Nghệ An: Người cựu chiến binh trong 'cuộc chiến' giữ nghề truyền thống

Cựu chiến binh Thái Đại Phong (tỉnh Nghệ An) đã thành công trong 'cuộc chiến' giữ nghề mây tre đan truyền thống, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất mây tre đan, hàng năm, Công ty TNHH Đức Phong (tỉnh Nghệ An) xuất khẩu hàng triệu mặt hàng mây tre mỹ nghệ. Hiện, sản phẩm của công ty không chỉ có mặt trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường 34 quốc gia như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Chi Lê, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Tập đoàn IKEA - Thụy Điển... Thành công này có được là nhờ tâm huyết của cựu chiến binh Thái Đại Phong vực dậy và phát triển nghề thủ công truyền thống.

Hồi sinh nghề truyền thống…

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến xưởng sản xuất mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong ở KCN Nghi Phú, TP. Vinh (Nghệ An) để nghe ông kể chuyện về một thời khói lửa chiến tranh và nghị lực vươn lên làm kinh tế, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Sản xuất đèn lồng từ nguyên liệu mây tre đan truyền thống

Với phong cách “rất lính”, ông vào thẳng câu chuyện: Sau gần 15 năm công tác trong quân đội, trở về đời thường với thương binh hạng 3/4. Giai đoạn này kinh tế của gia đình rất khó khăn. Với bản lĩnh của người lính từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, ông Phong không khoanh tay đứng nhìn mà tìm đủ mọi cách để làm kinh tế.

Thời điểm đó, ông đã chọn đi xuất khẩu lao động tại Đức để mong thoát khỏi cái nghèo. Về nước từ đầu những năm 1990, có chút vốn liếng, ông đã mạnh dạn tìm cho mình một lối đi riêng: Kinh doanh mặt hành thủ công mỹ nghệ mây tre đan để xuất khẩu.

Thời điểm, cuối thập kỷ 80 đầu những năm 90, nghề mây tre đan và nghề thủ công mỹ nghệ của Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung rơi vào tình trạng không có việc làm, không có thị trường tiêu thụ. Nhất là sau khi thị trường Đông Âu tan vỡ, người dân làng nghề Nghệ An không có việc làm để nuôi sống gia đình.

Sau nhiều đêm không ngủ, tôi nảy ra ý định, sao không làm những sản phẩm này để tiêu thụ ở thị trường Đông Đức - nơi tôi có nhiều năm sống và làm việc. Nếu làm được điều này, vừa có thêm thu nhập vừa giúp được bà con làng nghề có việc làm ổn định, lâu dài…”, - ông Phong nhớ lại.

Đèn lồng mây tre đan Đức Phong, sản phẩm công nhận 5 sao OCOP quốc gia

Nghĩ là làm, với số vốn ít ỏi 30 triệu đồng ban đầu, cựu binh Thái Đại Phong cùng 3 người bạn bắt tay vào khởi nghiệp. Công ty TNHH Đức Phong được thành lập trong bối cảnh làng nghề ở Nghệ An có chiều hướng mai một do không tìm được thị trường tiêu thụ. Lúc đó, cả tỉnh chỉ có khoảng 100 hộ biết nghề tại 2 xã Nghi Phong và Nghi Thái ở huyện Nghi Lộc.

Nhiều năm liền, ông Phong chạy ngược chạy xuôi tổ chức sản xuất, cải tiến mẫu mã, tìm kiếm nguồn vốn vay, cho người dân học nghề… Tuy nhiên, những khó khăn này không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Khi trở về đời thường, chúng tôi không được tiếp xúc với những kiến thức trong sản xuất kinh doanh, không vốn liếng, không nhà xưởng, không đất đai... Với tinh thần là một người lính, chúng tôi phải tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn đó…” - ông Phong chia sẻ.

Qua lời kể, chúng tôi nhận thấy ông luôn trăn trở với mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược kinh doanh bài bản để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ở nghề ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… Dựa trên đặc thù sẵn có của địa phương, ông đã tạo ra nhiều sản phẩm khác biệt, từ khâu nguyên liệu, cách khai thác cách xử lý, chế biến nguyên liệu đến mẫu mã để tạo ra được sản phẩm chất lượng và độc đáo. Những khó khăn chưa bao giờ dừng lại song ông và các thành viên trong công ty luôn đương đầu và vượt qua.

