Nghệ An: Người dân tự ý đến phá ngôi chùa xây dựng trái phép trong khu di tích

Nhiều người dân đã tự ý phá dỡ nhiều hạng mục của chùa Linh Sâm - ngôi chùa xây dựng trái phép trong khu di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Hữu.

Sáng 9/4, Ông Bùi Hữu Chương – Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, vừa qua có nhiều người dân tự ý phá chùa Linh Sâm. Đây là ngôi chùa xây trái phép trong khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Hữu.

Nhiều hạng mục chùa Linh Sâm bị người dân tự ý phá dỡ.

Nhiều hạng mục chùa Linh Sâm bị người dân tự ý phá dỡ.

Việc người dân tự ý tháo dỡ tại chùa Linh Sâm xảy ra vào chiều ngày 24/3. Lúc đó, có khoảng 60 - 70 người cùng máy móc đang phá dỡ nhiều hạng mục của chùa. Đến 18h30 cùng ngày, chùa đã bị phá hủy toàn bộ 6 ngôi nhà bê tông đang xây dựng dở cùng một bức chắn. Cụ thể, nhà tam bảo, nhà tổ, nhà tăng, nhà sư, cổng tam quan và các hạng mục công trình khác. Ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng.

Chùa đã bị phá hủy toàn bộ 6 ngôi nhà bê tông đang xây dựng dở cùng một bức chắn.

Ông Chương cho biết thêm, nhận được thông tin chính quyền xã đã có mặt tại hiện trường để can thiệp nhưng lực lượng mỏng nên không ngăn chặn được. Công trình chùa Linh Sâm xây dựng trái phép đã được đình chỉ thi công từ tháng 10/2019 và đang chờ các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Việc nhiều người cùng máy móc phá hoại tài sản này là trái pháp luật. Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên huyện, tỉnh và phía cơ quan công an đang xác minh điều tra, làm rõ.

Sự việc xây chùa trái phép xảy ra vào đầu tháng 8/2019 gây xôn xao dư luận. Nhưng đến hơn 2 tháng sau, chính quyền xã Thanh Yên mới ra văn bản đình chỉ việc xây dựng. Khi đó, các công trình gồm 6 tòa nhà và cổng tam quan với kiến trúc đồ sộ, cơ bản hoàn thành phần thô. Khu vực xây dựng chiếm diện tích khoảng 6.000m² ngay cạnh đền Hữu.

Các công trình chùa Linh Sâm đã cơ bản hoàn thành phần thô vào tháng 10/2019.

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An) cho biết, việc xây chùa xâm lấn vùng bảo vệ khu vực 1 của di tích đền Hữu là vi phạm Luật Di sản. Xã có nhầm lẫn giữa khu khoanh vùng bảo vệ khu vực 1, 2 rồi xảy ra sự việc xây dựng xâm lấn là không thể chấp nhận được.

Dù vùng bảo vệ khu vực 2 theo luật thì có quyền được xây dựng nhưng là để làm các công trình phục vụ phát huy và hỗ trợ cho di tích. Việc này phải lập hồ sơ và trình các cấp có thẩm quyền. Còn cụ thể ở đây là xây chùa Linh Sâm là không được.

Về diện tích đất khoanh vùng bảo vệ của di tích đền Hữu, ông Võ Duy Thanh - cán bộ Phòng Tu bổ (Ban Quản lý di tích và danh thắng Nghệ An) cho biết, năm 2009, khi đền Hữu được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia thì Ban Quản lý di tích danh thắng Nghệ An đã về đo vẽ, khoanh vùng bảo vệ với diện tích hơn 8.000m2.

Diện tích bao gồm phần đền với các hạng mục nhà thượng điện, nhà trung điện, sân… với hơn 4.000m2 (vùng bảo vệ khu vực 1) và khu đất phía bên phải của di tích là vùng bảo vệ khu vực 2 với diện tích tương tự. Đến năm 2017, di tích đền Hữu được điều chỉnh với diện tích hơn 33.000m2. Diện tích 8.000m2 năm 2009 giờ là vùng bảo vệ khu vực 1.

Diện tích khoanh đỏ là vùng bảo vệ khu vực 1 của đền Hữu.

Sau khi sự việc được phản ánh, các cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm liên quan đến xây dựng trái phép chùa Linh Sâm. Đồng thời, UBND huyện Thanh Chương đã kỷ luật 4 cán bộ xã Thanh Yên.

Cụ thể, ông Lê Hồng Long, Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Yên. Ông Nguyễn Cảnh Điền, Phó chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ địa chính xã, bị cảnh cáo. Ông Bùi Trung Thông, cán bộ văn hóa xã Thanh Yên, bị khiển trách. Hiện, huyện đang chờ ý kiến của UBND tỉnh Nghệ An để có hướng xử lý tiếp theo.

Đền hơn 400 năm tuổi với nhiều di vật có giá trị

Theo tư liệu từ Ban quản lý di tích Nghệ An, đền Hữu được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thờ Thái phó tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (1521-1576) và hợp tự các vị sơn thần của làng. Toàn bộ khu vực đền Hữu rộng khoảng 3,2ha. Ngày 20/5/2008, lãnh đạo các ngành tỉnh Nghệ An đã ký bản đồ khoanh vùng (vùng 1 và vùng 2) khu vực bảo vệ di tích đền Hữu.

Năm 2009, đền Hữu được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện đền còn giữ được 3 tòa thượng điện, trung điện và hạ điện cổ hơn 400 năm tuổi cùng nhiều cổ vật, di vật có giá trị.

Vũ Đồng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nghe-an-nguoi-dan-tu-y-den-pha-ngoi-chua-xay-dung-trai-phep-trong-khu-di-tich-2020040916264999.htm