất đai của địa phương. Về lâu dài, chính quyền các xã cần vận động nhân dân bốn xóm Hiếu Thành, Hưng Phú, Hưng Bắc, An Ninh về Nghĩa Tiến để xã thuận lợi về quản lý hành chính”.

Việc 2 xã “xài” chung 4 thôn diễn ra đã hơn 20 năm nay. Mỗi khi có việc cần liên quan đến giấy tờ, xác nhận của chính quyền địa phương là người dân lại phải ngược xuôi chính quyền cả 2 xã này, điều này đã khiến cho người dân gặp không ít rắc rối, mất công mất sức, mất thời gian. Vì vậy, mong mỏi của người dân nơi đây là được quy về một địa phương quản lý cả về hành chính và đất đai càng sớm càng tốt.

Đình Tiệp - Cao Sơn

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/suc-khoe-doi-song/201709/nghe-an-chuyen-2-xa-xai-chung-4-thon-2842389/