Cựu binh Thái Đại Phong chia sẻ: “Mỗi thời điểm có một khó khăn khác nhau, ví dụ gần đây có dịch Covid nên vấn đề tiếp cận với người sản xuất, thu gom sản phẩm, rồi vận chuyển từ cảng biển về đến tay người tiêu dùng giá cao gấp từ 8 - 10 lần. Tuy gặp khó khăn, nhưng sản lượng và doanh thu vẫn tăng từ 15 - 20% do có những chiến lược để thích ứng với hoàn cảnh và dần vượt qua khó khăn…".

Đầu tàu phát triển kinh tế, tạo việc làm

Dẫn tôi đi xem cơ sở sản xuất mây tre đan hiện tại, ông Phong cho biết, từ năm 2001 đến nay, công ty đã mở hơn 800 lớp dạy nghề đào tạo cho hơn 50 ngàn lượt người; truyền nghề, dạy nghề cho 132 xã trên địa bàn thuộc 15 huyện ở 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 5 ngàn lao động.

Sản phẩm đèn lồng của Công ty TNHH Đức Phong đã xuất khẩu đi khắp các nước Châu Âu. (Trong ảnh: Cựu chiến binh Thái Đại Phong đứng giữa mặc áo vest màu sáng)

Đổi mới mẫu mã phù hợp với yêu cầu thị trường là bí quyết thành công của cựu chiến binh Thái Đại Phong. Mỗi năm, công ty thiết kế từ 20 - 40 sản phẩm và thường xuyên cải tiến mẫu mã. Hiện, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mây tre đan là khá lớn, với các thị trường xuất khẩu lớn ở châu Âu như: Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Ý…; thị trường châu Á có các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Từ những năm 2004, công ty đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đó là dùng dầu diesel vào luộc nguyên liệu, xông hơi hóa chất khử trùng chống mọt, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị. Đến năm 2007, công ty đã thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và được tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ phù hợp năm 2008. Việc đưa quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn vào sản xuất. Qua đó, giúp công ty giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Để tìm kiếm được thị trường và quảng bá thương hiệu, công ty cũng tham gia nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, từ đó học hỏi, nghiên cứu marketing sản phẩm.

Với những tâm huyết và chiến lược kinh doanh rõ ràng, cựu chiến binh Thái Đại Phong quyết tâm đưa Công ty TNHH Đức Phong thành doanh nghiệp sản xuất mây tre đan xuất khẩu hàng đầu Bắc Trung Bộ và của cả nước. Doanh số tăng 20% mỗi năm, thu nhập cho người lao động tăng 30%, phát triển vùng nguyên liệu gắn với chiến lược phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm mây tre đan Đức Phong trải qua thời gian đã kết hợp được nét truyền thống và hiện đại nhưng vẫn giữ được sự tinh tế, độc đáo riêng của làng nghề Việt. Không chỉ làm vừa lòng các khách hàng trong nước mà các sản phẩm của công ty đã làm vừa lòng khách quốc tế, được yêu thích trong các hội chợ trong và ngoài nước. Sản phẩm của công ty nhiều năm liên tục được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. Đặc biệt, tháng 4/2023 vừa qua, sản phẩm mây tre đan Đức Phong đã được Hội đồng bình chọn quốc gia xét và công bố 5 sản phẩm thuộc nhóm đèn lồng treo bằng tre đạt chuẩn OCOP 5 sao của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của Nghệ An được công nhận OCOP 5 sao.

Không chỉ có nghị lực vượt qua khó khăn để làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều lao động, cựu chiến binh Thái Đại Phong còn tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội của địa phương.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lục - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) cho biết, Công ty TNHH Đức Phong đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của xã.

Đây là doanh nghiệp làm bà đỡ cho kinh tế làng nghề Nghi Thái. Từ chỗ Nghi Thái chỉ có 1 đến 2 làng nghề, thì nay có khoảng 3 ngàn lao động được đào tạo nghề, trong đó có sự đóng góp lớn của Công ty Đức Phong. Ngoài ra, ông Phong rất tích cực tham gia các cuộc vận động của địa phương như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, Quỹ nạn nhân chất độc da cam…” - ông Lục chia sẻ.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-nguoi-cuu-chien-binh-trong-cuoc-chien-giu-nghe-truyen-thong-263985.html