Nghệ An: Đối thoại để lắng nghe tâm tư giáo viên các huyện miền núi

Ngày 25-10, tại huyện Quế Phong, lần đầu tiên diễn ra hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An với cán bộ, người lao động trên địa bàn các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

Ngày 25-10, tại huyện Quế Phong, lần đầu tiên diễn ra hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An với cán bộ, người lao động trên địa bàn các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.

Nhiều trường tiểu học ở Nghệ An vẫn thiếu giáo viên.

Tránh việc điều chuyển bất hợp lý

Tại hội nghị, 20 ý kiến trực tiếp của giáo viên, cán bộ làm công tác giáo dục và lãnh đạo các huyện xuất phát từ thực tiễn tại các địa phương được nêu lên. Các ý kiến đưa ra tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính của ngành như: công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, công tác tài chính, thực hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, việc đổi mới giáo dục và đào tạo...

Thầy Võ Tiến Lộc, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp nêu ý kiến, việc điều chuyển giáo viên đầu năm học mới cần phù hợp với nguyện vọng, ưu tiên những người công tác lâu năm, hợp tình, hợp lý, những giáo viên muốn được gần gia đình sau thời gian công tác biệt phái lâu dài. Tránh tình trạng, cứ vào đầu năm học mới, giáo viên lo lắng bị điều chuyển bất hợp lý, ảnh hưởng đến việc giảng dạy.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hương, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cho rằng, xuất phát điểm của nhiều giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa thấp nên chất lượng giáo viên không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu về việc dạy và học trong tình hình mới. Vì thế, cần đầu tư hơn nữa để bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên.

Bài toán xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất

Một trong những ý kiến được nhiều người quan tâm trong hội nghị là việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho trường học.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình 1, huyện Quỳ Châu Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, đa số học sinh tại các trường học ở huyện Quỳ Châu thuộc diện hộ nghèo (có những trường học sinh hộ nghèo chiếm 80-90%). Mặt khác, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn rất ít. Vì vậy, nếu theo quy định không thực hiện vận động học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách cùng toàn thể nhân dân thì không có kinh phí để sửa chữa, khắc phục cơ sở vật chất nhỏ lẻ ở trường. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn hay tháo gỡ như thế nào cho các trường.

Tại hội nghị, nhiều thắc mắc của giáo viên đã được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành trực tiếp trả lời. Điển hình như vấn đề tăng tỷ lệ giáo viên tiểu học để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày và chuẩn bị cho việc thực hiện dạy chương trình giáo dục phổ thông đạt hiệu quả. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, dù đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng Sở tham mưu cho UBND tỉnh tăng tỷ lệ giáo viên tiểu học và quan tâm tăng số người làm việc cho các xã đặc biệt khó khăn.

Ông Thái Văn Thành ghi nhận, tiếp thu ý kiến từ các thầy cô giáo cũng như nhận trách nhiệm trước những khó khăn, tồn tại, bất cập trong thời gian qua mà ngành chưa giải quyết được. Ông cũng khẳng định quan tâm nhiều hơn nữa để giảm khó khăn cho các thầy cô, người lao động trong ngành giáo dục ở các huyện miền núi.

NGUYỄN OANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_214926_nghe-an-doi-thoai-de-lang-nghe-tam-tu-giao-vien-ca.aspx