Nghệ An: Giao rừng hơn 10 năm không triển khai dự án, dân vùng biên 'khát' đất sản xuất

Dự án được quy hoạch gần 10.000ha đất lâm nghiệp tại huyện biên giới Quế Phong (tỉnh Nghệ An) để thực hiện, nhưng sau 1 năm triển khai trồng được gần 300ha thì dừng lại gây lãng phí tài nguyên, trong khi đó người dân tại đây lại bí bách đất sản xuất.

Còn rất nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất trong khi rừng giao cho doanh nghiệp lại để hoang.

Còn rất nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất trong khi rừng giao cho doanh nghiệp lại để hoang.

Dân thiếu đất sản xuất, rừng giao cho doanh nghiệp bỏ hoang

Hơn 60 hộ dân tại bản Huồi Máy, xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) sinh sống cạnh khu vực Dự án của Công ty InnovGreen Nghệ An không có đất rừng để sản xuất kinh tế, trong khi đó bên cạnh là khu đất bị bỏ hoang hóa nhiều năm khiến người dân rất bức xúc.

Theo ông Lữ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết, thời điểm triển khai dự án cũng như cho thuê đất rừng triển khai người dân địa phương không đồng ý, vì họ đang thiếu đất sản xuất. Nhưng khi cho thuê rừng thì doanh nghiệp chỉ thực hiện hơn 1 năm đầu rồi để cỏ mọc rất lãng phí. Sau này, người dân và địa phương nhiều lần đề nghị thu hồi đất trả lại cho dân nhưng chưa được.

Cũng chung cảnh ngộ, 80 hộ dân tại bản Na Khích và Pà Lau của xã Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong) cũng trong tình trạng thiếu đất rừng sản xuất nhưng đất rừng đã giao cho doanh nghiệp này bỏ hoang. Trước đó, khi trồng được một diện tích cây keo, doanh nghiệp không chăm sóc nên số cây còn sống rất ít, tại bản Pà Lau theo quan sát thì chỉ còn lác đác ít cây keo còn sót lại.

Theo ông Ngân Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng, khi họp dân để triển khai dự án, người dân và cả cán bộ không đồng ý để Công ty InnovGreen thực hiện dự án. Nhưng do quyết định của tỉnh đã đồng ý cho thuê đất nên địa phương cũng đành chịu. Người dân mong muốn được giao đất rừng để sản xuất nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Khu rừng được bàn giao cho doanh nghiệp trong khi người dân thiếu đất sản xuất.

Theo tìm hiểu được biết, năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định cho Công ty InnovGreen Nghệ An (thuộc Công ty TNHH MTV InnovGreen - do người Trung Quốc làm chủ) thuê hơn 978,5 ha đất rừng tại xã Cắm Muộn và Nậm Nhoóng để trồng rừng làm nguyên liệu.

Thời hạn thuê đất là 49 năm (đến năm 2057) với mức giá thuê 500 đồng/m2. Doanh nghiệp sau đó đã được Sở TNMT Nghệ An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Được giao đất, năm 2010, Cty InnovGreen đã triển khai phát dọn thực bì được 345,7ha, đào hố 327,5ha, trồng được 294,3ha và làm đường công vụ 5,8km. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, công ty đã dừng triển khai trồng, diện tích trồng không có người chăm sóc, bảo vệ nên đã bị hoang hóa.

Cần sớm thu hồi đất bàn giao cho người dân

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, người dân địa phương thiếu đất sản xuất, huyện cũng muốn giao diện tích đất bỏ hoang cho người dân nhưng vì tỉnh đã cấp cho Cty InnovGreen trước kia nên phải chờ tỉnh xử lý.

Huyện cũng đã nhiều lần có ý kiến đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa được. “Đất đai thì thiếu, người dân thì cần nhưng để lãng phí thấy cũng nóng ruột. Lỡ thiên tai cháy rừng hay phá rừng diễn ra thì không có ai đứng ra chịu trách nhiệm vì phía công ty cũng không có mặt tại địa phương”.

Được biết, Công văn số 330 ngày 17/01/2019 của Sở TNMT tỉnh Nghệ An về việc thu hồi đất của Cty InnovGreen tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong thì hiện tại Cty InovGreen Nghệ An đã có Công văn số 01/2018 ngày 16/10/2018 và Công văn số 01/2019 ngày 05/01/2019 đề nghị trả đất tại Cắm Muộn. Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của Dự án, việc thu hồi đất ảnh hưởng đến quy hoạch vùng nguyên liệu, chấp thuận chủ trương đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài và liên quan đến đề nghị của Cty InnovGreen về việc được miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với khu đất đề nghị thu hồi. Do vậy, việc thu hồi của Cty InnovGreen Nghệ An tại xã Cắm Muộn chưa thực hiện được.

