Nghệ An: Lý do nhiều hồ sinh thái, kênh nước ở TP Vinh bị ô nhiễm?

Nhiều kênh tiêu thoát nước, hồ sinh thái chữa nước nội thị TP Vinh (Nghệ An) đang bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân một phần do sự quá tải trong vấn đề xử lý nước thải tập trung.

Dòng kênh Bắc chảy qua nhiều phường xã ô nhiễm

Dòng kênh Bắc chảy qua nhiều phường xã ô nhiễm

Nước kênh chuyển đen, hồ sinh thái bốc mùi

Vấn đề một kênh dẫn nước, hồ sinh thái trong nội thị TP Vinh ô nhiễm, chuyển màu đen, bốc mùi hôi quanh năm không phải mới diễn ra, mà diễn ra âm ỉ nhiều năm qua, trở thành bài toán khó giải khi một phần nguyên nhân được đánh giá là nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP Vinh đã vượt công suất. Do đó, mỗi ngày đêm, có khoảng 10 nghìn m3 nước thải sinh hoạt không được thu gom xử lý chảy tràn ra môi trường, tràn ra các hồ sinh thái, kênh, dẫn tới ô nhiễm.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Đội Cung Trần Hoàng Song cho biết, tình trạng hồ chứa sinh thái trên địa bàn phường lâu nay bị ô nhiễm, cử tri cũng có ý kiến nhiều. Trước đây hồ chứa này chỉ chứa nước mưa, nhưng sau được đầu tư, sửa chữa thành hồ sinh thái, hệ thống dẫn nước bao gồm cả nước mưa, nước sinh hoạt người dân đổ ra hồ, việc lưu thông nước trong hồ bị hạn chế, do đó thành nước hồ tù đọng, gây ra ô nhiễm, bốc mùi hôi khó chịu.

Qua khảo sát của phóng viên, không riêng hồ sinh thái phường Đội Cung, mà cả hệ thống hồ chứa sinh thái phường Cửa Nam, hồ sinh thái xã Hưng Lộc, Vinh Tân... hệ thống kênh Hào thành cổ Vinh, kênh Bắc cũng rơi vào tình cảnh nước màu đen kịt, bốc mùi hôi thối khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều hồ sinh thái, kênh chữa nước tại TP Vinh màu đen kịt, bốc mùi hôi.

“Mùi hôi thối quanh năm, nhiều khi thấy ngột ngạt vô cùng, chỉ mong thành phố sớm có giải pháp...” – Ông Th, một hộ dân sống cạnh kênh Bắc chia sẻ.

Kênh Bắc, đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Phong Sắc giao Lê Viết Thuật nay bống trở thành túi chứa nước thải khổng lồ. Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc tiêu thoát nước, kênh còn thiết kế mục đích điều hòa sinh thái, do đó hệ thống nước trên kênh không bao giờ chảy cạn. Cũng bởi vậy, phần gần cuối kênh đoạn các phường Hưng Dũng và xã Hưng Lộc nay trở nên như hồ chứa nước thải lớn, bốc mùi hôi nặng.

Về vấn đề này, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vinh cũng như Công ty Cổ phần quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh cho biết, nhà máy xử lý nước thải tập trung TP Vinh được đầu tư năm 2011, công suất nay đã thua xa so với lượng nước thải đổ về phải xử lý mỗi ngày, theo tính toán thì mỗi ngày phải xử lý 35 nghìn m3 nước thải tập trung cho toàn TP thì mới đảm bảo.

Nhưng nay hệ thống xử lý xuống cấp, năng lực xử lý vận hành chỉ đạt 25 nghìn m3 ngày đêm, do đó sẽ có khoảng 10 nghìn m3 chảy tràn ra môi trường như kênh Bắc, hồ sinh thái... do đó gây nên tình trạng ô nhiễm. Ngoài ra, việc hạ tầng chưa đồng bộ cũng dẫn tới một phần nguyên nhân gây ô nhiễm, điển hình như việc toàn TP Vinh chưa có hệ thống gom nước thải sinh hoạt riêng về nhà máy để xử lý, mà đang cơ bản sử dụng chung.

Đơn vị vận hành nói gì?

Ông Võ Tuấn Anh - Phó giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh cho biết, một phần nguyên nhân nữa là do trước đó khoảng đầu tháng 2/2023 thì xảy ra sự cố hỏng máy biến tần thổi khí số 5, sau đó tiếp tục máy số 3, buồng khí máy thổi khí số 2 cũng bị hỏng. Do hỏng nên mỗi ngày đêm nhà máy chỉ vận hành xử lý được khoảng 13 nghìn m3, mức xử lý nước thải tập trung đạt 50% công suất.

Trao đổi về câu chuyện trách nhiệm trong sự việc này, Phó giám đốc Công ty Cổ phần quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh cũng thừa nhận rằng, sau khi xảy ra sự cố, phía Công ty đã đình chỉ giám đốc điều hành nhà máy xử lý nước thải tập trung, lý do bao gồm chuyện để xảy ra việc máy hỏng không vận hành được và nhiều nội dung khác.

Công ty Cổ phần quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh là đơn vị trực tiếp vận hành, quản lý hồ sinh thái, kênh và nhà máy xử nước thải tập trung của TP Vinh.

Việc ô nhiễm hồ sinh thái, kênh dẫn nước trên địa bàn TP Vinh từng khiến cử tri TP quan tâm, đặc biệt dành thời gian chất vấn trong kỳ họp thứ 7, kỳ họp HĐND TP Vinh vào cuối tháng 12/2022. Cử tri đều mong mỏi TP Vinh làm rõ nguyên nhân ô nhiễm và có biện pháp khắc phục.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư thành Ủy TP Vinh Phan Đức Đồng thông tin, vừa qua TP cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan, đối với các hồ chứa nước thuộc của doanh nghiệp quản lý thì yêu cầu họ thực hiện nạo vét hồ, còn đối với hệ thống kênh, hồ do TP Vinh quản lý sẽ thực hiện nạo vét, xử lý. Đây là một trong những nội dung hiện nay TP Vinh cũng đang hết sức quan tâm, quyết liệt xử lý. Về quản lý vận hành cũng tăng cường giám sát, chỉ đạo.

Theo số liệu từ Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Vinh cung cấp cho thấy, chi phí ngân sách hàng năm dành cho việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống mương thoát nước, dịch vụ chiếu sáng đô thị mà Công ty Cổ phần quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh trúng thầu những năm qua như năm 2021 là hơn 21 tỷ đồng; năm 2022 là gần 19,8 tỷ đồng và năm 2023 trên 28 tỷ đồng.

Hoàng Phạm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghe-an-ly-do-nhieu-ho-sinh-thai-kenh-nuoc-o-tp-vinh-bi-o-nhiem-326720.html