Nghệ An: Đảm bảo ổn định, tăng trưởng sau dịch Covid-19

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sau khi cơ bản khống chế thành công dịch Covid-19, việc khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong trạng thái 'bình thường mới' được tỉnh Nghệ An ưu tiên một cách tối đa.

Phòng, chống Covid- 19 hiệu quả

Trong 6 tháng đầu năm, cùng với các giải pháp chính xác, kịp thời trong phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị Quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đến nay thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 đã tạo nền tảng vững chắc để phục hồi, phát triển kinh tế đất nước và đây là thời điểm để cả nước tập trung vào phát triển kinh tế như đã thực hiện trong phòng, chống dịch. Kết quả 6 tháng đầu năm, nước ta đã duy trì được mức tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định.

Công nhân ở Nhà máy may Phú Linh (Diễn Châu) vẫn tiếp tục sản xuất. Ảnh: Lâm Tùng

Công nhân ở Nhà máy may Phú Linh (Diễn Châu) vẫn tiếp tục sản xuất. Ảnh: Lâm Tùng

Ngành lao động, thương binh và xã hội đã tập trung triển khai nhanh, đúng mục đích, yêu cầu với tinh thần khẩn trương, chặt chẽ, hiệu quả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đến đúng đối tượng.

Ngành tài chính cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19 đúng quy định, đồng thời thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, kết quả triển khai hỗ trợ hộ kinh doanh và người dân.
Ở Nghệ An, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán triệt và thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đáp ứng dịch Covid-19 gây ra và nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Huyện Con Cuông giám sát việc chi trả chế độ Covid-19. Ảnh: T.C

Các ngành, các địa phương trong tỉnh xây dựng kịch bản để dự báo, đánh giá thực trạng, chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống; đồng thời phải rà lại kịch bản từng ngày để kịp thời bổ sung phương án theo kịp diễn biến tình hình dịch bệnh.

Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gồm 3 nhóm đối tượng: người có công; bảo trợ xã hội; người nghèo, hộ cận nghèo. Tổng số đối tượng hỗ trợ là 637.064 người, với số tiền trên 609 tỷ đồng; Tổng số đối tượng đã được chi trả 376.200 người (đạt 59,1% tổng số đối tượng được phê duyệt), tổng số kinh phí đã giải ngân hỗ trợ 392.966 triệu đồng.

Quyết tâm cao nhất cho kế hoạch tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế thế giới tháng 6/2020 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước. Dự báo trong các tháng tiếp theo, nền kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp.
Đối với Nghệ An, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn do bị tác động bởi dịch Covid-19 và nhiều yếu tố không thuận lợi khác.

“Dịch bệnh đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, hầu hết các doanh nghiệp ở các nước đang có dịch đang trong tình trạng ngưng trệ, các chuỗi sản xuất, logistics bị chặn để tạm thời chống dịch; sức tiêu thụ còn yếu; nguyên vật liệu đầu vào một số ngành nhập khẩu chậm, không có đơn hàng, đơn hàng bị chậm hoặc hủy...”

Được biết trong tháng 6, UBND tỉnh dự kiến 2 kịch bản để tập trung chỉ đạo, điều hành: Kịch bản cao là khi dịch Covid-19 được kiểm soát sớm; các biện pháp của Chính phủ trong phòng chống dịch cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân tiếp tục phát huy hiệu quả.

Trước tình hình này Nghệ An không đi theo kịch bản nào nữa mà dồn sức cao nhất để thực hiện các mục tiêu. Trong đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động. Trong đó, việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp là giải pháp hết sức quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung

Bốc dỡ hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Nghệ An cũng sẽ kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định; Đẩy mạnh triển khai chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện Kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kế hoạch cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Lâm Tùng

Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội trên địa bàn...

Tiếp tục hỗ trợ người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid- 19; Nghiên cứu phương án giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; phương án giảm giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp trên cơ sở giảm khung giá thuê đất của nhà nước đối với quy hoạch đất công nghiệp để thu hút đầu tư.

Chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư; Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với thiên tai thời tiết diễn biến phức tạp...

Trân Châu

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nghe-an-dam-bao-on-dinh-tang-truong-sau-dich-covid19-271474.html