Ông Võ Duy Việt, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Nghệ An chia sẻ, “Việc để hoang đất trong một thời gian dài như thế thì tỉnh nên sớm thu hồi để giao cho dân sản xuất, Sở cũng nhiều lần có ý kiến trình Ủy ban tỉnh về vấn đề này. Do có yếu tố nước ngoài hơi nhạy cảm nên các sở, ngành đang cân nhắc và thận trọng trong việc giải quyết. Hiện tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính tham mưu giải quyết vấn đề này”.

Được biết, trên địa bàn Nghệ An, dự án của Cty InnovGreen thực hiện trên địa bàn các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp với diện tích quy hoạch gần 70.000ha. Tuy nhiên, thời điểm đó, doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện tại huyện Quế Phong rồi dừng lại từ đó đến nay.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết, thời điểm đó người dân không đồng ý cho thuê đất rừng vì thiếu đất sản xuất, cũng một phần mang yếu tố nước ngoài nên doanh nghiệp không triển khai được. Trên địa bàn huyện Quế Phong còn có Dự án trồng rừng của Công ty CP Đầu tư tài chính và Bất động sản Việt và Dự án trồng cây hông và cây tếch của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cũng không thực hiện theo tiến độ.

Dự án của Cty CP đầu tư tài chính Bất động sản Việt Nam được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu phục vụ dự án trồng rừng năm 2010 và phê duyệt quy hoạch tại năm 2014. Với diện tích quy hoạch hơn 3.462,76ha nhưng đến nay chưa thực hiện; Dự án trồng cây hông và cây tếch của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tại Quyết định số 2232 ngày 2/6/2010, gồm 9 tại huyện Quế Phong với diện tích quy hoạch là 2.452 ha. Đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa thực hiện.

Ông Võ Duy Việt cho biết thêm, hai dự án này đang nằm trong kế hoạch kiểm tra các dự án chậm tiến độ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai trong thời gian tới để tham mưu tỉnh có phương án xử lý. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, thì đối với các dự án chậm tiến độ Sở đã có văn bản tham mưu gửi Sở Kế hoạch đầu tư và UBND tỉnh đề nghị thu hồi đất để cấp cho người dân.

Dự án được UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện Dự án theo Quyết định 4820 ngày 05/10/2016. Ngày 13/11/2018, UBND huyện Quế Phong đã có Công văn số 1522 về việc cho ý kiến đề nghị trả lại đất của Cty InnovGreen Nghệ An tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong. Trong đó, UBND huyện thống nhất đề nghị trả lại đất của Công ty theo nội dung tại Công văn 01/2018 ngày 16/10/2018 và để nghị Sở TNMT tỉnh Nghệ An báo cáo UBND tỉnh thu hồi giao cho huyện, để giao cho nhân dân sản xuất, tránh lãng phí đất đai.

Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nêu: Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy của Cty TNHH Innvo Green Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng trồng rừng tại 16 xã, thuộc 5 huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn và Con Cuông, trong đó có quy mô 16.848ha tại Quyết định số 4257 ngày 30/9/2008.

Tuy nhiên từ đó đến nay, Cty Innvo Green Nghệ An chỉ triển khai trồng rừng trên 987ha đất thuê tại xã Cắm Muộn, còn diện tích còn lại 15.869ha đất trong vùng quy hoạch của Dự án phía công ty không triển khai các hạng mục theo quy hoạch được phê duyệt, gây lãng phí tài nguyên và khó khăn trong công tác quản lý sử dụng đất của địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 987ha đất tại xã Cắm Muộn, đồng thời hủy bỏ quy hoạch vùng trồng rừng của Dự án được phê duyệt tại Quyết định 4257 của UBND tỉnh, tạo điều kiện để quy hoạch vùng nguyên liệu cho các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có Nghệ An liên tục xảy ra các vụ cháy rừng gây nhiều thiệt hại, với diện tích rừng lớn như thế nhưng các chủ đầu tư lại bỏ rơi không có người quản lý thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng ảnh hưởng đến diện tích rừng xung quanh. Ngoài ra, những người dân địa phương lại đang thiếu đất để sản xuất, trồng rừng để phát triển kinh tế. UBND tỉnh Nghệ An cần xem xét lại việc sớm hủy bỏ quy hoạch của Dự án nói trên, giao đất cho người dân sản xuất tránh lãng phí tài nguyên.

Ngô Toàn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/nghe-an-giao-rung-hon-10-nam-khong-trien-khai-du-an-dan-vung-bien-khat-dat-san-xuat-474825.html